Họ Mai Bình Địnhhttp://homaibinhdinh.vn/uploads/icon-homai.png
Thứ năm - 20/03/2025 16:53160
Cha tôi ra đời được 7 năm ông bà tôi mới tổ chức cưới! Cha và tôi lớn lên khi nước nhà đã thống nhất! Ông tôi, một trong số bao người đã đổ máu để người dân Việt Nam, trong đó có chúng tôi có được hòa bình, có được tự do, độc lập!
Cha con tôi vẫn thường đùa, nếu ông không “nhảy núi” chắc gì đã gặp bà để có chúng tôi! Mỗi lần nghe như vậy ông tôi đều nhìn bà cười rất tươi. Có lẽ đó là dịp để ông nhớ lại ngày ông bà gặp nhau giữa lúc tiếng súng đì đùng vang khắp khu phố nhỏ! Nhớ lại ngày Mùng Một Tết Mậu Thân -1968, ngày mối tình đầu của ông bà chớm nở trong yêu thương và lo lắng đan xen! Giao thừa năm ấy, trung đội bộ đội địa phương do ông chỉ huy dẫn đường quân chủ lực tiến vào thị xã Quy Nhơn. Chênh lệch lực lượng quá lớn lại chưa quen tác chiến trong đô thị, trung đội của ông lạc thành mấy nhóm, ông bị thương trên đường rút lui, đang cận kề sống chết thì bà bất ngờ xuất hiện. Còn bà, mười lần như một, với câu mở đầu vừa thật vừa đùa kể về lần gặp gỡ định mệnh ấy: “Trước khi gặp ổng, bà nghe người ta nói “cộng sản ốm như ma đói, bảy thằng đu tàu đu đủ không gãy!”. Họ nói thì nghe vậy, chứ đâu biết thực hư thế nào! Đến khi gặp ông thì bà mới biết không phải vậy. Bay có thấy ông ấy đẹp trai như tài tử xi nê không” Đêm 30 Tết Mậu Thân- 1968, khi tiếng nổ đì đùng - mà ban đầu nhiều người lầm tưởng là tiếng pháo giao thừa – càng lúc càng bất thường, bà tò mò mở cửa nhà sau xem chuyện gì xảy ra bên ngoài. Đập vào mắt bà lúc ấy là một người đàn ông đang nép mình trong con hẻm nhỏ. Hốt hoảng, bà vội vàng đóng cửa thì người ấy gọi nhỏ: “Cô gái ơi! Làm ơn chỉ giúp đường ra đầm Thị Nại!”. Tình huống thật bất ngờ nhưng không hiểu sao bà mở cửa quay ra! Thấy ông tay ôm súng, tay vịn tường bước đi loạng choạng, biết là ông bị thương, bà bước lại gần, nói nhỏ: “Anh đi như vậy đến bao giờ mới ra tới đầm! Vào đây! Vào đây rồi tính”. Và không để ông kịp phản ứng, bà vội vàng dìu ông vào nhà. Ông ở lại trong nhà bà thấm thoát đã cả tháng. Cả tháng nhưng ông chỉ tiếp xúc mỗi mình bà và cũng chỉ mỗi mình bà âm thầm chăm sóc ông. Nhiều lần, ông tỏ ý lo sợ hàng xóm phát hiện thì sẽ phiền lụy đến bà và gia đình. Nghe ông nói vậy bà nhẹ nhàng: “Anh khỏi phải lo. Trời có sập thì em cũng chống được!”. Ông cười và nỗi lo sợ trong ông bổng dưng tan biến mất. Còn bà, nói vậy để ông yên tâm chứ lòng thì phập phồng không yên! Những trăn trở chung- riêng đã kéo hai người ngày càng gần nhau hơn và rồi cái gì đến cũng phải đến-họ yêu nhau. Vết thương rồi cũng dần bình phục và ông đã trở lại là một thanh niên khỏe mạnh, có đôi mắt sáng, nụ cười hiền hiền, bẽn lẽn như con gái. Mỗi lần nhìn đôi mắt và nụ cười ấy bà thấy lòng bình yên đến lạ thường. Nhưng tình yêu ông bà vừa đượm nồng thì đã thấy chớm mầm chia ly, hạnh phúc như chiếc bóng, họ không sao giữ được. Một hôm, trong lúc bà đem thức ăn vào, ông ngập ngừng nói: “Anh ...Anh về lại căn cứ. Em chờ anh nhé. Kháng chiến thành công anh ...anh về với em!”. Như biết trước điều đó sẽ xảy ra nên bà im lặng giấu nỗi buồn vào bờ vai ông. Những giọt nước mắt của bà thấm qua vai áo lắng vào tim ông nỗi đau đến lặng người. Ngày ly biệt ông ôm chặt bà trong vòng tay và khẽ thầm thì: “Anh yêu em” rồi băng mình vào bóng đêm. Bà ở lại với nỗi buồn nhớ quắt quay nhưng cảm thấy an ủi phần nào khi trong bà giọt máu của ông để lại mỗi ngày lớn dần cùng với niềm hy vọng về ngày đoàn tụ không xa. Tháng 3.1975, thị xã nhốn nháo chuyện đi-ở khi tiếng súng mỗi lúc một gần hơn. Người thân của bà tôi cũng đùm túm nhau theo đoàn người rời thị xã. Bà tôi không đi. Ai nói gì cũng không đi! Cứ chiều xuống bà lại dẫn cha tôi, lúc đó đã 7 tuổi đi ngược đường Võ Tánh về hướng Công viên Quang Trung rồi rẽ ra đầm Thị Nại. Bà chờ đợi trong sự hồi họp, lo lắng và hy vọng...Và đêm 31.3, mặc cho khắp thị xã vang tiếng súng nổ, đạn lửa rạch ngang dọc bầu trời đêm, bà tôi vẫn để ngỏ khung cửa nhỏ phía sau nhà. Quá nửa đêm bà giật mình choàng tỉnh, ở phía bàn nước một người đàn ông đang âu yếm nhìn hai mẹ con bà không chớp mắt. “Anh!” bà nghẹn ngào ngã vào lòng người đàn ông áo quần còn vương mùi thuốc súng. Không biết người đàn ông đó là cha mình, cha tôi nép vào góc nhà ngơ ngác nhìn.... *** Bà tôi nói, đám cưới ông bà đơn giản lắm chứ không như bây giờ! Khách được đãi bánh ngọt, nước trà và quà mừng chỉ là những bộ bình trà, chục chén ăn cơm hay chiếc chậu men xanh màu nước biển. Và mười lần như một bà luôn kết thúc câu chuyện trong niềm vui: “Đám cưới của ông bà khác người ta ở chỗ, đứng giữa cô dâu chú rể là thằng cu 7 tuổi” và nhìn cha tôi bằng ánh mắt đầy yêu thương Xuất thân từ nông thôn, học hành dở dang phải lên đường chiến đấu nên ông tôi nói mình chỉ rành hai việc, đánh giặc và làm ruộng. Rời quân ngũ ông chuyển về công tác tại Ty Nông nghiệp. Là cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn và được khen thưởng nhiều huân, huy chương các loại, ông có cơ hội cho một vị trí lãnh đạo, nhưng ông chọn làm công việc chuyên môn để được lội ruộng cùng bà con... Ông tôi thường ra đồng vốc bùn kiểm tra độ phèn của đất để có kế hoạch cải tạo hoặc dùng phân bón phù hợp; nâng từng gié lúa để định năng suất, sản lượng của cánh đồng. Ông đau lòng khi thấy bà con đưa ruộng vào HTXNN giống như đem con bỏ chợ. Thấy nước tràn bờ họ không đắp lại; thấy trâu bò dẫm đạp lúa họ không ngăn...Những lúc như vậy ông lại nhớ đến câu “Cha chung không ai khóc” và thấm thía hơn thâm ý người xưa. Vì vậy, khi ruộng đất được khoán lại cho nông dân, có lẽ ông tôi là một trong những người vui mừng nhất...Ông làm việc không kể ngày đêm vì mong được góp phần thúc đẩy chủ trương đó sớm đi vào cuộc sống. Cha tôi lớn lên trong hòa bình, được ăn học và trở thành kỹ sư nông nghiệp. Mỗi lần ông và cha trò chuyện, tôi thường đứng hóng bên cạnh nên nhiều lần nghe và nhớ nằm lòng câu nói của ông: “Vẫn biết người xưa nói không sai - phi thương bất phú ! Nhưng mình là tỉnh nông nghiệp, số người làm ruộng nhiều lắm, nên giúp nông dân làm giàu từ đồng ruộng là cách trả ơn đời ý nghĩa nhất con à!”. Lần nào cũng vậy, nghe câu nói đó, cha tôi luôn nhìn ông, mắt long lanh, rạng ngời và tiếng “dạ” của cha tôi ấm áp, ngọt ngào, thể hiện rõ sự tự tin mãnh liệt. Có lẽ nhờ cái máu nông dân của ông tôi truyền cho nên cha tôi cũng mải mê, cũng trăn trở với ruộng đồng và chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi vì suốt ngày cùng bà con nông dân bám đồng, lội ruộng. Và với sự cố gắng đó, cho đến nay, không biết bao nhiêu cánh đồng cao sản; bao nhiêu loại cây trồng được nhân giống, lai tạo phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để cho năng suất cao nhất... có công sức mồ hôi của cha tôi. Còn tôi, càng lớn lên càng ý thức được mình là niềm hy vọng của gia đình và ông luôn là biểu tượng của tình yêu quê hương mà tôi ngưỡng mộ, trân trọng. Năm lớp 12, nghe ông nói: “Đường sá nông thôn còn tệ quá. Thiếu tiền và thiếu cả những người có chuyên môn, có tâm để có những con đường phù hợp với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện cuộc sống của nông dân theo hướng hiện đại hóa!” tôi đã ôm lấy ông: “Nội ơi! con sẽ là kỹ sư cầu đường nội nhé!”. Nghe vậy ông im lặng vỗ nhẹ vai tôi. Trong sự âu yếm, tin tưởng đó tôi như thấy từ sâu thẳm trong ông đang dâng lên niềm vui và sự kiêu hãnh, tự hào... Trong suốt những năm đại học, tôi luôn chăm chỉ học tập. Ngoài thời gian ở giảng đường tôi thường đến thư viện. Nghỉ hè, trong lúc bạn bè đứa về quê, đứa ngao du sơn thủy thì tôi lại tìm đến các công ty cầu đường xin được lao động tại công trình để củng cố kiến thức. Bù lại cho sự cố gắng đó của tôi là những suất học bổng hàng năm và cuối cùng là tấm bằng kỹ sư cầu đường loại giỏi. Ngày ra trường, một tập đoàn lớn hoạt động trên lĩnh vực cầu đường mà tôi đã từng xin thực tập gửi thư mời tôi về làm việc với mức lương được hứa hẹn khá tốt. Đọc đi, đọc lại thư mời nhiều lần và phải mất mấy hôm sau tôi mới gửi email từ chối.Tôi phải về lại quê hương mình, phải cố gắng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn như mong mỏi của ông. Thay vì gọi điện cho cha nói về quyết định đó, tôi gọi cho nội. Nghe xong, nội lặng đi một lúc rồi nói, giọng nghe nghèn nghẹn: “Nội cảm ơn con. Cảm ơn con nhiều lắm!” Tôi chưa kịp hỏi: “Sao nội lại cảm ơn con chứ!?” thì ông đã cúp máy. Có lẽ lúc đó ông đang khóc vì không ngăn được xúc động ... “Sao nội lại cảm ơn con chứ!?”. Chúng con, những đứa trẻ được sinh ra lớn lên không biết chiến tranh như thế nào phải là người cảm ơn nội và bao người như nội chứ. Nếu lớp người của nội không chịu đánh đổi tuổi thanh xuân, không dám đổ xương máu, không dám hy sinh thì làm sao chúng con có được cuộc sống hòa bình như hôm nay; làm sao được ngẩng cao đầu tự hào mình là người Việt Nam. Và, con nghĩ, được góp phần nhỏ bé của mình để ước muốn của nội và bao người yêu quê hương, yêu tổ quốc như nội sớm thành hiện thực cũng là cách lớp trẻ chúng con trả ơn đời nội à! Tôi nhủ lòng sẽ nói như vậy với nội khi gặp ông... MLG