CHIẾN TRANH ĐÃ LÙI XA ĐỂ TẠ LỖI VỚI MÂY XANH

Thứ ba - 03/09/2024 12:36 151 0
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với nhà thơ Mai Thìn, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên khiến anh thổ lộ những tâm tư day dứt qua tập thơ ‘Tạ lỗi với mây xanh’.
Chân dung MT qua nét vẽ của HS. Tân Quảng
Chân dung MT qua nét vẽ của HS. Tân Quảng
Chiến tranh đã lùi xa. Chiến tranh đã lùi rất xa. Cuộc đời đã sang một trang khác. Con người cũng đã chuyển sang một trạng thái tinh thần khác. Nhưng dư ba của chiến tranh thì chưa hề ngưng trong mỗi tâm hồn. Cuộc sống mới với sự ồn ào, náo nhiệt cần có của dựng xây, kiến thiết, nhưng cũng cần có những giây phút bình yên như mặt biển “vùi sâu
dưới đáy những gì đau thương


bia ta loi voi may xanh”.bia 1 ta loi voi may xanh
                                       Bìa tập thơ:Tạ lỗi với mây xanh

Thơ Mai Thìn, trong tập “Tạ lỗi với mây xanh”, là những nốt nhạc thầm lặng mà da diết, như tiếng vọng về của ký ức “tôi nợ cuộc đời này/ cả/ những thương đau” (Tiếng vọng đầu).

Tập thơ thể hiện tâm trạng của một người luôn mang trong mình ký ức sâu nặng trước những hy sinh to lớn của bao người trong chiến tranh và bày tỏ lòng trắc ẩn sâu xa với những nỗi đau mà chiến tranh để lại. Cuộc sống cần đi về phía trước, nhưng phía trước sẽ trở nên bất định, vì nếu không biết bắt đầu từ đâu thì cũng không biết sẽ đi đến đâu. Cho nên, với Mai Thìn, quá khứ chưa bao giờ “ngủ yên”.

Đó là khi anh bắt gặp những hàng phượng vỹ trên nghĩa trang Trường Sơn, ám tượng về sắc đỏ trước mặt đã đưa anh về “những bóng mắt người thân/ đỏ/ nhòe/ cành lá” (Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn). Đặt chân lên Côn Đảo, nơi xương thịt con người/ tươi màu máu, cảm giác “tôi nợ cuộc đời này” như thức dậy tận sâu trong anh: “từng hạt cát/ vun đầy tội ác/ chạm nơi nào cũng thấy/ dường/ có lỗi” (Ở Côn Đảo).
Ngược đường lên sông Lô nhìn thấy hàng hàng hoa gạo đỏ, anh liên tưởng đến những người “vớt từng xác gạo/ như vớt những hồn người/ đỏ thắm” (Ngược sông Lô). Lên muộn với Vị Xuyên, trong tâm hồn nhà thơ cảm giác xót xa, ân hận trước biên cương Tổ quốc “nơi biết bao chiến sỹ mấy vạn đốt xương/ hóa đá dọc chiến hào” (Tạ lỗi với mây xanh). Rồi trên quê hương anh, sự chết chóc, hy sinh như vẫn còn kia “đồng làng đầy máu/ bên gốc trâm xưa/ nấm đất em nằm/ ướt đỏ/ máu của em tôi” (Tìm em).
Chẳng ở đâu xa, trong ngôi nhà của mình, chiến tranh chất vấn anh hàng ngày với bao thương đau, ly tán: “Tôi có người ba chết trận/ bao nhiêu năm/ không mồ/ giỗ ông lần nào má tôi cũng khóc/ vừa thương ba/ vừa trách/ sao không để lại một nấm mồ/ làm chỗ/ cho cỏ lên” (Không mồ) và “bao nhiêu người/ mấy mươi năm/ không tìm được đường về/ chú tôi bên này/ còn ba tôi/ ở mãi phía bên kia” (Giỗ chung).

Có lần trong viện bảo tàng, trước những ngôi “mộ thủy tinh” cất giữ quái thai chất độc chiến tranh, anh thốt lên “triệu triệu người đến viếng/ tự thắp cho mình/ niềm kinh hãi xót xa” (Những ngôi mộ thủy tinh trong suốt). Trong bảo tàng chiến tranh, anh còn chứng kiến “những bà mẹ già/ người Ucraina/ người Nga/ người Mỹ/ đến đây/ ôm đứa con mình/ mà khóc/ trong bảo tàng chiến tranh/ những quả bom/ chứa đầy nước mắt” (Những quả bom chứa đầy nước mắt)

Cũng chẳng phải ngày trước, cái chết tức tưởi hôm nay trong thùng xe đông lạnh trên đường đi tìm “miền đất hứa” của cô gái trẻ Trà My; sự hy sinh của những con người lao động vì núi lở, đất sạt tại Rào Trăng cũng làm anh buốt đau “cơn mưa đêm qua không có nước/ ròng ròng máu/ và nước mắt/ đổ xuống Rào Trăng” (Cơn mưa không có nước). Anh còn bắt gặp người mài dao trên phố với dáng ngồi “một nửa chân phiêu bạt/ còn nửa kia/ mòn cụt đi rồi”.
Hình như ở đâu, đi đâu, tại mọi không gian và thời gian, Mai Thìn cũng không quên cảnh “đất nước bao phen điêu linh/ đạn bom rồi giông bão nổi”; cũng ám thị một màu đỏ máu trong liên tưởng; cũng thảng thốt day dứt trong tâm thức về “bóng mắt” nơi bao người đã nằm xuống. Điều này tạo nên “sắc độ”, “mật độ” trong câu chữ của thơ anh “rưng rưng đỏ”, “đỏ nhòe cành lá”, “nhuộm đỏ trời biên giới”, “ròng ròng hoa đỏ”…

Nhưng không phải chỉ có một màu đỏ day dứt như thế, Mai Thìn còn có những câu thơ trẻ trung về một “ngày xưa” cứ tưởng thoáng qua mà giăng mắc cho đến tận mai sau: “Ngày ấy ta đi/ em còn tát nước bờ soi/ tóc chớm hồng hai má/ bao mùa cày chân rạ/ đợi ta về/ em thẩn thơ vành nón trắng” (Cánh chuồn tuổi thơ).

Những câu thơ đầy cảm kích về khoảnh khắc không quên trong cuộc đời “hòa bình về/ cờ hoa tở mở/ nhà tôi vọng tiếng chuông/ nghi ngút” (Má tôi và những tiếng chuông). Và một sắc vàng lo âu mòn mỏi của bao bà mẹ trong buổi chiều tưởng tượng trên bến tàu: “chiều vàng/ nắng tàn trên tóc mẹ/ sóng bạc màu/ nhẫn nại chờ mong” (Chuyến tàu không bao giờ có).
Nhà thơ Mai Thìn còn sở hữu niềm vui được tận hiến nơi quê nhà với bao giản dị mà bền chặt, yêu thương: “đời rơm rạ còn cho hơi ấm/ một sợi khói thôi/ tuyệt tác bức tranh làng/ tận hiến/ xác thân tàn rữa/ dồn yêu thương/ rực rỡ mùa màng” (Bạn với nhà nông)

Những bài thơ trong tập “Tạ lỗi với mây xanh” hầu hết được viết từ khoảng dăm năm gần đây, tập trung nhiều vào chủ đề chiến tranh và sự hy sinh to lớn, cho thấy dù chiến tranh đã lùi xa vẫn còn nhức buốt trong trái tim người đang sống. Cảm hứng chủ đạo của tập thơ là nỗi xót xa với mất mát, nỗi ân hận của hậu thế, sự biết ơn với người ngã xuống, và những bài học về chiến tranh luôn phải ghi nhớ. Tất cả hình như đang đè nặng trên sứ mệnh của những câu thơ, nhắc nhở chúng ta rằng trên trái đất bé nhỏ này chưa bao giờ ngừng bom đạn, chết chóc.

Nhà thơ Mai Thìn có một tuổi thơ trải qua đạn bom tàn khốc, cho nên  ký ức về chiến tranh đã lùi xa là những vết thương sâu trong tâm hồn, thôi thúc anh cầm bút. Dù biết đề tài chiến tranh và hậu chiến đã được nhiều tác giả khai thác thành công, nhưng với trách nhiệm của một cây bút đang cống hiến trên văn đàn với tư cách Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Định, Mai Thìn vẫn trăn trở không ngừng để có thêm những đóng góp mới.
LÊ THÀNH NGHỊ 
(Nguồn:  Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ Hai, 02/09/2024 , 06:47 (GMT+7)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Truyền thông họ Mai Bình Định
kyyeu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay184
  • Tháng hiện tại2,729
  • Tổng lượt truy cập21,559
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây