Họ Mai Bình Địnhhttp://homaibinhdinh.vn/uploads/icon-homai.png
Thứ sáu - 13/09/2024 14:491340
Bác sĩ, Nhà thơ Mai Hữu Phước- Phó chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam vừa xuất bản tập thơ thứ 8, mang tên Chạm thu. Bài sau đây giới thiệu về tập thơ này.
Chạm thu cùng Mai Hữu Phước (Đọc tập thơ“Chạm thu” của Mai Hữu Phước, Nxb Hội Nhà văn, 7/2024) NGUYỄN THỊ THU THỦY
Cảm thức về mùa thu trong sự trôi chảy của thời gian từ lâu đã được nhiều nhà thơ đề cập. Ta đã gặp trong thơ cổ Trung Quốc nét tinh tế của thi nhân khi nhận ra bước chân thu hiện hữu: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ công tri thu (Một chiếc lá ngô đồng rụng/ Cả thiên hạ đều biết thu đã về). Ta rung cảm cùng tâm sự thời cuộc từ những vần thơ thu ăm ắp nỗi niềm trong thơ Trung đại Việt Nam qua cảm nhận của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến: “Chùa cổ lá rơi thu phủ kín/ Triền xưa mây trắng sãi già rồi” (Trông chùa Thiên Thai-ND); “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then” (Thuật hứng bài 24- NT); “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào” (Thu vịnh- NK). Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1930-1945, không hiếm những vần thơ cảm thức về thu của Tản Đà, Lưu Trọng Lưu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Mỗi nhà thơ trong suốt chặng đường viết của mình đều lưu lại vài ba ý thu, tình thu và mỗi ngòi bút đều có một nét vẽ riêng biệt. Nhà thơ Mai Hữu Phước, quê ở Đại Lộc- Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng, cũng không ngoại lệ. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, điềm tĩnh, cách lập ý gần gũi, anh đã “Chạm thu”* theo một lối riêng, của chính mình: “Chạm thu hồn ngơ ngẩn/ Bóng thu luồn qua song/ Những gì em níu giữ/ Mắt thu buồn trông mong”. “Thời gian nghệ thuật là một sáng tạo khách quan trong chất liệu và cũng là một biểu tượng, tượng trưng thể hiện một quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời…; là phạm trù có nội hàm triết lí” (Trần Đình Sử). Lần giở 99 bài trong tập thơ “Chạm thu” trong thời điểm giao mùa khi cái nắng oi ả của ngày hạ đã dần dịu lại, người đọc theo chân thi sĩ Mai Hữu Phước tìm về với hương màu thu qua 4 mảng ghép mang các tiêu đề: Sắc màu cuộc sống;Thương nhớ ngày xưa;Đó đây xuôi ngược;Hoài niệm xanh tươi. Mỗi mảng ghép là cảm thức thời gian mà cụ thể về mùa thu theo những sắc độ riêng. Thu không chỉ của đất trời mà còn là hình ảnh của một thi nhân đang bước vào độ tuổi mùa thu cùng với trải nghiệm cuộc đời, chứng kiến bao thế thái nhân tình, đổi thay của vạn vật cùng sự mất mát của giá trị truyền thống trước những xô bồ trong hiện tại. Niềm hoài niệm về tình yêu đã qua, nỗi nhớ người thân, những buồn lo và niềm cô đơn rợn ngợp trước không gian thời gian… đều hiện diện khá rõ qua những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng của Mai Hữu Phước. Đến với những tập thơ trước, bắt đầu từ “Xin cảm ơn em” (2003), “Một thuở học trò” (2004), “Thì thầm phố nhỏ” (2006), “Phiên khúc sang mùa” (thơ song ngữ, 2012), cho đến“Rồi từ đó” (thơ song ngữ, 2019), người đọc nhắc đến Mai Hữu Phước là nhắc đến những vần thơ tình yêu của tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng: “Bên nhau chơi học ngày hai đứa/ Mắt gởi vào nhau vạn dấu yêu” (Tình yêu tuổi học trò). Ở tập thơ “Chạm thu”, đằng sau câu thơ về tình yêu là những thảng thốt giật mình, nỗi ngậm ngùi trước cái được-mất ở đời: “Mùa cúc đã vàng xa lối phượng/ Trăm năm lỗi nhịp phía chân trời/ Nẻo nào xuôi ngược trong trời rộng/ Tao ngộ nghe chùng một tiếng rơi” (Bùa em sắc tím). Mùa thu với lá vàng, hai hình ảnh có mối quan hệ khá bền chặt trong thực tế cũng như trong thi ca. Riêng với Mai Hữu Phước, mùa thu không chỉ có lá vàng: “Vàng thu gởi lá về đâu/ Mây qua chốn cũ nhuộm màu xa xăm”, mà còn là màu áo vàng của kỉ niệm về một tình yêu xa xôi: “Áo vàng…mưa, đường xưa xa xôi/ Mắt môi mờ mịt ngóng bên trời/ Chút còn lưu lại trong tâm tưởng/ Hong mùa vàng thu sao yên vui” (Áo vàng…mưa). Để rồi, chút vàng thu ấy khiến “lòng như cỏ dại cuối mùa đau” trong một lần nhà thơ lạc bước: “Một hôm bước lạc bên trời mộng/ Ngơ ngác vàng thu đến vỡ òa/ Chao ôi, bến cũ con đò nhỏ/ Nhớ một người xa, đã rất xa” (Bước lạc). Cảm thức thu trong thơ Mai Hữu Phước kết đọng nhất ở bài thơ 5 chữ mang tên cho cả tập: “Chạm thu”; diễn tả bước chân ngập ngừng khi lạc vào vườn thu và 3 khổ đầu đã chất chứa đầy đủ tấm chân tình ngây ngất của nhà thơ tuổi vào thu: “Lòng như là quán vắng/ Ngày không người quen tên/ Ngập ngừng thu giăng mắc/ Dáng thu chiều chân chim - Cành thu vàng nẻo nhớ/ Tình thu vàng chưa em?/ Thu đất trời mật ngọt/ Thu lòng ta êm đềm - Bước chân mùa thu trước/ Chạm cả mùa thu sau/ Thời gian như con nước/ Chảy tràn qua đời nhau.” (Chạm thu). Dáng thu, cành thu, mắt thu, tình thu hòa quyện trong từng ý từng lời, và đặc biệt cái với tay chạm thu ngỡ ngàng mà lắng sâu của thi nhân trước quy luật trôi chảy của thời gian để lại ấn tượng khá sâu trong tâm hồn độc giả: “Thời gian như con nước/Chảy tràn qua đời nhau.” Bên cạnh những cảm nhận khá tinh nhạy khúc giao mùa hạ-thu, Mai Hữu Phước còn gửi vào tập thơ những nỗi niềm thế sự. Một ban mai bên biển, thi sĩ ngẫm nghĩ về phận thuyền nếu một mai biển chết: “Phận thuyền chẳng biết về đâu/ Gối lên bờ bãi mà đau nhân tình” (Ban mai). Về thăm Hòa Bắc, nhà thơ ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nông thôn mới: “Làng chừ nét phố chạm buồn vui”. Câu thơ thấp thoáng niềm vui nhưng thấm đậm nỗi buồn, buồn trước những giá trị văn hóa làng đang biến suy trước cơn lốc đô thị hóa nông thôn. Nhìn người bán vé số dạo, thi sĩ ngẫm suy về một phận đời: “Cuộc người mưu sinh vất vả/ Niềm vui phân phát cho đời/ Bán mua cái niềm hy vọng/ Phận mình côi cút nhỏ nhoi”. Bên cạnh đó những bài thơ của Mai Hữu Phước có nhan đề: “Cơn đau tim của thành phố đáng sống”, “Vô danh”, “Mẹ khóc”… giàu chất hiện thực, đánh động cho người đọc từ những nỗi niềm riêng. “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Belinski), thơ khởi nguồn từ cuộc sống nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc đời, bóng dáng con người. Với thi sĩ Mai Hữu Phước, thơ ca là phương tiện giúp anh diễn tả tất cả những buồn vui đau khổ, rạo rực và đắm say của một trái tim yêu hết mình. Hòa điệu cùng những cảm thức thu của nhà thơ, ta nhận ra một giọng thơ nhẹ nhàng, lắng sâu, thể thơ được ưa chuộng là 5 chữ, 7 chữ, nhịp điệu và hơi thơ gần gũi dù rằng Mai Hữu Phước có ý thức hướng về sự mới mẻ, trẻ trung. Đến với tập sách có trang bìa màu vàng với đóa hoa cúc dại, độc giả luôn gửi gắm niềm tin: “Chạm thu” của nhà thơ Mai Hữu Phước sẽ là nhịp cầu nối những trái tim yêu thơ, yêu mùa thu tìm đến với sự tri âm đồng điệu.