Hội thảo Khoa học về Mai Xuân Thưởng

Thứ năm - 06/06/2024 12:31 104 0
Xin tiếp tục giới thiệu cùng độc giả tham luận “ANH HÙNG MAI XUÂN THƯỞNG (1859-1887), THỦ LĨNH CẦN VƯƠNG NAM TRUNG KỲ”, do Nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong trình bày tại Hội thảo Khoa học về Mai Xuân Thưởng


ANH HÙNG MAI XUÂN THƯỞNG (1859-1887), THỦ LĨNH CẦN VƯƠNG NAM TRUNG KỲ
                                                                                                Võ Nguyên Phong
                                                                                                Nhà nghiên cứu

Tóm tắt: Anh hùng Mai Xuân Thưởng cũng như bao người anh hùng chống Pháp khác của người Việt trong giai đoạn đầu Pháp thuộc, chịu thất bại trước khí tài súng ống hiện đại, nhưng những hành trạng và tinh thần yêu nước của họ luôn truyền đời. Vì vậy ngày nay lăng mộ anh hùng Mai Xuân Thưởng đã được công nhận di tích cấp quốc gia, ông được người Bình Định cùng nhân dân cả nước suy tôn là anh hùng dân tộc. Những hành trạng của ông để lại đến nay, hầu như khá mờ và chỉ được kể lại qua các nguồn tư liệu đời sau mang đậm dấu ấn dân gian, đầy tính huyền sử và truyền khẩu. Có một số tác giả dựa vào các nguồn tư liệu đương thời được lưu trữ ở Pháp, đã đưa lại hình ảnh thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng, nhưng dưới góc độ là hậu duệ nhà Tây Sơn khởi nghĩa nhằm dựng lại triều đại này. Các nghiên cứu này được xem là kinh điển và chính tác giả bài viết này cũng sử dụng một phần tư liệu từ các nghiên cứu đó. Tuy nhiên nội dung trong bài viết này phần lớn là sử dụng các tài liệu đương thời ở hai nguồn Pháp, Việt để đưa ra bức tranh toàn cảnh phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ năm 1885-1887 và hành trạng một lãnh tụ lớn nhất của phong trào này, anh hùng Mai Xuân Thưởng. Ông chính là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Keyword: Anh hùng dân tộc, phong trào Cần Vương, Văn thân, Mai Xuân Thưởng, 1885-1887.
dien gia vo nguyen phong 1

                                    Nhà nghiên cứu  Võ Nguyên Phong 
1. Đặt vấn đề:

Anh hùng Mai Xuân Thưởng là một lãnh tụ rất nổi tiếng tại Bình Định. Có nhiều nghiên cứu về ông cho thấy mối liên hệ giữa Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ, tuy nhiên mối liên hệ này còn khá mờ nhạt. Qua các nguồn tư liệu đương thời, tác giả phác thảo ra một bức tranh toàn cảnh về phong trào Cần Vương từ Quảng Ngãi vào đến Bình Thuận, và nổi lên hơn cả đó chính là thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng với hai chiến tướng đầy tài năng, Bùi Đản và Bùi Điền. Sự ảnh hưởng của phong trào Cần Vương tại Bình Định đến các tỉnh thành khác ở Nam Trung Bộ được thể hiện rõ qua những hành trạng của Mai Xuân Thưởng và những thủ hạ của ông, diễn ra suốt quãng thời gian 1885-1887, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về phong trào này. Kết quả nghiên cứu mong muốn làm rõ hơn một giai đoạn đẫm máu và nước mắt của hàng vạn con người trước bạo quyền súng ống Tây phương, dưới những thủ đoạn sắt máu của các nhân vật hàng đầu phía bên kia như Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Tirant, Aymonier, … Và nổi bật lên trên tất cả là một anh hùng dân tộc chống Pháp, Mai Xuân Thưởng, người sẵng sàng đối đầu quân thù và hiên ngang ra pháp trường mà không hề trốn chạy.

 2. Một thủ lĩnh Cần Vương ở Nam Trung Kỳ

Mai Xuân Thưởng là người thôn Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định; nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Một điều cần biết thêm là huyện Tây Sơn ngày nay được lập trên cơ sở huyện Bình Khê thời nhà Nguyễn, Bình Khê là huyện được lập sau khi Mai Xuân Thưởng mất nên các ghi chép về ông khi còn sống có liên quan đến địa danh Bình Khê là chưa chuẩn xác. Theo M. E. M. Durand (1900) trong bài Les Mois du Son-phong cho biết, huyện Bình Khê được lập từ nha Kinh lý An Khê vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) với 44 làng, trong đó có 26 làng mới của nha Kinh lý và 18 làng cắt từ phủ An Nhơn sang.[1] Cụ thể hơn, Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân cho biết hơi khác chút: “Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), tách 10 thôn trong tổng Phú Phong, 8 thôn trong tổng Mỹ Thuận cùng 28 thôn mới mộ dân khai khẩn chia thành 4 tổng: Vĩnh Thạnh, Thuận Đức, An Khê và Tân Phong để thành lập huyện này, thuộc phủ An Nhơn thống hạt”.[2] Ghi chép ở đây có lẽ sử quan đã nhầm về địa danh tổng Vĩnh Thạnh, đó phải là Vĩnh Thuận bởi năm 1905 vẫn còn tồn tại địa danh này, đồng thời số làng có thể chưa đến 46, bởi năm 1905 chỉ có 45 làng như con số khảo sát ở sau.
Đến năm 1905 huyện Bình Khê có 45 làng và 4 tổng[3] là Tân Phong, An Khê, Vĩnh Thuận và Thuận Truyền, ranh giới huyện Bình Khê có phía đông giáp giới thôn Phú Phong và Phú Lạc của tổng Phú Phong thuộc phủ An Nhơn. Năm 1913 huyện Bình Khê có 47 làng và 4 tổng là Vĩnh Thạnh, Tân Phong, Thuận Truyền và An Khê,[4] lúc này địa giới huyện Bình Khê không thay đổi, chỉ đổi tổng Vĩnh Thuận thành Vĩnh Thạnh. Đến năm 1918 huyện Bình Khê có 47 làng với 3 tổng là tổng Vĩnh Thạnh, Thuận Truyền và Phú Phong,[5] sau khi cắt tổng An Khê và Tân Phong cho huyện Tân An (tỉnh Kontum) và đồng thời nhập một phần tổng An Khê (vùng hạ đạo) và Mỹ Thuận vào tổng Phú Phong. Cần biết thêm tổng An Khê có hai phần là nằm ở khu vực An Khê ngày nay và vùng hạ đạo ở đồng bằng. Nói thêm các điều này để thấy huyện Bình Khê chỉ thành lập sau khi thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng hy sinh, đồng thời việc nhập tổng Phú Phong (quê hương của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng) vào Bình Khê từ năm 1918, tức quá xa ngày ông mất.
Về năm sinh của Mai Xuân Thưởng hầu như chỉ phổ biến các thông tin ngày nay, ông được cho sinh năm 1860, năm Canh Thân. Tuy nhiên theo một bài tường thuật đặc biệt của phóng viên Saint-Rodde, người này đã ở bên cạnh ông một thời gian khi bị tạm giam và trực tiếp chứng kiến cuộc hành quyết thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng vào năm 1887 thì Mai Xuân Thưởng không phải sinh vào năm 1860. Bài tường thuật được gửi đi từ Hải Phòng và đề ngày 17.6.1887, chỉ sau 10 ngày xảy ra cuộc hành quyết người thủ lĩnh và các thuộc hạ. Theo Saint-Rodde, ông ta cho biết Mai Xuân Thưởng lúc bị bắt chỉ 28 tuổi: “Mai Xuân Thưởng chỉ mới 28 tuổi[6]. Với người Âu cách tính tuổi khác người Việt, không tính tuổi mụ, như vậy có thể xác định chính xác năm sinh của Mai Xuân Thưởng là năm 1859, năm Kỷ Mùi. Tương tự vậy, một mô tả khác của Fanny Lemire (1894), cô con gái của viên công sứ Bình Định là Ch. Lemire, cho thấy thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng bị hành quyết vào lúc 28 tuổi: “Một tháng sau, Mai Xuân Thưởng bị hành hình cùng với 26 người trong số thủ lĩnh chính của anh ta. Đó là một thanh niên 28 tuổi, gương mặt thanh tú và thông minh, là một nhà trí thức giỏi, anh dũng và giàu có”.[7] Theo Báo cáo ngày 22.11.1886 của tổng đốc Thuận Khánh là Trần Bá Lộc gửi Giám đốc Nội chính Pardon ở Sài Gòn: “Trong lúc này ở An Nhơn tỉnh Bình Định, các văn thân đã bầu Mai Xuân Thưởng, 27 tuổi, lên làm vua, lấy tên là Xướng Ngãi, [8] đây là con trai của cố quan lại Bố chánh Tín”.[9] Bản thân Trần Bá Lộc cũng là một người theo trường phái Tây học, cách tính tuổi của ông ta cũng tương tự như cách tính của những người Âu, cho thấy thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng cũng sinh vào năm 1859 và khác với các thông tin hiện nay là ông sinh năm 1860.
Theo Quốc triều Hương khoa lục thì Mai Xuân Thưởng đỗ cử nhân năm Ất Dậu (1885) tại trường thi Bình Định, năm này có 8 người đỗ gồm 7 người ở Bình Định và 1 người ở Phú Yên. Ở năm này vì biến cố Kinh thành tại Huế nên thí sinh Quảng Ngãi kéo nhau về quê, không tham dự kỳ thi tại trường thi Bình Định.[10] Cha ông là Mai Xuân Tín, nguyên tên là Mai Văn Phẩm đổi sang, đỗ cử nhân năm Đinh Mùi (1847), làm đến chức bố chánh.[11] Trong nguồn Đại Nam thực lục, bố chánh Mai Xuân Tín được ghi chép hành trạng[12] và cả trong Báo cáo ngày 22.11.1886 của Thuận Khánh tổng đốc là Trần Bá Lộc cũng cho biết tương tự: “đây là con trai của cố quan lại Bố chánh Tín”. Với những thông tin trên cho chúng ta biết Mai Xuân Thưởng có xuất thân rất tốt và đường khoa cử thênh thang, chỉ mới 25 tuổi đã đổ cử nhân ở kỳ thi hương năm Ất Dậu. Nếu chấp thuận theo chính quyền với nhân thân và trình độ cao như vậy, Mai Xuân Thưởng sẽ được bổ dụng làm quan. Tuy nhiên vì chán ngán cảnh lầm than của dân đen mà Mai Xuân Thưởng đã hưởng ứng phong trào Cần Vương theo lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, nổi dậy đánh Pháp và chống lại chính quyền vua Đồng Khánh. Ban đầu ông dưới quyền của Đào Doãn Địch, một cựu quan triều Nguyễn ở Bình Định. Sau đó ông vươn lên hàng chỉ huy, theo các nguồn tư liệu đương thời thì tư liệu tiếng Pháp cho là chức Tổng trấn,[13] nguồn Quốc sử quán triều Nguyễn thì cho là chức Nguyên soái.[14] Dưới trướng trực tiếp của ông có nhiều tướng lĩnh, nhưng nổi bật hơn cả là tướng quân Bùi Điền (người thôn Hội Khánh, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, phủ Hoài Nhơn)[15] và có thể tướng quân Bùi Đản[16] (người thôn Thới Bình, tổng Mỹ Thuận, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn).[17] Đây là hai chiến tướng rất quan trọng nắm giữ trọng trách kẻ đánh nam người dẹp bắc vùng Nam Trung Kỳ, khi tướng Bùi Điền[18] dẫn quân ra Quảng Ngãi đánh với Tiểu phủ sứ Nguyễn Thân thì tướng Bùi Đản[19] dẫn quân vào Phú Yên, Khánh Hòa và tận Bình Thuận, đánh nhau với quân Pháp và Trần Bá Lộc cùng chính quyền vua Đồng Khánh.
Một điều rất quan trọng nhưng hầu như chưa từng được công bố là anh hùng Mai Xuân Thưởng tuy ở Bình Định nhưng ông chính là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ, kéo dài từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận ở những năm 1885-1887. Thông tin này căn cứ vào nội dung từ chính báo cáo của tổng đốc Thuận Khánh là Trần Bá Lộc gửi Giám đốc Nha Nội chính Nam Kỳ, báo cáo đề ngày 17.5.1887: “Mai Xuân Thưởng, thủ lĩnh tối cao của quân khởi nghĩa Nam Trung kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đã bị bắt vào ngày 06 vừa qua và tất cả các phó tướng của anh ta cũng đã bị bắt hoặc quy hàng”.[20] Thông tin thật đắt giá khi cho biết, Mai Xuân Thưởng chính là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ, kéo dài từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận. Chính vì vậy chức vụ lớn như vậy mà chúng ta mới hiểu, tướng quân Bùi Đản có thể nhận lệnh của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng đánh vào tận tỉnh Bình Thuận, và tướng quân Bùi Điền nhận lệnh đánh ra Quảng Ngãi, và lẽ ra phải đến tận tỉnh Quảng Nam nếu không có sự đánh chặn từ quân Sơn Phòng của Tiểu phủ sứ Nguyễn Thân[21] trên đất Quảng Ngãi.
Các kết quả nghiên cứu của Charles Fourniau (1982) cho rằng, rất có thể Mai Xuân Thưởng không phải là người ứng nghĩa Cần Vương, mà là ứng nghĩa vì mong muốn phục hồi triều đại Tây Sơn của Nguyễn Nhạc.[22] Với những bằng chứng ông ta cung cấp và suy luận thì Mai Xuân Thưởng dường như là hậu duệ của nhà Tây Sơn trong lịch sử, đồng thời so với các chỉ huy phong trào Cần vương ở các tỉnh khi bị xét xử, chưa ai bị xử tội lăng trì như Mai Xuân Thưởng.[23] Các kết quả nghiên cứu này rất đáng lưu tâm, tuy nhiên khá nhiều tư liệu đương thời cho thấy Mai Xuân Thưởng mới chính là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận (tác giả nhấn mạnh). Thậm chí rất có thể tầm ảnh hưởng của ông còn ra đến Quảng Nam với thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu, tuy nhiên lúc này đất Quảng Nam đang chịu sự kiểm soát của lần lượt hai nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử là Khâm sai Phan Liêm, mà theo Camille Paris (1889) thì ông ta là con trai Phan Thanh Giản,[24] và Khâm sai Nguyễn Thân,[25] nên đoàn quân của tướng Bùi Điền chỉ ra đến Quảng Ngãi và phải tháo lui bởi sự thiện chiến của đội quân Sơn Phòng do Nguyễn Thân nắm giữ. Trong giai đoạn này, quân Cần Vương tại Bình Định đã chiếm tất cả lỵ sở hành chánh các cấp chính quyền ở Bình Định, đặc biệt đã tấn công đồn Lỗ Thục tại làng An Đỗ, huyện Bồng Sơn, nay thuộc xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn. Đây chính là trụ sở của lực lượng Định Phòng rất thiện chiến trong phòng tuyến Nghĩa Định Sơn Phòng, nguồn tư liệu Việt còn gọi là đồn Lão Thuộc, nghĩa quân đã bắt viên đề đốc Đinh Hội quy phục và gia nhập phong trào với chức Tổng đốc.[26],[27]
Những cuộc chinh phạt của tướng quân Bùi Đản cần nghiên cứu sâu hơn, khi những ghi chép đương thời của người Pháp và người Việt cho thấy ông chính là người trực tiếp dẫn quân vào nam. Chính đoàn quân của Bùi Đản đã hạ thành Bình Thuận tại Phan Rý và hạ thành Khánh Hòa tại Diên Khánh,… Tiếp quản kết quả chinh phạt của tướng Bùi Đản để lại ở Thuận Khánh, nổi lên ở tỉnh Bình Thuận có 3 thủ lĩnh Văn thân là Cao Hành, Hương Xương và Bá Hộ Trứ; ở Khánh Hòa là Đề Phong. Dưới sự đánh dẹp của người Pháp mà nổi bật là Thuận Khánh tổng đốc Trần Bá Lộc, phong trào tại Thuận Khánh mới tạm lui và Bùi Đản buộc phải quay lại vùng Bình Phú. Theo các báo cáo đương thời thì khoảng cuối tháng 8 năm 1886, các thủ lĩnh Văn thân tại Bình Thuận bị hành quyết là Cao Hành, Hương Xương, tại Khánh Hòa là Đề Phong.[28] Trong khi đó theo Báo cáo ngày 09.9.1889, cho thấy chỉ duy nhất thủ lĩnh Bá Hộ Trứ (người thôn Hà Thủy, tổng Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận), chạy thoát cuộc tắm máu của Trần Bá Lộc, ông vào định cư tại làng Phú Cường, tổng Bình Điền, hạt Thủ Dầu Một và chỉ bị phát hiện sau đó vào năm 1889.[29]

ban to chuc cac dien gia chup hinh luu niem cung dai bieu du ht

                                                                    Ban tổ chức, và các diễn giả chụp hình lưu niệm cùng đại biểu dự HT

3. Giai đoạn cuối của Cần Vương tại Bình Định năm 1887

Nổi lên ở giai đoạn này, các nghiên cứu phổ biến hiện nay đang nhầm lẫn giữa thủ lĩnh Bùi Đản (người Bình Định) với một nhân vật không mấy tên tuổi là Bùi Giảng (người Phú Yên). Bùi Giảng chỉ là một thuộc cấp dưới quyền của Tổng thống Lê Thành Phương ở tổng Xuân Vinh tại Phú Yên. Bùi Giảng đã quy hàng Trần Bá Lộc sau khi Tổng thống Lê Thành Phương bị hành quyết cùng 1 người Hoa gốc Hải Nam là Ngô Kim Ký vào ngày 20.2.1887.[30] Theo Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Quy Nhơn là Ch. Lemire cho biết tình hình tại Phú Yên, các thủ lĩnh tại đây có Tổng-thống Lê Thành Phương (tổng Xuân Vinh), Tổng-trấn Bùi Sách (tổng Xuân Sơn), Hiệp-trấn Lê Quan (tổng Xuân Đài) và rất nhiều thủ lĩnh khác mang các chức vụ như Tham-tán, Thống-binh, Chưởng-binh, Tán-lý, Đề-đốc… Đặc biệt thông tin cho biết tất cả lực lượng tại Phú Yên nằm dưới quyền chỉ huy tối cao của Tổng-trấn Mai Xuân Thưởng, thủ lĩnh Bình Định và Phú Yên.[31] Cũng chính từ nguồn báo cáo này còn cho biết, một khối lượng vũ khí lớn mà thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng đặt mua từ Singapore, được một người Hoa gốc Hải Nam là Ngô Kim Ký nhập về cảng tại tổng Xuân Vinh, đã bị bắt giữ vào tháng 01.1887 lên đến 1.000 cây súng. Ngoài ra còn nhiều vũ khí khác được đưa đến Vũng Lắm ngày 03.01.1887 và bị bắt giữ, tất cả đều là của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng.
Theo thông tin của Trần Bá Lộc ở tư liệu Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định – Phú Yên – Quảng Ngãi năm 1887,[32] cho thấy có tổng cộng 264 thủ lĩnh (tư liệu gọi là đầu mục) Văn thân ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi tham gia phong trào. Một điều khá rõ là trong số 264 thủ lĩnh, phần lớn là các hương hào, kỳ mục, lý trưởng, chánh tổng, tri huyện ở tỉnh Bình Định (chiếm 163/264 thủ lĩnh), cho thấy phong trào tại Bình Định là thủ phủ của phong trào Cần Vương phía nam. Ngoài ra tại Quảng Ngãi còn có 1 viên Lãnh binh đi theo phong trào Cần Vương, chưa rõ là nhân vật nào. Ở danh sách báo cáo vừa nêu, phần lớn các yếu nhân của phong trào tại Bình Định và Phú Yên đều có tên trong danh sách, chỉ thiếu một số ít nhân vật chính như Bùi Đản (người thôn Thới Bình, Bình Định) hay Bùi Giảng (người thôn Định Phong, Phú Yên). Nhưng tại Quảng Ngãi lại là trường hợp rất lạ, khi các yếu nhân như Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, Võ Hội, Nguyễn Hữu Tạo… đều không có tên trong danh sách. Có lẽ đây là danh sách đầu mục của phong trào Cần Vương ở giai đoạn muộn, hoặc chưa đầy đủ. Ở Quảng Ngãi danh sách cho biết có đến 61 thủ lĩnh tham gia phong trào Cần Vương, trong đó đáng chú ý có toàn bộ dân cư hai làng tham gia phong trào là làng Tình Ái (tổng Nghĩa Trung, huyện Chương Nghĩa) và làng Hiệp Phố (tổng Nghĩa Thượng, huyện Chương Nghĩa). Danh sách còn cho biết khá nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia phong trào cần nghiên cứu thêm như Đào Chánh (con Đào Trí) ở Phú Yên; Tri huyện không biết tên ở làng Thạch Khê, huyện Đồng Xuân; Tri huyện Tạo ở làng Hương Định (có lẽ là Nguyễn Đạo ở làng Hưng Định); Lãnh binh ở Quảng Ngãi… và hàng chục cử nhân khác… Các nhân vật này phần lớn được ghi chép trong các nguồn chính sử, vì hành trạng khoa cử và công chức của họ, việc nghiên cứu sâu về thân thế là khả thi và cần làm.
Các mô tả đương thời về mối liên hệ trực tiếp giữa Mai Xuân Thưởng và nhà Tây Sơn cho thấy mối liên hệ này là khá mờ. Một mô tả của Fanny Lemire (1894), con gái của Công sứ Ch. Lemire, cho thấy mối liên hệ của Mai Xuân Thưởng với nhà Tây Sơn: “Một tháng sau, Mai Xuân Thưởng bị hành hình cùng với 26 người trong số thủ lĩnh chính của anh ta. Đó là một thanh niên 28 tuổi, gương mặt thanh tú và thông minh, là một nhà trí thức giỏi, anh dũng và giàu có. Anh ta muốn phục hồi vai trò của dòng họ Nhạc mà anh ta nói đã bị sụp đổ, và anh ta là một đối thủ đáng gờm”;[33] theo thông tri khuyến cáo các quan lại về việc hành quyết Mai Xuân Thưởng của Tổng đốc Bình Phú thì: «bị dẫn đến nơi hành quyết và bị hỏi một lần nữa, Mai Xuân Thưởng tuyên bố rằng ông là cháu của ngụy vương Nguyễn Nhạc Tây Sơn».[34] Điều quan trọng này được Charles Fourniau dẫn lại, dựa vào những nguồn đương thời này mà Charles Fourniau (1982) cho rằng Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa vì tham vọng phục hồi nhà Tây Sơn chứ không vì phong trào Cần vương. Ngoài ra Charles Fourniau (1982) còn dựa vào nguồn Đại Nam thực lục cho biết Mai Xuân Thưởng bị kết tội lăng trì,[35] trong khi các thủ lĩnh Cần vương khác không bị tội danh này, để suy đoán ý nghĩa cuộc kháng chiến của Mai Xuân Thưởng là phục hưng triều đại Tây Sơn. Tuy nhiên, các mô tả đương thời cho thấy tầm ảnh hưởng của Mai Xuân Thưởng đã quá rõ, ông chính là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần vương Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Theo Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Bình Định là Ch. Lemire cho biết chức vụ ông là thủ lĩnh quân nổi loạn (Dong tran) ở Bình Định và Phú Yên,[36] đó là chức danh Tổng trấn mà không hề xưng vương như các phán đoán của Charles Fourniau (1982). Việc hai vị tướng lĩnh dưới quyền ông là Bùi Điền và Bùi Đản đưa quân Cần vương tấn công chính quyền thân Pháp suốt một dải từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận, cho thấy tầm ảnh hưởng của Mai Xuân Thưởng với khu vực này là không thể phủ nhận. Chính vì là người thủ lĩnh lớn nhất của phong trào Cần vương ở phía nam mà Mai Xuân Thưởng đã bị xử tội lăng trì, một trọng tội bị kết án vì chống lại triều đại. Nó cũng giải thích được các thủ lĩnh ở các tỉnh khác như Hương Xương, Cao Hành (Bình Thuận), Đề Phong (Khánh Hòa), Tú Phương (Phú Yên), Cử Đình (Quảng Ngãi)… chỉ bị hành quyết mà không bị xử tội lăng trì.
Ở giai đoạn cuối phong trào Cần Vương tại Bình Định, Trần Bá Lộc cùng các thuộc hạ như đốc bộ Lê Tấn Đức, Huỳnh Công Miên (con trai lãnh binh Huỳnh Công Tấn), Bùi Giảng (nguyên là thủ hạ của Tổng thống Lê Thành Phương tại Phú Yên), cùng nhiều thuộc hạ khác ngày đêm truy đuổi thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng. Đến cuối tháng 4, Trần Bá Lộc tung ra toàn bộ lực lượng quân tình nguyện Nam Kỳ của ông ta và lính giảng của Bình Định, số lượng lên đến 1.400 quân và kiểm soát chặt khu vực núi cao nhằm tìm kiếm thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng cùng thuộc hạ.[37] Một cuộc truy sát quy mô lớn gần như trên toàn bộ phía tây nam tỉnh Bình Định vào giữa đầu năm 1887. Căn cứ nội dung Báo cáo ngày 10.5.1887 của Công sứ Phú Yên gửi Thống đốc Nam Kỳ, chúng ta có một hành trình di chuyển của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng trước khi bị thọ nạn như sau. Ngày 20.4, Mai Xuân Thưởng cùng toàn bộ gia đình và thuộc hạ bị phát hiện ở làng Thằng Coi gần núi Đồng Vụ. Ngày 21.4 mẹ Mai Xuân Thưởng, vợ, Mai Xuân Quang cùng với 3 phó tướng của Thưởng bị bắt, ông cùng tùy tùng thoát về làng Cây Cam ở phía tây núi Đồng Vụ (khu vực xã Bình Tường ngày nay). Ngày 22.4 Mai Xuân Thưởng cùng tùy tùng đột nhập và cứu toàn bộ những người bị bắt trước đó, sự đào thoát dường như có sự giúp đỡ của 3 làng Phú Phong, Phú Lạc và Trinh Tường. Sáng ngày 01.5 một thủ lĩnh Văn Thân vừa được cứu trước đó ra quy hàng và khai báo hướng đào thoát của đoàn nghĩa quân về hướng làng Thồ Lồ,[38] đó là hướng về Phú Yên, dường như Thồ Lồ là làng Thọ Lộc. Tổng đốc Lộc về Phú Phong, đốc bộ Lê Tấn Đức hành quân về Thọ Lộc, Mai Xuân Thưởng cùng tùy tùng chạy về núi Hòn Nhen. Tại đây ông đã bị bắt vào ngày 04.5 và đến ngày 07.5 thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng bị giải đến Phú Phong để lấy cung. Ở báo cáo ngày 22.5.1887 gửi cho thống đốc Nam Kỳ, công sứ Tirant thông tin chi tiết hơn cho sự kiện này và cho biết thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng bị viên quản tên Ngãi bắt ngày 04.5.1887 và vị trí tại: “Mai Xuân Thưởng bị bắt tại làng mọi Thằng Ớt, trong các vách đá ở núi Hòn Nhen, gần biên giới Phú Yên và các con suối thuộc sông Cà Lố”;[39] ngày hôm sau toàn bộ gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt bởi viên quản Ninh (ở Bến Tre) và Bùi Giảng, cựu thủ lĩnh Văn Thân ở Phú Yên; đến ngày 14.5 thống Binh Nguyễn Ngọc Hoá đã bị bắt cùng với gia đình trên núi Vân Canh [thị trấn Vân Canh]; vào ngày 20.5 lãnh binh Lê Khảnh cũng bị bắt trên núi  Sơn Chà [nay là Hòn Chà, ranh giới huyện Tuy Phước (xã Phước Thành) và thành phố Quy Nhơn (phường Bùi Thị Xuân)].
Vậy vị trí thọ nạn của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng tại làng Thằng Ớt ở núi Hòn Nhen, gần ranh giới Phú Yên là ở đâu? Hãy chú ý, cả 2 cuộc bắt giữa các thủ lĩnh Nguyễn Ngọc Hóa và Lê Khảnh đã xác định được vị trí, đều nằm trong lưu vực sông Hà Thanh. Như vậy rất có thể thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng và những người khác cũng ở khu vực này. Ngoài ra theo chính công sứ Tirant cho biết trong báo cáo ngày 10.5.1887 là: “Tổng đốc Lộc phải trở về Bình Định từ ngày hôm qua [09.5.1887] và tôi đang trên đường đi gặp ông ta qua lối đi trên núi, ngay phía đông Hòn Nhen (đèo Hà Nhao)”.[40] Thông tin Tirant từ Phú Yên về Bình Định qua ngả đèo Hà Nhao thật đắt giá, thậm chí ông ta còn cho biết thêm, đèo Hà Nhao nằm phía đông núi Hòn Nhen, nơi Mai Xuân Thưởng bị thọ nạn. Xác định đèo Hà Nhao thời điểm đó, về sau còn gọi là Hà Giao. Đó là một con đèo nằm trên tuyến giao thông cổ đi từ Bình Định qua Phú Yên, nguyên tên là đèo Hà Nha. Thông tin này được nói đến trong một mô tả về núi Thị Dã: “Thị Dã sơn (núi Thị Dã): Ở phía nam huyện Tuy Viễn; phía bắc là đồng Thị Dã; phía đông là chằm Kim Ngân; theo đường núi lên tây nam đến núi Hà  Thanh (tên xưa là núi Hà Kiêu), trên núi có con đường xuống đến đầu địa giới Phú Yên; phía tây là núi Lão Hương, theo núi ấy vào nam là núi Hà Nha (tục danh là núi Sông Canh) có đồn cũ và chợ, miếu ở đấy”.[41] Tra cứu nguyên tác, đó là 河牙嶺(俗名瀧耕野)[42]- hà nha lãnh (tục danh Lung Canh dã), tạm dịch là đèo Hà Nha, thường gọi là Lung Canh. Chưa rõ vì sao người Pháp giai đoạn này, thường xuyên ký âm là Hà Nhao, để chỉ con đèo nối Bình Định và Phú Yên, theo tài liệu người Việt là Hà Nha và về sau là Hà Giao. Khảo sát địa dư khu vực vào những năm 1930s, cho thấy có 2 con đường chính đi từ Bình Định vào Phú Yên, đó là đường thiên lý (nay là QL1) qua ngả đèo Cù Mông và đường thượng đạo gần song song tuyến đường xe lửa, men theo sông Hà Thanh qua ngả đèo Hà Thanh (lúc này đã gọi là đèo Sơn Cô). Tuy nhiên trước đó theo bản đồ Carte de l’Indochine, Qui Nhon, Feuille No26, Echelle 1/200.000 (1888), cho thấy còn tuyến đường thứ 3 nằm giữa hai tuyến đường vừa kể, nơi vượt qua con đèo Hà Nhao.

Hình. Bản đồ Carte de l’Indochine, Qui Nhon, Flle No26, Feuille 1/200.000
Khảo sát các con đèo trong lưu vực sông Hà Thanh thời triều Nguyễn cho thấy, phía nam xa nhất về phía Phú Yên có đèo Hà Thanh (nguyên là đèo Hà Kiêu đổi qua), về sau còn gọi là đèo Sơn Cô hay dốc Sơn Cô, cao độ chỉ khoảng trên dưới 90m. Lệch đông và xa hơn về phía bắc là đèo Hà Nha (về sau là Hà Giao), người Pháp ký âm là Ha-nhao, đèo Hà Nha là con đèo khá cao, ở cao trình 280m, và dù tuyến đường khá thẳng nhưng hoàn toàn đi giữa hai lưu vực với sườn núi khá dốc. Vị trí chính xác ngày nay của con đèo là điểm giao nhau giữa 2 lưu vực của 2 hồ chứa nước, Hồ chứa nước Quang Hiển (Bình Định) và Hồ chứa nước Kỳ Châu (Phú Yên), thuộc xã Canh Hiển, huyện Vân Canh. Đây là hai con đèo chính đi từ lưu vực sông Hà Thanh qua lưu vực sông La Hai ở Phú Yên trong lịch sử và dường như đèo Hà Nha mới là con đèo có lối đi chính cho khu vực nguồn Hà Kiêu, khi vị trí đèo này từng có đồn sở đóng tại đây cùng chợ và miếu. Về phía dãy núi ngăn cách nguồn An Tượng và nguồn Hà Thanh, có liên tiếp 3 con đèo gồm: Đèo Phú Quý nối thôn Trung Ái về thôn Dương Hội, nơi có đầm Kim Ngân. Đèo này khá thấp và ngắn, nằm ở cao độ khoảng 130m. Vị trí đèo Phú Quý nay là ranh giới xã Phước An huyện Tuy Phước và phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Phía tây và nằm trên dãy núi cao và nối tuyến đường từ làng Thọ Lộc về làng Tăng Vinh, con đèo nổi tiếng là đèo Đá Mài (Lệ Thạch). Đèo này là tuyến đường chính để đi từ nguồn An Tượng qua nguồn Hà Thanh trong lịch sử. Dường như sự thuận tiện và cự ly gần của tuyến đường này đã được thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng sử dụng để đi từ làng Thọ Lộc về khu vực Hà Thanh. Nay đèo Đá Mài là ranh giới của xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn và xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, độ cao nhất của đèo Đá Mài có cao độ khoảng 130m. Và cuối cùng là đèo Nha Ngãi, con đèo nằm xa nhất về phía tây của hai nguồn An Tượng và Hà Thanh. Đây là con đèo nối hai nguồn vừa nêu, lại hoàn toàn nằm trong phạm vi xã Canh Hiệp, huyện Văn Canh. Với địa thế rất cao vì băng qua dãy núi ngăn cách hai nguồn lớn là Hà Thành với nguồn An Tượng ở đông bắc, đèo còn là lối về nguồn Lộc Động ờ phía tây bắc.
Qua kết quả khảo sát các con đèo qua lưu vực Hà Thanh, căn cứ các mô tả của công sứ Tirant cho biết, từ Phú Yên ông ta qua ngả đèo Hà Nhao để qua đất Bình Định. Ngoài ra dường như thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng đã sử dụng đèo Đá Mài để đi từ thôn Thọ Lộc về lưu vực Hà Thanh. Một mô tả của Tirant cho biết, đèo Hà Nhao nằm phía đông núi Hòn Nhen, nơi thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng bị thọ nạn. Theo tờ bản đồ tỷ lệ 1.100.000 Qui-Nhon (1927), Carte de l’Indochine Feuille No166, tại khu vực thị trấn Vân Canh ngày nay và về phía đông, có ngọn núi Hòn-Nhi[43] và địa danh làng Than Thiong. Vị trí này thỏa mãn những dự liệu đã mô tả là nằm gần ranh giới với Phú Yên; kế bên phía đông chính là đèo Hà Nhao, nơi Tirant qua lại thường xuyên giữa Phú Yên và Bình Định; đặc biệt tên núi Hòn Nhi khá gần với Hon Nhên và làng Than Thiong gần giống Thang Ót. Rất có thể ở giai đoạn 1885-1887, các báo cáo của người Pháp ký âm địa danh chưa thật gần với những nguyên tắc chữ quốc ngữ hiện nay, vì vậy mà những địa danh được ký âm thủa ấy chỉ gần đúng và tương tự với cách ký âm sau đó, mà địa danh Than Thiong (1927) vẫn chưa thật sự giống với cách ký âm ngày nay. Như vậy vị trí Mai Xuân Thưởng bị thọ nạn là khu vực đông bắc khu núi nằm về phía đông làng Vân Canh, trên núi Hòn Nhi (Nhen hay Nghiêng), nay thuộc xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh.
Xác định thời gian Mai Xuân Thưởng bị thọ nạn. Theo Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc gửi Giám đốc Nội vụ Nam Kỳ: “Mai Xuân Thưởng, thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa ở nam Trung Kỳ kéo dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đã bị bắt vào ngày 06 vừa qua và tất cả các phó tướng của anh ta cũng đã bị bắt hoặc quy hàng”.[44] Tuy nhiên theo Báo cáo ngày 10.5.1887 của Công sứ Tirant gửi Thống đốc Nam Kỳ, cho biết ngày 04.5.1887, thủ hạ Trần Bá Lộc đã bắt được Mai Xuân Thưởng ở khu vực ranh giới với Phú Yên, ngày hôm sau gia đình ông bị bắt. Ở một thông tin khác của George Durrwell (1911) cho biết việc bắt giữ này xảy ra vào ngày 05.5.1887: “Một cuộc săn lùng thật sự đã bắt đầu, với nhiều biến cố và khó khăn, và cuối cùng đến ngày 05 tháng 5 cũng đã bắt được Mai Xuân Thưởng”.[45] Ở đây các thông tin chỉ sai khác nhau 1 ngày, chúng ta tin mốc thời gian nào? Căn cứ hai báo cáo của công sứ Tirant, báo cáo ngày 10.5.1887 và báo cáo ngày 22.5.1887 đều gửi thống đốc Nam Kỳ, cho biết rất thống nhất thông tin và rất chi tiết các diễn biến theo thời gian. Qua xâu chuỗi diễn biến sự kiện, có thể nhận định Mai Xuân Thưởng bị thọ nạn vào ngày 04.5.1887 và ngày 07.5.1887 đưa ông về đến Phú Phong, nơi có tổng đốc Trần Bá Lộc.
Trong thời gian Mai Xuân Thưởng bị giam giữ tại thành Bình Định, ông được kể lại như một huyền thoại bởi chính người Pháp: “Việc hành hình một thủ lĩnh nổi loạn, kẻ đã từng là linh hồn của cuộc nổi dậy, đã gây ra một tiếng vang trong vùng. Các quan lại từ các tỉnh đổ về Bình Định để thoả mãn sự ngưỡng mộ của mình và chiêm ngưỡng dung nhan người đã từng làm cho họ run sợ. Người ta đã từng ca tụng anh ta trong các buổi lễ hội và đặc biệt là trong những buổi biểu diễn nghệ thuật có anh ta tham dự, bằng cách hô hào và kêu gọi dân chúng quy phục. Ngoài ra, một bài thơ do anh ta sáng tác kể về chính cuộc đời và sự khổ cực của mình, cũng được hát vang khi có sự hiện diện của anh ta”.[46] Đến đầu tháng 6 năm 1887 quân Pháp lần lượt mang 27 thủ lĩnh phong trào Cần vương tại Bình Định ra giết hại. Và vào ngày 07.6.1887 quân Pháp đã đưa thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng ra hành quyết, mà theo nguồn tư liệu Việt thì ông bị xử tội lăng trì, tính theo âm lịch là vào ngày 16 tháng 4 năm Đinh Hợi. Như vậy theo truyền thống tín ngưỡng dân gian vùng Trung bộ thì ngày giỗ sẽ diễn ra trước 1 ngày, là ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Và đúng như vậy, theo gia tộc họ Mai cho biết, hiện nay họ tộc Mai ở Tây Sơn làm giỗ ông vào ngày 15.4 âm lịch hàng năm. Ngoài ra theo George Durrwell (1911) thì nhờ vào Tổng đốc Trần Bá Lộc mà gia quyến Mai Xuân Thưởng như mẹ, vợ con đều được thoát tội chết: “Sự can thiệp của Tổng đốc Lộc đã thành công trong việc cứu mẹ, vợ và các người con vô tội, những người đã bị bắt cùng với anh ta”.[47] Tuy nhiên qua tra cứu nguồn chính sử Đại Nam thực lục, cho thấy rất có thể đó chính là Tổng đốc Bình Phú là Nguyễn Hiệp: “Khi trước, quan tỉnh Bình Định là Nguyễn Hiệp tra xét cái án của Mai Xuân Thưởng; Xuân Thưởng bị tội lăng trì xử tử, anh em ruột là 2 tên Xuân Khánh, Xuân Quang, không biết can ngăn và anh em họ thân là 4 tên: Hoà, Vân, Nghị, Dao lại nhận chức hàm đều bị tội chém ngay và đem chém, còn bác hắn là Chất (72 tuổi), Đức (65 tuổi), Hanh (62 tuổi); anh họ thân là Dư, Dương, Tuyết, Ngân; em họ thân là Cẩm, Hoán, Dũng, Hoá, Phát, cộng 12 tên, xét ra là an thường, không dự vào việc làm giặc, đều giảm cho tội chết, phát lưu ra nước khác, giao cho tàu Pháp nhận chở đi an trí, đã được bộ Hình làm giấy tâu lên, chuẩn cho y theo xét định”.[48] Tuy nhiên quan danh sách hành quyết của người Pháp do Tirant lập, cho thấy có tổng cộng 5 người họ Mai hy sinh gồm: Mai Xuân Thưởng, Mai Xuân Quang, Mai Hòa, Mai Vân và Mai Ngọc Diêu,[49] tất cả đều người thôn Phú Lạc!
Việc Tổng đốc Nguyễn Hiệp ra tay cứu gia quyến của Mai Xuân Thưởng là khả dĩ, bởi cũng chính ở giai đoạn này Nguyễn Hiệp đã xét xử Nguyễn Văn Phẩm với một câu chuyện hết sức đặc biệt, thấm dẫm tình người đã xảy ra trong lịch sử ở giai đoạn đẫm máu này. Đó là theo Báo cáo ngày 02.7.1887 của Tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc gửi Giám đốc Nha Nội chính Nam Kỳ[50], xoay quanh câu chuyện một viên quan triều Hàm Nghi tên Nguyễn Văn Phẩm[51] (ông chính là người trong đoàn và dưới quyền Chánh sứ đi Xiêm năm 1880 là Nguyễn Trọng Biện người Quảng Ngãi). Nguyễn Văn Phẩm là người mang thư kêu gọi Việt kiều ở Xiêm trở về chống Pháp[52] vào giữa năm 1887, lá thư được gửi đi từ Huế và ông đã bị bắt tại Củng Sơn, cửa ngõ tại Phú Yên vào miền Cao nguyên để băng qua Xiêm. Oái ăm thay, người đứng ra xét xử Nguyễn Văn Phẩm lúc này là chính là Nguyễn Hiệp, Tổng đốc Bình Phú, đó cũng chính là Chánh sứ Nguyễn Trọng Biện qua Xiêm trước đây. Chính vì xét xử người thuộc cấp năm xưa quá nhẹ mà Nguyễn Hiệp đã bị hạ 4 trật, việc này được chép rõ trong Đại Nam thực lục.[53]
4. Thay lời kết
Việc nghiên cứu hành trạng một anh hùng dân tộc như Mai Xuân Thưởng, rộng hơn là một phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ do các Văn thân yêu nước thực hiện, cần nhiều công sức hơn và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu hơn nữa. Tác giả đã cố gắng phác thảo những nét cơ bản nhất về một anh hùng dân tộc, một người ảnh hưởng đậm nét đến cả phong trào Cần Vương kéo dài từ Quảng Ngãi vào đến Bình Thuận ở những năm 1885-1887, đồng thời đưa một số diễn biến chính về phong trào này. Từ đó chúng ta nhận ra Mai Xuân Thưởng chính là người đã điều hành cả một phong trào lớn tại Nam Trung Bộ, nêu cao tinh thần ái quốc trung quân, đánh đuổi quân xâm lược Pháp, hưởng ứng lời dụ vua Hàm Nghi. Điều đáng tiếc nhất là hiện nay vẫn chưa có một thông tin chính thức nào về chức vụ do vua Hàm Nghi ban tặng cho anh hùng Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương.[54]
Đồng thời cần thảo luận thêm về những thông tin cho rằng, anh hùng Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa chống Pháp chỉ vì muốn phục hồi một phong trào Tây Sơn tại Bình Định, đây là nhận định dường như chưa chính xác. Các chứng cứ cho thấy, đó có thể chỉ là một âm mưu chính trị nhằm hạ thấp vai trò của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng. Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về thân thế và hành trạng Mai Xuân Thưởng trong lịch sử, tuy nhiên vẫn rất rõ để khẳng định, ông chính là linh hồn, là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương phía Nam từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Ngoài ra cần tiếp tục nghiên cứu sâu về các anh hùng Cần Vương khác ở Bình Định, làm rõ về những hành trạng của họ đối với cuộc khởi nghĩa ở Bình Định và Nam Trung Kỳ.

Một số nội dung vẫn còn ít thông tin về công cuộc bình định 4 tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định của tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc, cũng cần được quan tâm. Qua đó sẽ thấy rõ hành trạng một số thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Bình Thuận, Khánh Hòa như Đề Phong (Khánh Hòa) hay Hương Xương (Bình Thuận),… Họ chính là một phần lịch sử của vùng đất Nam Trung Kỳ và rộng hơn là của Việt Nam trong một thời máu lửa./.

                                                                                                                                                                                                                     VNP

Tài liệu tham khảo:
1. Annuaire général Administratif, Commercial et Industriel de l'IndoChine 1905, Première Partie.
2. Annuaire de l'IndoChine, Commercial, Industriel, Administratif 1913, 1re Partie.
3. Annuaire général de l'IndoChine, Partie Commerciale 1918.
4. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 10.5.1887 của Công sứ Phú Yên gửi Thống đốc Nam Kỳ.
5. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 22.5.1887 của Công sứ Phú Yên gửi Thống đốc Nam Kỳ.
6. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Danh sách thủ lĩnh Văn Thân ở Bình Định và Phú Yên bị hành quyết ngày 01; 07; 12 và 13.6.1887.
7. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.926, Thư ngày 22/11/1886 của Tổng đốc Thuận Khánh gửi Giám đốc Nha Nội chính.
8. M. E.-M. Durand, “Les Mois du Sơn-Phòng”, Bulletin de géographie historique et descriptive Année 1900 No1-2, Paris Imprimerie Nationale, 1900.
9. Charles Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tư liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử, số 6 (207), tháng 11-12, 1982.
10. Camille Paris (1889), Voyage d'exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine,  E. Leroux (Paris).
11. “Lettres d'Annam - La campagne du Binh-Thuan», Journal des débats politiques et littéraires, 01-12-1886.
12. “Lettres de l'Indochine”, Le XIXe siècle: Journal quotidien politique et littéraire, 27-7-1887.
13. Hoàng Văn Lâu dịch (2012), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB Lao động.
14. George Dürrwell (1911), “EM. Tran Ba Loc: Tong doc de Thuan Khanh”, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris.
15. Melle Fanny Lemire (1894), Voyage à travers le Binh-Dinh jusqu'aux Mois de Téh-Lakong (à l'Ouest de l’Annam central), Lille, Imprimerie L. Danel.
16. Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch (2011), Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao động.
17. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí - Tỉnh Bình Định, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa– Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.
18. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Lemire.
19. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc.
20. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, “Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định – Phú Yên – Quảng Ngãi năm 1887” của Thuận Khánh Tổng đốc Trần Bá Lộc.
21. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 25520, Báo cáo ngày 9.9.1889 về Bá Hộ Trứ.
22. Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 7, NXB Giáo dục.
23. Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục.
24. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Một số bản đồ địa hình khu vực Nam Bình Định qua các thời kỳ, tỷ lệ 1/200.000 ; 1/100.000 ; 1/50.000.

 
 
[1] M. E.-M. Durand, “Les Mois du Sơn-Phòng”, Bulletin de géographie historique et descriptive Année 1900 No1-2, Paris Imprimerie Nationale, 1900, tr.287.
[2] Hoàng Văn Lâu dịch (2012), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB Lao động, tr.554.
[3] Annuaire général Administratif, Commercial et Industriel de l'IndoChine 1905, Première Partie, tr.919.
[4] Annuaire de l'IndoChine, Commercial, Industriel, Administratif 1913, 1re Partie, tr.264.
[5] Annuaire général de l'IndoChine, Partie Commerciale 1918, tr.240.
[6] «Lettres de l'Indochine», Le XIXe siècle: Journal quotidien politique et littéraire, 27.7.1887.
[7] Melle Fanny Lemire (1894), Voyage à travers le Binh-Dinh jusqu'aux Mois de Téh-Lakong (à l'Ouest de l’Annam central), Lille, Imprimerie L. Danel, tr.7.
[8] Báo cáo này ký âm hẳn chữ Hán: 倡義君, Xướng Ngãi Quân. Bản thân chữ Xướng Ngãi hay Xướng Nghĩa, đi kèm với Cần Vương trở thành 1 cụm từ được vua Đồng Khánh nói như sau: “Vua cho là từ khi Kinh thành có loạn, vua Hàm Nghi dời đi, thân hào, sĩ thứ mới có tiếng cần vương xướng nghĩa” [Đại Nam thực lục, Tập 9, tr.197]
[9] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.926, Thư ngày 22/11/1886 của Tổng đốc Thuận Khánh gửi Giám đốc Nha Nội chính.
[10] Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch (2011), Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao động, tr.486.
[11] Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch (2011), Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao động, tr.259.
[12] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 7, NXB Giáo dục, tr.994.
[13] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Lemire.
[14] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.338.
[15] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, «Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định – Phú Yên – Quảng Ngãi năm 1887» của Thuận Khánh Tổng đốc Trần Bá Lộc.
[16] Về trường hợp tướng quân Bùi Đản, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác quyết. Đây là một vị quan đương triều đã tổ chức tấn công các tòa thành ở phía Nam Bình Định trong một thời gian. Nhiều nghiên cứu hiện nay đang nhầm thủ lĩnh Bùi Đản người Bình Định và một thủ lĩnh ở Phu Yên là Bùi Giảng, một thuộc cấp của thủ lĩnh Lê Thành Phương ở Phú Yên.
[17] Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (2012), Khoa bảng Trung bộ và Nam bộ qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr.127.
[18] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.219.
[19] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.250.
[20] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 10539, Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc.
[21] Tiểu phủ sứ Nguyễn Thân là một trường hợp rất đặc biệt, dù không được học nền văn minh phương Tây, thậm chí không xuất thân từ khoa cử, nhưng ông ta nổi lên là một viên tướng rất giỏi. Dưới thủ đoạn sắt máu của ông ta, phong trào Cần vương tại Quảng Ngãi bị chặn đứng ngay lập tức khi ông ta bắt hàng loạt thủ lĩnh Cần vương Quảng Ngãi và chém đầu thị uy. Sau đó Tiểu phủ sứ Nguyễn Thân được trao hàm khâm sai và điều ra đánh dẹp phong trào Cần vương ở Bắc Đình Định, ông ta gần như chiếm ngay đồn Lão Thuộc, căn cứ quan trọng của nghĩa quân chiếm từ Định phòng của Trường Lũy Bình Định. Đồn Lão Thuộc ở địa phận thôn An Đỗ, tổng An Sơn, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Lão Thuộc là đồn chính của lực lượng Định Phòng thuộc Nghĩa Định Sơn phòng, nơi quan Đề đốc chỉ huy và chỉ dưới quyền Tiểu Phủ sứ, tức quan Khâm sai Nguyễn Thân. Đồn Lão Thuộc nằm lùi khoảng 1,4km so vị trí tuyến Trường Lũy gần nhất, nằm trên sườn núi ở độ cao khoảng 300m, dưới chân đỉnh núi Lo với độ cao gần 600m. Đồn có chu vi khoảng 500m và diện tích gần 1,60ha. Tại vị trí đồn có thể nhìn cả hai thung lũng bên Quảng Ngãi và Bình Định. Ngày nay đồn thuộc địa giới xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Cùng với các đồn bảo trên tuyến như Bảo Hiệp, Gò Bùi, Đá Lửa, Eo Gió,… nằm trên Trường Lũy đoạn qua tỉnh Bình Định, hình thành một phòng tuyến bảo vệ cực mạnh của lực lượng Định phòng thuộc Nghĩa Định Sơn phòng. Sau khi kết thúc nhiệm vụ ở Bắc Bình Định, Nguyễn Thân được điều đi bình định vùng Quảng Nam, dù lúc đó Quảng Nam đã có viên khâm sai Phan Liêm phụ trách. Ra Quảng Nam ông ta đánh chiếm nhiều đồn lũy của nghĩa quân Cần Vương, đặc biệt phá hủy căn cứ rất quy mô của Nguyễn Duy Hiệu ở Trung Lộc và bắt người thủ lĩnh Cần Vương ở Quảng Nam sau đó. Cần nhiều nghiên cứu về hành trạng một nhân vật phản diện như Nguyễn Thân và những thủ đoạn sắt máu của ông ta đối với phong trào Cần vương ở Nam Trung kỳ.
[22] Charles Fourniau (1982), «Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tư liệu Pháp», Nghiên cứu lịch sử, số 6 (207), tháng 11-12, 1982, tr.44-47.
[23] Thật ra ở giai đoạn này còn có thủ lĩnh Cần vương ở Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu, cũng bị xử tội lăng trì vào quãng tháng 10 năm 1887. Vấn đề về các thủ lĩnh Cần vương là Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam và Mai Xuân Thưởng ở Bình Định cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
[24] Camille Paris (1889), Voyage d'exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine,  E. Leroux (Paris), tr.75.
[25] Camille Paris (1889), Voyage d'exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine,  E. Leroux (Paris), tr.88.
[26] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.205.
[27] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.307.
[28] “Lettres D'annam - La campagne du Binh-Thuan», Journal des débats politiques et littéraires, 01.12.1886.
[29] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 25520, Báo cáo ngày 9.9.1889 về Bá Hộ Trứ.
[30] George Dürrwell (1911), “EM. Tran Ba Loc: Tong doc de Thuan Khanh”, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris, tr.274.
[31] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Lemire.
[32] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, «Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định – Phú Yên – Quảng Ngãi năm 1887» của Thuận Khánh Tổng đốc Trần Bá Lộc.
[33] Melle Fanny Lemire (1894), Voyage à travers le Binh-Dinh jusqu'aux Mois de Téh-Lakong (à l'Ouest de l’Annam central), Lille, Imprimerie L. Danel, tr.7.
[34] Charles Fourniau (1982), «Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tư liệu Pháp», Nghiên cứu lịch sử, số 6 (207), tháng 11-12, 1982, tr.44.
[35] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.353.
[36] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Lemire.
[37] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 10.5.1887 của Công sứ Phú Yên gửi Thống đốc Nam Kỳ.
[38] Địa danh Thồ Lồ đến nay chúng ta chưa tìm ra được vị trí, tuy nhiên có thể phỏng đoán đó là địa danh Thọ Lộc. Cách phát âm tiếng Pháp cho chữ Lộc là Lộ (không đọc phụ âm cuối); đồng thời khoảng cách 3 ngày đường từ Phú Phong về Thọ Lộc cho phép đoán định như trên; ngoài ra theo Bản đồ số 3 của sách L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, cho thấy địa danh Tho-lo nằm phía đông nam phủ An Nhơn, cho phép xác định đó là Thọ Lộc.
[39] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 22.5.1887của Công sứ Phú Yên gửi Thống đốc Nam Kỳ.
[40] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 10.5.1887 của Công sứ Phú Yên gửi Thống đốc Nam Kỳ.
[41] Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí - Tỉnh Bình Định, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa– Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, tr.27,28.
[42] Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí - Tỉnh Bình Định, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa– Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Phụ bản 大南一統志, 定定省, tờ 16.
[43] Theo bản đồ này và bản đồ tỷ lệ 1/50.000, mảnh Thạch Khê – Sheet 6836 III, có con suối bên dưới núi Hòn Nhi là Suối Nghiêng, cho thấy các địa danh Nhi – Nhen - Nghiêng thật ra chỉ là một địa danh. Cách ký âm từng giai đoạn đã chưa thật thống nhất với nhau làm cho chúng ta có đến 3 địa danh tại 1 vị trí.
[44] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc.
[45] George Dürrwell (1911), “EM. Tran Ba Loc: Tong doc de Thuan Khanh”, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris, tr.276.
[46] George Dürrwell (1911), “EM. Tran Ba Loc: Tong doc de Thuan Khanh”, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris, tr.277.
[47] George Dürrwell (1911), “EM. Tran Ba Loc: Tong doc de Thuan Khanh”, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris, tr.277.
[48] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.353.
[49] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Danh sách thủ lĩnh Văn Thân ở Bình Định và Phú Yên bị hành quyết ngày 01; 07; 12 và 13.6.1887.
[50] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 02.7.1887 của Thuận Khánh Tổng đốc Trần Bá Lộc.
[51] Tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi có một bản phụng tấu đề ngày 15 tháng 6 năm Tự Đức thứ 33 (1880), do Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ sưu tầm. Nội dung bản tấu cho biết, thành phần trong đoàn đi sứ sang Xiêm lúc này có Y phó Nguyễn Văn Phẩm, có lẽ đó là người phụ trách sức khỏe cho sứ đoàn. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì chức Thái y viện Y phó trật tòng bát phẩm. Như vậy Nguyễn Văn Phẩm có chức quan khá nhỏ.
[52] Nội dung bức thư này xin được trình bày trong một chuyên đề khác nhằm giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn cục diện chống Pháp ở Trung Kỳ. Ngoài ra cũng cần biết thêm, theo chính sử [Đại Nam thực lục, T9], Nguyễn Văn Phẩm là quan khâm sứ mang thư đi Xiêm, là người chịu sự điều hành của tổng đốc Đinh Hội của quân Cần Vương Bình Định.
[53] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.398.
[54] Qua khảo sát các nguồn tư liệu đương thời về chức vụ do vua Hàm Nghi ban tặng cho các thủ lĩnh phong trào Cần vương, chúng tôi đã xác định được chức vụ của thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu tại Quảng Nam là “Tả tham tri bộ Binh, Tham tán quân vụ đại thần, kiêm tổng đốc Nam Ngãi”, nguồn: Nguyễn Sinh Duy (1996); chức vụ của thủ lĩnh Đinh Công Tráng tại Thanh Hóa – Nghệ An là “Tả tham tri bộ Công, Tham tán quân vụ đại thần, kiêm chỉ huy quân sự các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình”, nguồn: Publication de la Revue du Cercle Militaire (1890); chức vụ của thủ lĩnh Nguyễn Xuân Phong ở Nam Kỳ là “Thống đốc Nam Kỳ Biện lý Phan vương phân ngãi Bình Tây Đại nguyên soái”, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này trong một chuyên khảo khác nhằm làm rõ hơn các thông tin này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Truyền thông họ Mai Bình Định
kyyeu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay101
  • Tháng hiện tại2,646
  • Tổng lượt truy cập21,476
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây