Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng

Thứ ba - 28/05/2024 14:53 697 0
Sáng 20.5, Sở KH&CN phối hợp Sở VH&TT, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX”. Hội thảo có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Quy Nhơn, Hội khoa học lịch sử Bình Định. Ban Biên tập trang Thông tin điện tử họ Mai Bình Định trân trọng giới thiệu lần lượt 6 tham luận và một số phát biểu thảo luận tại Hội thảo.
PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG Ở BÌNH ĐỊNH (1885-1887)
VÀ NHỮNG TỒN NGHI VỀ MAI XUÂN THƯỞNG
                                                                   Diễn giả: Nguyễn Thanh Quang
                                             Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh Bình Định
         
Phong trào Cần Vương ở Bình Định, cũng như các cuộc khởi nghĩa khác lúc bấy giờ, đã đi vào lịch sử như một điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh vũ trang chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX.


 


Diễn giả: Nguyễn Thanh Quang  - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định

I. Phong trào Cần Vương ở Bình Định 1885 – 1887

Đầu tháng 7.1885, hịch Cần Vương được gửi đi khắp cả nước. Đến giữa tháng 7.1885, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, văn thân, sĩ phu yêu nước tập hợp nhân dân tổ chức kháng chiến chống Pháp dưới ngọn cờ của vua Hàm Nghi.
Lúc bấy giờ, Đào Doãn Địch (Đào Tăng Sát), người làng Tùng Giản (Phước Hòa, Tuy Phước) đang làm quan tại Huế, hàm Hồng lô tự Khanh (Chánh ngũ phẩm, 5-1), kiêm chức Kiểm biện doanh kỳ võ[1], nhận “mật lệnh” của vua Hàm Nghi, trở về các tỉnh phía Nam truyền lệnh kháng chiến.
Về đến Bình Định, Đào Doãn Địch chiêu mộ 600 nghĩa binh, luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí, sẵn sàng chống Pháp xâm lược. Cùng với ông, còn có các bạn đồng liêu ở Huế, như: Bùi Điền, Phạm Thông... Nhiều nơi trong tỉnh xuất hiện những đội quân Ứng nghĩa Cần Vương, bao gồm binh lính ở địa phương (lính sơn phòng, lính đồn trú), dân binh do sĩ phu, văn thân lãnh đạo.
Tổng Phú Phong (ngày nay thuộc Tây Sơn), Mai Xuân Thưởng cùng các Tú tài Mai Xuân Vân, Mai Xuân Hòa và anh em ruột Mai xuân Khánh, Mai Xuân Quang... mộ nghĩa dũng, lập căn cứ Hòn Sưng. Quan Kiểm lương (kho lương An Dũ) Võ Đạt chuyển lương thực, vũ khí từ kho An Dũ (Hoài Nhơn) về Xuân Vinh tụ nghĩa. Cai cơ Tăng Doãn Văn dẫn một số quân đồn trú giữ cửa biển An Dũ về Kim Sơn (Hoài Ân) lập căn cứ chống Pháp. Tỉnh thành Bình Định, Án sát Nguyễn Duy Cung được lệnh của Tổng đốc Lê Thận, cất binh ra tiếp ứng nghĩa hội Cần Vương tỉnh Quảng Ngãi...
Nghĩa quân Cần Vương Bình Định chiếm thành Bình Định, ra Hịch kêu gọi nhân dân phối hợp chống Pháp truyền đi các tỉnh Nam Trung Kỳ. Các đạo quân từ thành Bình Định tỏa đi trấn giữ các nơi: “Nghĩa binh được chia làm ba đạo, một đạo (3.000 người) đi bảo An Khê; một đạo (3.000 người) đi trấn giữ An Dũ là nơi có nhiều tiền của và xung yếu trong tỉnh... Tiếp đó một đạo khác (2.000 người) đi vào tỉnh Phú Yên...”[2].
Tiếp sau Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng là linh hồn của phong trào Cần Vương Bình Định. Mai Xuân Thưởng (1860-1887) người làng Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn. Phú Lạc là quê hương mẹ chàng Lía và cũng là quê hương Tây Sơn Tam Kiệt. Năm 1885, Mai Xuân Thưởng đậu cử nhân tại trường thi Hương Bình Định. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông tập hợp đồng chí, xuất của nhà, nuôi quân, luyện tướng, chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa[3]. Giữa tháng 9.1885, ông đem toàn bộ nghĩa quân của mình gia nhập quân của Đào Doãn Địch. Đào Doãn Địch tạ thế, ông trở thành người lãnh đạo phong trào Cần Vương Bình Định, được nghĩa quân suy tôn Bình Tây Đại Nguyên soái. Từ đây, vùng đồi núi Lộc Đổng trở thành đại bản doanh của nghĩa quân. Mai Xuân Thưởng thảo Hịch kêu gọi văn thân, gửi đi các tỉnh Trung và Nam Trung Kỳ liên kết chống Pháp. Ông phong chức tước, cử các tướng lĩnh dưới quyền và huy động lực lượng lớn trong dân chúng tiến hành xây dựng hàng chục căn cứ, kho lương thực, thuốc men... kiểm soát địa bàn tỉnh Bình Định, mở rộng ảnh hưởng các tỉnh Trung, Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Tháng 9.1885, Bùi Đản người huyện Tuy Viễn, (đỗ Cử nhân cùng khoa thi với Nguyễn Trọng Trì) đang làm Giáo thụ phủ Ninh Thuận, đã tập hợp nghĩa quân, hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của vua Hàm Nghi. Mai Xuân Thưởng cử Nguyễn Trọng Trì (nguyên quan Tư vụ nội các triều đình Huế) cùng 2.000 nghĩa quân Cần Vương xuyên rừng tiến thẳng vào Ninh Thuận hợp tác với nghĩa quân Cần Vương của Bùi Đản chiếm phủ thành giao cho Dinh điền sứ Trà Quý Bình đóng giữ. Nguyễn Trọng Trì cùng Bùi Đản đưa nghĩa quân ra phối hợp với lực lượng Cần Vương các phủ Khánh Hòa và Phú Yên. Tháng 9.1885, đạo quân đi Phú Yên do Cử nhân Nguyễn Trọng Trì chỉ huy cùng với văn thân và nhân dân tỉnh Phú Yên đánh chiếm thành Phú Yên[4] .
Đầu năm 1886, từ đồn Lão Thuộc (An Đỗ, Hoài Sơn, Hoài Nhơn), Tăng Doãn Văn chỉ huy một đạo quân tiến ra đánh chiếm các đồn: Thanh Thủy, Thương An (Tây Nam Quảng Ngãi, thuộc Sơn phòng Nghĩa Định). Một đạo nghĩa quân Cần Vương Bình Định khác từ núi Thạch Tân đánh chiếm huyện đường Đức Phổ. Từ đèo Bình Đê, Bùi Điền, Võ Đạt, Đặng Đề chỉ huy nghĩa quân Bình Định theo hướng chính lộ tiến ra bao vây và chiếm giữ huyện đường Mộ Đức.
Tháng 8.1886, nghĩa quân ba tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam phối hợp tấn công quân triều đình Đồng Khánh ở huyện lỵ Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Đầu năm 1886, lực lượng Cần Vương Bình Định cũng mở rộng liên kết chiến đấu với  phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ. Mai Xuân Thưởng đã cử Tổng đốc Lê Công Chánh cùng bốn người khác vào Nam Kỳ liên lạc với các lãnh tụ chống Pháp ở đây. Lê Công Chánh được văn thân Nam Kỳ bầu làm Nam Kỳ Chánh hội và đứng ra thảo “Mật lệnh” kêu gọi nhân dân Nam Kỳ nổi dậy. Cuộc vận động được triển khai nhanh chóng trên một địa bàn rộng lớn thuộc: Gia Định, Tân An, Mỹ Tho,...[5] .
Sau đó, Lê Công Chánh cử Nguyễn Bá Trọng, Lê Bá Đạt trở về Bình Định nhận lãnh bằng cấp, ấn triện mang vào Nam Kỳ để phong chức tước cho những người tham gia làm việc nghĩa[6].
Việc phối hợp các lực lượng kháng chiến ở các tỉnh Trung Kỳ và Nam Trung Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kháng chiến ở Bình Định phát triển vào năm 1886 và đã trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến ở Trung Kỳ và Nam Trung Kỳ[7].
Tháng 9.1886, thực dân Pháp thực hiện một kế hoạch tấn công, đàn áp trên quy mô lớn đối với phong trào kháng chiến ở Bình Định. Quân Trần Bá Lộc từ Nam Kỳ đánh ra, bắt đầu từ Bình Thuận. Ở phía Bắc, từ Quảng Ngãi, Nguyễn Thân được Pháp viện trợ vũ khí, liên tục mở các cuộc phản công vào phía Nam. Quân Pháp đổ bộ từ biển. Nghĩa quân Cần Vương Bình Định rơi vào tình thế cô lập, bị kẹt giữa các lực lượng của Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân và quân Pháp.
Giữa tháng 2.1887, Trần Bá Lộc tấn công Phú Yên xong, tiếp tục kéo quân ra Bình Định, phối hợp với một binh đoàn Pháp do Trung tá Dumas chỉ huy đổ bộ lên cảng Quy Nhơn, tấn công vào đại bản doanh Lộc Đổng của nghĩa quân Nam Bình Định; Nguyễn Thân vượt đèo Phủ Cũ vào Phù Mỹ tiến hành bao vây đánh chiếm các căn cứ Chóp Chài, núi Súy, truông Gia Vấn... Nghĩa quân Cần Vương Bình Định phải chiến đấu trong tình trạng cực kỳ khó khăn, tương quan lực lượng chênh lệch, vũ khí thiếu thốn... Những thất bại về quân sự đã dẫn đến hàng ngũ nghĩa quân bắt đầu phân tán, tinh thần chiến đấu sa sút.
Sau thất bại ở căn cứ núi Kỳ Đồng, nghĩa quân Bình Định bắt đầu tan rã.  Nhiều tướng lĩnh hy sinh, một số không chịu nổi những cuộc đàn áp dã man của Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc, lần lượt ra đầu thú. Những thủ lĩnh chủ yếu của phong trào vẫn kiên định với chí hướng của mình, trước hết là Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Bùi Hiển, Vương Toàn...
Ngày 4.5.1887, đoàn tùy tùng Mai Xuân Thưởng (khoảng 50 người) đang trên đường xuyên rừng vào Phú Yên, vừa đến chân đèo Phú Quí (ranh giới Bình Định – Phú Yên), tìm chỗ trú ẩn “trong hang núi Hòn Nhên gần làng Thang Ót, giáp giới với Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn”[8]. Tại đây, Mai Xuân Thưởng cùng đoàn người bị phục binh của Trần Bá Lộc bắt.
Đầu tháng 6.1887, thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh thi hành án tất cả các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Bình Định. Theo tài liệu của Charles Fourniau, “có 3 đợt hành quyết: Ngày 1.6, xử tử năm người trong đó có Lê Khanh; ngày 12.6, chín người và ngày 13.6, một người. Tổng cộng 27 người, trong đó có vài người là thủ lĩnh lớn nhất của phong trào Bình Định – Phú Yên”[9].
“Nguyên soái Mai Xuân Thưởng bị tội “lăng trì xử tử”, các anh em ruột của ông là Mai Xuân Quang, Mai Xuân Khánh cũng bị “xử tử” với tội danh “không biết can ngăn”; bốn người anh em họ của ông là Hòa, Vân, Nghị, Dao cũng bị xử chém với tội danh “đã có nhận chức hàm” của ông; ngoài ra còn có 3 người bác là Chất (72 tuổi), Đức (65 tuổi), Hanh (62 tuổi); bốn anh họ thân là Dư, Dương, Tuyết, Ngân và 5 người em họ thân là Cẩm, Hoán, Dũng, Hóa, Pháp đều bị đưa về quê quán ở thôn Phú Lạc để giao chính quyền địa phương quản thúc...[10].
Như vậy, đến giữa tháng 6.1887 (đợt xử chém cuối cùng các lãnh tụ Cần Vương ở Bình Định ngày 13.6.1887) phong trào Cần Vương ở Bình Định xem như kết thúc.

dai bieu tham du ht 13

                                                                         Đại biểu dự Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng

II. Những
tồn nghi về Mai Xuân Thưởng 

Đề cập đến phong trào Cần Vương ở Bình Định, sớm nhất là: La Prise de la Citadelle de Binh Dinh (Việc đánh chiếm thành Bình Định), do một sĩ quan Pháp ghi lại, đăng Tạp chí Đông Dương, ngày 10.9.1900. Nguyễn Ngọc Mô dịch (Tài liệu đánh máy lưu trữ Thư viện Bình Định). Theo tài liệu này, phong trào Cần Vương ở Bình Định bùng nổ từ ngày 14.7.1885.
GS Trần Văn Giàu với công trình nghiên cứu: Chống xâm lăng, tập III (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 11.1954), đã đề cập phong trào Cần Vương ở miền Nam Trung Kỳ, từ Quảng Nam đến Bình Thuận (1885-1887).
Tập thể tác giả Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Nguyễn Khắc Đạm viết tập sách: Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam. tập I: Phong trào Văn thân khởi nghĩa (Nxb Văn-Sử-Địa, Hà Nội 1957). Trần Huy Liệu còn có tập sách: Lịch sử 80 chống Pháp. tập I (Ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa, Hà Nội, 1956)...
Ở miền Nam, trước năm 1975 có tập sách: Việt Nam sử lược, tập II, của Trần Trọng Kim (Bộ giáo dục - Trung tâm học liệu Sài Gòn, tái bản lần 2, 1971). Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), tập III, do Phạm Văn Sơn cùng khối Quân sử biên soạn (Trung tâm ALAP/QLVNCH ấn hành, 1971).
Các tác giả Bình Định đã xuất bản một số sách: Danh nhân Bình Định, Bùi Văn Lăng (Hà Nội, 1942). Nước non Bình Định, Quách Tấn (Nam Cường, Sài Gòn, 1968). Nhân vật Bình Định. Lộc Xuyên – Đặng Quí Địch (Sài Gòn, 1971). Nhà Tây Sơn, Quách Tấn – Quách Giao (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988). Họ Nguyễn thôn Vân Sơn, Quách Tấn (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988). Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887), Phan Văn Cảnh (Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005).
Đáng chú ý, GS sử học người Pháp – Charles Fourniau công bố công trình nghiên cứu về Việt Nam, luận án Tiến sĩ: “Tiếp xúc Pháp – Việt ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ từ năm 1885-1896”. GS đề cập “Cuộc kháng chiến dân tộc, cuộc tổng nổi dậy năm 1885-1887”. Cuối năm 1982, GS công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, bài: Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên từ 1885-1887 (Tạp chí NCLS số 6, tháng 11,12.1982). Tác giả chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu là các bản báo cáo của những sĩ quan Pháp với cấp chỉ huy ở Sài Gòn.
Tháng 2.1984, GS Đinh Xuân Lâm có bài viết Nhân đọc bài: Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên từ 1885-1887. Theo những nguồn tài liệu Pháp của GS Charles Fourniau (Tạp chí NCLS số 2, tháng 2.1984). GS Đinh Xuân Lâm đã nhận xét: Bài viết của Charles Fourniau là bài mới nhất về đề tài này...
PGS Nguyễn Phan Quang xuất bản tập sách: Việt Nam cận đại những sử liệu mới. tập I (Nxb TP Hồ Chí Minh, 1995), đã công bố những tư liệu về phong trào yêu nước, chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, còn có Kỷ yếu các Hội thảo về Tăng Bạt Hổ[11], Lê Trung Đình[12] và một số bài viết đề cập phong trào Cần Vương ở Bình Định đăng tạp chí Nghiên cứu Lịch sử...
Mặc dù, đã có rất nhiều sách, bài viết về phong trào Cần Vương Nam Trung bộ, phong trào Cần Vương ở Bình Định, thế nhưng về nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng, đến nay vẫn còn những tồn nghi lịch sử.
Theo tài liệu của nhà thơ Quách Tấn và con trai là Quách Giao cùng Đặng Quí Địch và Nguyễn Đồng: Sau thất bại trận Bàu Sấu, Mai Nguyên Soái được tuấn mã chở về Phú Lạc thì bất tỉnh nhân sự. Mai thái mẫu và Mai phu nhân đưa Nguyên soái vào mật khu núi Giàn điều trị. Sau đó, Mai Nguyên soái từ biệt mẹ già, lên ngựa vào Linh Đổng. Nơi đây, các văn thân, võ tướng cùng với Trần Trưng, Võ Trứ tập họp đông đủ.
Trần Bá Lộc truy tìm Nguyên soái khắp nơi nhưng không tìm ra tung tích. Trần Bá Lộc cho bắt Mai thái mẫu, các hào lý và một số dân trong ba làng: Phú Lạc, Phú Phong, Trinh Tường hạ ngục. Hẹn trong vòng 10 hôm nếu không bắt được Mai Xuân Thuởng thì cứ mỗi ngày sẽ chém mười người làm gương, cuối cùng sẽ giết Mai thái mẫu và chôn sống tất cả trai gái già trẻ của ba làng.
Trần Bá Lộc còn trách phạt thân hào nhân sĩ bốn tỉnh: Bình, Phú, Khánh, Thuận, một số bạc 18 vạn nguyên để bù vào quân khí. Những nơi nạp trễ đều bị hành phạt dã man. Ngày nào cũng có người bị chém hay bị đánh chết.
Trước tình hình đó, Mai Nguyên soái bàn với chiến hữu: “đã không liệu được phương cứu nước, thì phải lo đến chước cứu dân. Nếu tôi lánh mãi thì nhân dân sẽ bị chịu khổ. Vậy tôi phải ra nạp mình cho giặc... Nguyên soái liền giải tán nghĩa binh... rồi lên ngựa đi thẳng đến đình Phú Phong tìm Trần Bá Lộc, nói rằng: Tôi là Mai Xuân Thưởng đây, vì nước mà dấy binh, việc không thành nên phải chịu chết. Mẹ tôi cùng đồng bào, thân hào nhân sĩ trong bốn tỉnh đều vô can, rất mong đừng sát hại”[13].  
  Sách Nhân vật Bình Định, Đặng Quí Địch viết: “Tại đình Phú Phong tên đồ tể Lộc đã hạ độc thủ; bắt giam Mai mẫu, tra tấn dã man dân hai làng Phú Phong và Phú Lạc. Lộc bắn tin cho Mai công hãy sớm ra hàng, nếu không thì y sẽ giết Mai mẫu và làm cỏ dân hai làng... Một ngày trong tháng tư năm nhuận năm Đinh Hợi (1887), ông ra nộp mình cho giặc tại đình Phú Phong”[14].
  Quách Tấn trong Văn tế Mai Xuân Thưởng ngày 21.1.1962, viết: “Tang tóc đã nhiều, lòng chẳng nỡ kéo dài thế thủ / Đành một thác cho tròn nghĩa vụ / Trói thân nạp giặc / Đức hy sinh nhuần thấm sơn xuyên”.
  Gần đây, nhiều tư liệu liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân hai tỉnh Bình Định và Phú Yên được công bố, trong đó có những tư liệu được khai thác từ kho lưu trữ của Pháp. Đáng kể là nguồn tư liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và những hồ sơ của Tổng Trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ trước khi thành lập Phủ Toàn quyền Đông Dương; hồ sơ lưu trữ ở bộ Thuộc địa Pháp... Theo những tư liệu này, Mai Xuân Thưởng đã bị bắt chứ không phải ra nộp mình.
Bản báo cáo của Tirant gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 10.5.1887, được GS Charles Fourniau công bố trong bài viết: Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) (đăng tạp chí Nghiên cứu Lịch sử), cho chúng ta biết khá tường tận về trường hợp bị bắt của Mai Xuân Thưởng: “Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể ở Vân Canh) ngày 4.4, nhưng nhóm nhỏ này đã thoát ra được. Ngày 21.4, gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông lại giải thoát được. Nhưng đêm 31.4 rạng ngày 1.5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh ngày 21 và được giải thoát đêm hôm sau, đã ra hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn (ở chỗ của người Chàm và cách Phú Phong, quê quán của ông ba ngày đường). Lộc và Giảng đã bắt được Mai Xuân Thưởng ngày 4.5 khi ông đang trốn trong một cái hang núi Hòn Nhên ở làng Thang Ót, gần chỗ giáp giới Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn. Ngày hôm sau, gia đình ông bị bắt. Sau ông, những thủ lãnh cuối cùng hầu như cũng bị bắt hết: Nguyễn Ngọc Loan bị bắt 14.5; Lê Khanh 20.5”.
Sau khi bắt được Mai Xuân Thưởng, chúng đem ông, gia đình và các thuộc hạ về Phú Phong, tổ chức ăn mừng chiến thắng và phao tin Mai Xuân Thưởng ra hàng để hạ uy tín của ông trong nhân dân. Trước mặt kẻ thù ông khẳng khái quát: “Mang danh hiệu Bình Tây không lẽ hàng Tây? Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không có hàng đầu tướng quân”.
  Biết không thể khuất phục được ông, bọn chúng đã đưa ông cùng các thuộc hạ trung thành ra xử trảm tại chợ Gò Chàm (phía Đông thành Bình Định). Thi hài ông được đưa về an táng tại Cây Muồng (phần đất của nhà Ông) thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Bình Khê. Năm 1961, mộ ông được cải táng về thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, Bình Khê.  
Tạm kết
Theo chúng tôi, với nguồn tư liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và những hồ sơ của Tổng Trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, hồ sơ lưu trữ ở bộ Thuộc địa Pháp về Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887), là chứng cứ cơ sở khoa học xác tín anh hùng Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt chứ không phải nộp mình như một số tác giả đã nhận định.
Dòng lịch sử vẫn trôi chảy, các sự kiện tiếp tục diễn ra, những tình tiết được phô bày, nhưng tấm lòng yêu mến, kính ngưỡng những vị anh hùng của dân tộc vẫn mãi mãi trường tồn với non sông đất nước. Anh hùng Mai Xuân Thưởng dù có ra nạp mình hay bị giặc bắt, nhưng vẫn một lòng yêu nước thương dân, không đầu hàng giặc, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
                                                                                                                                                                          NTQ 
  
 
 
[1] Sắc phong Đào Doãn Địch, Niên hiệu Hàm Nghi năm đầu, tháng 3, ngày 17 (30.4.1885).
 
[2] La Prise de la Citadelle de Binh Dinh – (Việc đánh chiếm thành Bình Định), Tạp chí Đông Dương, số 99, ngày 10.9.1900, tr. 889. Nguyễn Ngọc Mô dịch. Tài liệu đánh máy lưu trữ Thư viện Bình Định, ký hiệu 83/vv: 158.
[3] Đặng Quí Địch. Nhân vật Bình Định. Nxb Gò Vấp, Sài Gòn, 1971, tr. 111.
[4] Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945. tập I (1858-1896). Nxb KHXH, Hà Nội, 1981, tr. 267.
[5] Nguyễn Phan Quang. Việt Nam cân đại – Những sử liệu mới. tập I. Nxb TP Hồ Chí Minh, 1995, tr. 176.
[6] Nguyễn Phan Quang. Việt Nam cận đại – Những sử liệu mới. tập I, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1995, tr. 177.
[7] Phan Văn Cảnh. Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887. Nxb Đại học Sư phạm, 2005, tr. 96.
[8] Charles Fourniau. Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên từ 1885-1887. Tạp chí NCLS số 6, tháng 11-12.1982, tr. 33-50.
[9] Charles Fourniau. Sđd, tr. 33-50.
[10] Dương Kinh Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1845. tập I (1858-1896). Nxb KHXH, Hà Nội, 1981, tr. 311.
 
[11] Kỷ yếu Hội thảo Thân thế và sự nghiệp Tăng Bạt Hổ. Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Bình Định, năm 1996.
[12] Kỷ yếu Hội thảo Lê Trung Đình và phong trào Cần Vương Quảng Ngãi. Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Ngãi – Viện Sử học Việt Nam, năm 1996.
 
[13] Quách Giao. Anh hùng Mai Xuân Thưởng, bút ký, 2019, tr. 149-150.
[14] Đặng Quí Địch. Nhân vật Bình Định. Nxb Gò Vấp, Sài Gòn, 1971, tr. 127.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Truyền thông họ Mai Bình Định
kyyeu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay100
  • Tháng hiện tại2,645
  • Tổng lượt truy cập21,475
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây