Tham luận tại Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng

Thứ tư - 29/05/2024 16:50 44 0
Ban Biên tập trang Thông tin điện tử họ Mai Bình Định xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tham luận do GS.TS Phạm Hồng Tung trình bày tại Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng.
Tham luận tại Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng
                                                             MAI XUÂN THƯỞNG – VỊ ANH HÙNG BẤT KHUẤT
                                                                                                                                                                                   GS.TS. Phạm Hồng Tung
                                                                                                             Nguyên Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển
                                                                                                                                                                              Đại học Quốc gia Hà Nội

Khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX là một trang bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là thời gian quốc gia – dân tộc Việt Nam phải đương đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp – một thế lực xâm lăng đến từ phương trời xa lạ, với văn hóa và đức tin xa lạ, và nhất là ở trình độ phát triển cao hơn, hùng mạnh hơn về nhiều phương diện. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, dân tộc Việt Nam đã dũng cảm đứng lên cầm vũ khí, quyết hy sinh đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương và bảo vệ những giá trị mà họ tin là tốt đẹp, cao quý. Lớp người trước ngã xuống, lớp người sau tiếp bước, con đường cứu nước này bế tắc thì lại cả quyết hy sinh để tìm cho bằng ra con đường mới, phương pháp mới.
Trong cuộc tranh đấu bi hùng đó đã xuất hiện người con kiệt hiệt của họ Mai đất Bình Định – Mai Xuân Thưởng văn võ song toàn với những cống hiến rất đặc biệt, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.
1. Mai Xuân Thưởng – vị anh hùng văn võ song toàn, lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định
Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860 xuất thân trong một gia đình Nho học ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Thân phụ ông là Mai Xuân Tín, đỗ cử nhân năm 1847, từng làm quan Bố Chính tỉnh Cao Bằng.[1] Là người theo nghiệp thi thư, nhưng sinh trưởng ở vùng quê nổi tiếng với truyền thống anh hùng, thượng võ, nên Mai Xuân Thưởng đã sớm tự đào luyện mình thành đấng trượng phu văn võ kiêm toàn, vừa sáng đạo Thánh hiền, vừa tinh thông võ nghệ, lại quảng bác kết giao với giới văn thân và hiệp khách khắp nơi trong vùng Bình Định – Khánh Hòa - Phú Yên – Quảng Ngãi.
Sau khi đỗ Tú tài vào năm 18 tuổi (1878), năm 25 tuổi Mai Xuân Thưởng tham dự kỳ thi Hương ở trường thi Bình Định. Kỳ thi này được tổ chức vào đầu tháng 7 năm 1885. Lúc kỳ thi vừa mới chuẩn bị bắt đầu thì đêm ngày 5-7-1885, tại kinh thành Huế nổ ra cuộc khởi nghĩa quật cường của vua Hàm Nghi cùng các quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Đề đốc Trần Xuân Soạn. Cuộc nổi dậy bất thành, vua Hàm Nghi bèn xuất bôn, rồi ban Dụ Cần Vương (ngày 13-7-1885), lệnh cho sĩ dân trong cả nước đứng lên phò tá nhà vua chống thực dân Pháp.
Nhiều tài liệu xác nhận rằng ngay khi tin tức về cuộc khởi nghĩa của vua quan ở kinh thành Huế dội vào Bình Định, hàng trăm sĩ tử đã lập tức bỏ kỳ thi Hương và mau chóng về quê ứng nghĩa, tụ nghĩa và khởi nghĩa chống Pháp. Hẳn là tâm thức kháng Pháp, bảo vệ Tổ quốc đã nung nấu, thường trực trong sĩ dân cả nước suốt mấy chục năm, từ khi quân Pháp nổ loạt pháo đầu tiên tấn công vào Đà Nẵng (1-9-1858) thì sĩ dân cả nước đã nổi lên chống Pháp. Còn nhớ Đốc học Phạm Văn Nghị ở Nam Định đã dẫn ngay một đoàn nghĩa binh hơn 300 người vào Huế xin đi đánh giặc. Rồi khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ thì ngay năm 1864, sĩ tử Bắc Kỳ cũng đã hò reo bỏ kỳ thi Hương ở Hà Nội để đòi triều đình kiên quyết kháng Pháp. Cho nên, việc sĩ tử bỏ kỳ thi Bình Định để lao vào cuộc chiến máu lửa với quân xâm lược Pháp là một hành động đã được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng từ trước, phù hợp với truyền thống yêu nước của dân tộc và với đạo nghĩa của Nho giáo.
Nhưng tám người, trong đó có Mai Xuân Thưởng đã ở lại, dự thi, và thi đỗ, rồi mới về quê kháng Pháp. Ông ở lại dự thi không phải là ham hố danh lợi, mà khi đó, muốn hiệu triệu và lãnh đạo sĩ dân, người thủ lĩnh phải có danh vị. Ngay cả người đã rất nổi tiếng như Phan Bội Châu mà khi chưa thi đỗ cũng còn gặp khó khăn trên hành trình hiệu triệu, tập hợp lực lượng.[2] Mai Xuân Thưởng hiểu rõ điều này, nên dù tình thế cấp bách, ông vẫn hành sự có tính toán, bình tĩnh và trí lự - tỏ rõ là một người trí dũng, cơ mưu, văn võ kiêm toàn.
Ngay sau khi thi đỗ, Mai Xuân Thưởng trở về quê nhà, khẩn trương cùng với các bạn văn võ tâm giao chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ ở Hòn Sưng (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn) để chuẩn bị tấn công thực dân Pháp. Sát cánh cùng với ông tổ chức và chỉ huy đội nghĩa binh còn có các bậc hào kiệt, đều là người địa phương như Nguyễn Nhã, Bùi Điền, Nguyễn Hóa. Nhân dân ba huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Viễn đều nhiệt thành ứng nghĩa và ủng hộ nghĩa quân. Chỉ sau một thời gian ngắn đội nghĩa quân do Mai Xuân Thưởng hiệu triệu và chỉ huy đã có đến hàng trăm người, được trang bị chủ yếu bằng giáo, mác, gươm, gậy và các binh khí truyền thống khác. Ai cũng hừng hực một lòng, cả quyết chiến đấu chống giặc Pháp, sẵn sàng hy sinh vì vua, vì nước, vì đại nghĩa cứu nước, bảo vệ quê hương.
Lúc này, phong trào ứng nghĩa, nổi dậy hưởng ứng dụ Cần Vương đang nhanh chóng dấy lên và lan rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở dải đất miền Trung, từ Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam vv… ra đến vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh và lan mạnh sang khu vực trung châu Bắc Bộ: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang vv… Đứng đầu các đội nghĩa binh là văn thân, sĩ phu, nhiều người vừa treo ấn từ quan trở về ứng nghĩa, có cả những người đã về hưu hoặc chưa một ngày bước vào chốn quan trường. Dưới ngọn cờ của họ phần lớn là nông dân làng xã, các bậc phú hào cho đến cả những phường lục lâm, giang hồ cũng thức tỉnh, quyết vì nghĩa lớn mà gia nhập các đội nghĩa binh.
Ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi có đến hàng chục đội nghĩa binh nổi lên một lúc. Một số cuộc khởi nghĩa có sức lan tỏa mạnh nhất là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu và Phan Thanh Phiến và nghĩa quân do Lê Trung Đình và Trần Dư ở Quảng Nam.[3] Ở Bình Định, trước khi Phong trào Cần Vương chính thức được phát động đã có nghĩa quân của võ sinh Phạm Toản. Phan Bội Châu cho biết: từ giữa tháng 7 năm 1885 “Hội Cần Vương Bình Định, Toản là người có danh tiếng hơn cả.”[4]
Cùng với nghĩa quân của Phạm Toản, đội nghĩa binh do Đào Doãn Địch, một vị Tổng đốc về hưu lãnh đạo, là có thanh thế hơn cả. Ngay khi vừa mới tụ nghĩa đã có khoảng 600 người đứng dưới cờ của Nguyên súy Đào Doãn Địch. Căn cứ trung tâm của nghĩa quân xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Ngay sau khi dấy nghĩa, Mai Xuân Thưởng đã liên lạc và đem toàn bộ đội quân của mình gia nhập vào nghĩa quân của Đào Doãn Địch. Lực lượng khởi nghĩa lớn mạnh hơn hẳn, ông được Nguyên súy Đào Doãn Địch giao giữ chức Tán tương quân vụ (tham mưu trưởng), cùng bàn kế sách đánh chiếm tỉnh thành Bình Định. Cuối tháng 7 năm 1885 nghĩa quân bất ngờ tấn công hạ thành Bình Định, trừng trị viên Tổng đốc thân Pháp Lê Bá Thận.
Đây là một thắng lợi to lớn của nghĩa quân Cần Vương tỉnh Bình Định, làm chấn động toàn xứ Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nhân dân trong vùng rất phấn chấn, càng tin tưởng, ủng hộ nghĩa quân mạnh mẽ hơn. Chính trong lúc vừa giành thắng lợi quan trọng đầu tiên, bộ chỉ huy nghĩa quân đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi ra lệnh tấn công vào một số làng theo đạo Thiên chúa, giết hại giáo dân và một số giáo sĩ.
Thực ra, đây không phải là sai lầm cá biệt của nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định mà là sai lầm phổ biến của phong trào vũ trang kháng Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Ngay từ những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Nam Kỳ, khi nhận thấy thực dân Pháp chiêu mộ một số giáo dân để thành lập đội quân tay sai, các vị chỉ huy nghĩa quân đã ra lệnh tấn công vào các cộng đồng giáo dân.[5] Khẩu hiệu “Bình Tây, sát tả!” đã xuất hiện từ khoảng năm 1861 và sau đó lan rộng ra cả nước, vừa một phần là sự tiếp nối chính sách cấm đạo, sát đạo trước kia của triều Nguyễn, vừa một phần là do mắc phải âm mưu chia rẽ thâm độc của thực dân Pháp, có sự tiếp tay đắc lực của những giáo sĩ phản động, phản Thiên chúa, như Pellerin, Puginier vv…
Ngay đầu tháng 8 năm 1885 thực dân Pháp đã kéo quân từ Quy Nhơn lên đàn áp cuộc khởi nghĩa do Đào Doãn Địch và Mai Xuân Thưởng chỉ huy. Giao tranh ác liệt đã xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở các cứ điểm Trường Úc và Phong Niên. Với ưu thế về hỏa lực, lại được một số giáo dân và quân triều đình giúp sức, cuối tháng 8 thực dân Pháp đã đẩy bật được nghĩa quân ra khỏi tỉnh thành Bình Định. Đào Doãn Địch và Mai Xuân Thưởng lui quân về các căn cứ do Mai Xuân Thưởng đã xây dựng từ trước ở Bình Thành (Tuy Viễn) và Đồng Hươu (Phú Phong, Bình Khê).
Đầu tháng 9 năm 1885, Đào Doãn Địch bị ốm nặng rồi qua đời. Khi sắp mất, ông đã giao lại chức Nguyên súy cho Mai Xuân Thưởng. Kể từ đây, chàng cử nhân họ Mai 25 tuổi trở thành thủ lĩnh cao nhất của Phong trào Cần Vương kháng Pháp ở tỉnh Bình Định. Sau khi làm lễ tế cờ, thề quyết đánh đuổi giặc ngoại bang, phò vua khôi phục giang sơn, xã tắc, ông dẫn quân tấn công một số vị trí đóng quân của quân Pháp ở Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho vv… Hào kiệt các nơi nghe danh tiếng ông cùng nhân dân tiếp tục kéo về tụ nghĩa, trong đó có những người nổi tiếng hào kiệt, như Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì vv... 
Với lực lượng lớn mạnh hơn, Mai Xuân Thưởng cho xây dựng và củng cố một hệ thống căn cứ kháng chiến liên hoàn, như mật khu Linh Đổng (phía tây Lộc Đổng), mật khu Hầm Hô (thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), căn cứ Nam Trại (nay thuộc thôn Thuận Ninh, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), căn cứ Bắc Trại (nay thuộc thôn Thuận Ninh, xã Bình Hiệp, huyện Tây Sơn), căn cứ Thứ Hương Sơn - tức Gò Núi Thơm nằm giữa ba làng Kiên Thành, Trường Định, Vân Tường (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn), căn cứ núi Kỳ Đồng nằm giữa ba thôn Tân Đức, Đại An, Thiết Tràng (nay thuộc xã Nhơn Mỹ và Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, căn cứ Kho Lương hay Hòn Kho nằm giữa ba xóm Tiên An, Tiên Long, Tiên Hóa (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) vv…
Vừa xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, Mai Xuân Thưởng cùng các thủ lĩnh liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các cứ điểm của quân Pháp và tay sai, uy hiếp thành Bình Định.
Nhưng, cho dù đã trở thành trung tâm kháng chiến lớn nhất ở vùng Nam Trung Kỳ, nhưng Mai Xuân Thưởng vẫn không vượt qua được hạn chế cố hữu của phong trào vũ trang kháng Pháp hồi đó là sự phân tán lực lượng, thiếu liên kết, thống nhất về chỉ huy và hành động với các trung tâm kháng chiến khác ở Trung Kỳ cũng như trên toàn quốc. Hơn nữa, ông vẫn tiếp tục chủ trương sai lầm là cho nghĩa quân tấn công vào các làng công giáo với khẩu hiệu “tiền sát Tả, hậu bình Tây!”
Nhận thấy thế và lực của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng ngày càng lớn mạnh, thực dân Pháp quyết tâm đàn áp bằng được. Soái phủ Nam Kỳ điều chiến hạm do Thiếu tá de Lorme chỉ huy ra cửa biển Quy Nhơn yểm trợ cho cuộc hành quân đàn áp của quân Pháp và tay sai trên bộ. Các đội quân bản xứ do Trần Bá Lộc – một phần tử tay sai nổi tiếng hung ác nhất Nam Kỳ chỉ huy được điều ra từ Khánh Hòa, bao vây, tấn công nghĩa quân từ hướng Nam.[6] Trong khi đó, Nguyễn Thân, một phần tử tay sai khét tiếng tàn bạo cũng được thực dân Pháp cho dẫn quân đánh vào từ hướng Bắc.
Chưa có bao giờ và chưa ở đâu quân Pháp phải tập trung lực lượng, bao gồm cả đội quân viễn chinh nhà nghề của Pháp và cùng lúc hai hai đội quân tay sai đắc lực nhất của chúng để đàn áp một cuộc khởi nghĩa như thế. Tuy nhiên, quân Pháp và tay sai đã vấp phải sự phản kháng ngoan cường với ý chí sắt đá và lòng quả cảm hy sinh của hàng nghìn nghĩa binh và các vị chỉ huy, đứng đầu là Mai Xuân Thưởng.[7]  Đến tháng 3 năm 1887, Mai Xuân Thưởng bị thương nặng trong một trận giáp chiến ở Bàu Sấu (huyện An Nhơn), ông bèn cho lui quân về căn cứ Linh Đỗng (thuộc vùng núi Phú Phong) để trú ẩn và tìm cách duy trì và khôi phục nghĩa quân, tiếp tục chiến đấu.
Do sự bao vây chặt, kết hợp đàn áp với mua chuộc của quân Pháp và tay sai, lực lượng nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng suy yếu khá nhanh. Sang tháng 4 năm 1887 chỉ còn khoảng 50 nghĩa quân đi theo Mai Xuân Thưởng. Tuy vậy, vị thủ lĩnh trẻ tuổi vẫn không nao núng. Ngay cả khi Trần Bá Lộc cho người bắt giam và tra tấn thân mẫu ông, ông vẫn kiên quyết không đầu hàng. Sau khi mưu trí giải thoát được mẫu thân và gia đình, ông tìm cách dẫn những người còn lại chạy qua đèo Phủ Quý sang Phú Yên để gây lại lực lượng. Tai đây, ông rơi vào trận địa mai phục của Trần Bá Lộc và bị bắt sống vào ngày 4 tháng 5 năm 1887.
Trần Bá Lộc và thực dân Pháp tìm nhiều cách dụ hàng, nhưng Mai Xuân Thưởng khẳng khái đáp: “Chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không có đầu hàng tướng quân”.[8] Ngày 7 tháng 6 năm 1887 người anh hùng Mai Xuân Thưởng cùng 11 nghĩa binh can trường nhất của ông bị thực dân Pháp và tay sai hành quyết tại Gò Chàm, phía Tây Nam tỉnh Bình Định. 
Có thể nói, bằng cuộc chiến đấu quả cảm, bằng sự hy sinh anh dũng vô song và khí phách hào hùng ngất trời, Mai Xuân Thưởng xứng đáng được tôn vinh như một trong những vị thủ lĩnh tiêu biểu nhất của phong trào đấu tranh vũ trang kháng Pháp cuối thế kỷ XIX. Với tất cả đóng góp to lớn và cả những hạn chế khó tránh khỏi, ông và nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định thực sự tiêu biểu cho truyền thống yêu nước quật cường của nhân dân Nam Trung Kỳ trong khúc quanh bi tráng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

cac dai bieu du ht chup anh luu niem 1
                                                                         Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm


2. Về một điều còn tồn nghi xung quanh kết thúc bi hùng của cuộc khởi nghĩa do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo
Mai Xuân Thưởng đã hy sinh anh dũng, tỏ rõ khí phách hiên ngang, bất khuất của một kẻ sĩ – anh hùng, tỏ rõ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh máu lửa của toàn thể dân tộc Việt Nam chống lại cuộc xâm lăng của thực dân Pháp. Đó là sự thực lịch sử không gì có thể làm lu mờ hay xuyên tạc được.
Song, về việc Mai Xuân Thưởng bị bắt sống rồi sau đó không chịu khuất phục giặc ngoại xâm và bọn tay sai mà bị chúng sát hại, hay là ông bị cùng đường, phải ra hàng, rồi bị bắt và bị hành quyết? Khoảng trống lịch sử này đã tồn tại như một điều tồn nghi khiến cho hậu thế không thể đành lòng, cần phải làm rõ.
Một điều đáng tiếc thứ nhất, là các nhà nghiên cứu, cho đến nay, đã không thể tiếp cận được với toàn bộ hồ sơ về Mai Xuân Thưởng và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo, đặc biệt là những tài liệu trực tiếp liên quan đến việc bắt giữ và cái chết của ông. Đây chính là nguyên do để nảy sinh những ý kiến khác nhau.
Thứ hai là trong khi nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa sau thế kỷ XIX, bao gồm cả Phong trào Cần Vương, còn thiếu vắng những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về hiện tượng “đầu hàng” của những cá nhân và nhóm người Việt Nam khác nhau. Cho nên, khi tùy tiện sử dụng các từ “đầu hàng”, “quy hàng”, “hàng” để mô tả những sự thực khác nhau liên quan đến các sự kiện và nhân vật lịch sử thời kỳ này là không bao giờ thỏa đáng.
Ở đây, chúng tôi xin nêu ra những ý kiến ngắn gọn của mình về một loạt những động thái được gọi là “hàng” trong diễn trình lịch sử của cuộc chiến Pháp – Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, qua đó có thể giúp cho mọi người bước đầu phân biệt và hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề.
Một là sự đầu hàng của triều đình Huế: Đối diện với cuộc xâm lăng của người Pháp, rõ ràng là triều đình Huế của triều đại Nguyễn (1802-1945) phải là người đại diện chính yếu nhất, tối cao cho quốc gia – dân tộc Việt Nam và là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về sự thắng – bại của cuộc kháng chiến và sự mất – còn của chủ quyền quốc gia – dân tộc. Triều đình Huế đã lần lượt phải ký các hiệp ước với quân Pháp và các năm 1862, 1874, 1883 và 1884 và từng bước bị tước bỏ quyền uy và do vậy, chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia – dân tộc từng bước phải “nhượng” vào tay thực dân Pháp. Dẫu về danh nghĩa, triều đình Huế gọi đó là những “hòa ước”, người Pháp thì gọi là “hiệp ước”, nhưng thực chất là những “hàng ước”. Dẫu rằng triều đinh Huế đã xoay xở đủ đường, tìm mọi cách để thoát khỏi thế bị bế tắc, sa lầy, không chủ động “bán nước” cho thực dân Pháp, nhưng họ đã đầu hàng thực dân Pháp từng bước một, và cuối cùng là đầu hàng hoàn toàn, chấp nhận trở thành bù nhìn, một bộ phận trong cấu trúc quyền lực thuộc địa của người Pháp. Tuy rằng sau năm 1884, trong số vua quan triều Nguyễn vẫn còn có những cá nhân yêu nước, sẵn sàng xả thân cứu nước, như vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân, hoàng thân Cường Để vv, nhưng việc triều đình kháng chiến thất bại, phải đầu hàng là sự thực lịch sử không gì thay đổi được.
  Hai là sự đầu hàng, phản quốc, hại dân của những cá nhân, như Huỳnh Công Tấn, Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải vv là sự chủ động đầu hàng, cầu vinh, trục lợi của những phần tử Việt gian. Sau khi đầu hàng thực dân Pháp, những người này đã trở thành những tay sai đắc lực, giúp thực dân Pháp đánh phá phong trào kháng chiến và đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam chống Pháp. Huỳnh Công Tấn đã giúp người Pháp tấn công và đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực; Trần Bá Lộc đã giúp quân Pháp tấn công, đàn áp một loạt cuộc khởi nghĩa của sĩ dân miền Nam Trung Bộ, trong đó có cuộc khởi nghĩa của nhân dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng; Nguyễn Thân đã giúp thực dân Pháp đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Trung Kỳ, trong đó có việc đào mả cụ Phan Đình Phùng; Hoàng Cao Khải giúp thực dân Pháp đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Những người này, nhờ đầu hàng và làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp mà được quyền cao, chức trọng, bổng lộc to lớn. Họ không chỉ là kẻ thù của dân tộc Việt Nam khi đó mà còn là tội đồ của lịch sử đến muôn đời, không gì có thể bào chữa được cho họ.
Thứ ba là trường hợp của các thủ lĩnh và nghĩa quân của các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, họ đã anh dũng quyết chiến nhưng khi lâm vào thế cùng đường thì bị bắt. Bên cạnh những người hy sinh trong chiến đấu, hoặc cùng đường phải tự sát, như Trương Định, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thiệp, Đinh Công Tráng vv thì có rất nhiều người được ghi nhận đã buộc phải kết thúc hoạt động chiến đấu của mình trong thế cùng đường. Đây cũng là hiện tượng diễn ra trong tất cả các cuộc chiến tranh, ở tất cả các thời đại. Đó là các trường hợp như vua Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Tống Duy Tân, Hoàng Đình Kinh, Phạm Bành, Đốc Tít (Nguyễn Duy Hiệu) vv và Mai Xuân Thưởng là vị tướng bị giặc bắt trong trường hợp như vậy.
Tất cả những người này, tuy không bị giết chết ngay tại trận, nhưng phần lớn sau đó, dù rơi vào tay giặc Pháp và tay sai, họ dứt khoát không chịu quy hàng, làm tay sai cho giặc. Và vì vậy, họ đều bị hành quyết hoặc bị đày đi xa hòng khuất phục ý chí chiến đấu.
Vì vậy, không ai được phép nhìn nhận hành vi bị quân giặc bắt sống, bị cưỡng ép hạ vũ khí của những người này là hành vi “đầu hàng”, “hàng” hay “quy hàng”. Nếu họ quy hàng thì sau đó họ ít nhất sẽ tỏ ra hối hận vì đã tham gia kháng chiến, chống lại thực dân Pháp và tay sai; xin được tha mạng, hoặc tệ hơn, là hợp tác với người Pháp và trở thành tay sai của họ, quay lại đánh phá, đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân.
Về phía quân Pháp và quân đội Nam triều, tại sao họ lại ra sức tuyên truyền cho cái gọi là hành vi “đầu hàng”, “quy hàng” của các thủ lĩnh nghĩa quân, cho dù chúng đã hành quyết họ rất dã man, hoặc lưu đày họ đi xa? Câu trả lời rất rõ ràng: vì mục đích tuyên truyền của chúng. Họ tuyên truyền cái gì? đối với ai? Nhằm tới hiệu quả tác động gì?
Trước hết là đối với sĩ dân Việt Nam, việc họ lu loa rằng các thủ lĩnh nổi tiếng, vốn rất được nhân dân ngưỡng mộ, tin tưởng, nay đã “hàng” là để khủng bố tinh thần kháng chiến của quảng đại dân chúng; để hạ thấp uy danh của các vị thủ lĩnh, và cao nhất là để làm xói mòn, làm giảm đi lòng tin của nhân dân vào tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, khởi nghĩa. Ở mức độ nhất định, luận điệu tuyên truyền này cũng nhằm thị uy, khoe khoang sức mạnh của quân đội thực dân và tay sai.
Đối với đội ngũ quan lại, sĩ phu Việt Nam, luận điệu tuyên truyền này cũng nhằm trước hết là để chính đáng hóa (legitimize) triều đình Huế - triều đình đã bất lực, đầu hàng giặc và bị mất lòng dân nghiêm trọng. Triều đình khoe khoang việc các thủ lĩnh đã “đầu hàng”, rồi có thể thực hiện những nghi lễ, như tước bỏ mũ áo, học vị, chức tước vv (vì tuyệt đại đa số các thủ lĩnh là các nhà Nho, cựu mệnh quan triều đình), rồi sau đó trừng phạt họ như những kẻ phạm tội “khi quân”, “bất trung” vv là cũng nhằm góp phần hạ thấp uy tín của các thủ lĩnh, đề cao uy danh và tính “chính thống” của triều đình.
Còn về phía quân Pháp, việc tuyên truyền về cái gọi là sự “quy hàng” của các thủ lĩnh nghĩa quân không chỉ nhằm tác động tới các tầng lớp nhân dân, sĩ phu, quan lại ở Việt Nam mà chủ yếu là nhằm tới những tác động ở chính quốc và các thuộc địa khác. Đây là điều mà xưa nay, trong nghiên cứu chúng ta còn rất ít quan tâm đến.
Không chỉ cuộc xâm lăng của thực dân Pháp ở Việt Nam hồi nửa sau thế kỷ XIX (1858-1895) mà là suốt gần 100 năm thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, kể cả cuộc chiến tranh của họ nhằm tái lập chế độ thực dân (9/1945 – 7/1954) đều chịu sự xem xét, giám sát của chính giới, công luận và nhân dân Pháp. Sự thực là từ 1858 đến 1954, đối với Việt Nam và toàn bộ thế giới thuộc địa ở hải ngoại, nước Pháp không bao giờ là một, không bao giờ nhất quán và thống nhất về quan điểm, chính sách và thái độ. Liên tiếp, trong tất cả các thời kỳ lịch sử, là các cuộc tranh luận, đấu tranh giữa các phe phái, các chính đảng, các xu hướng và các lực lượng ở nước Pháp về chính sách thuộc địa.
Phải nói ngay rằng, qua theo dõi chính trường Pháp suốt thời cận đại, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến những mâu thuẫn trầm trọng ngay trong nội bộ chính giới Pháp về chính sách đối với Việt Nam. Xin nêu ra một vài ví dụ:
Một là ngay sau khi cưỡng chiếm được Nam Kỳ Lục tỉnh, nước Pháp đã bị đại bại trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), hoàng đế Pháp Napoléon III bị bắt sống, nước Pháp phải đầu hàng, và bị buộc phải cắt hai tỉnh Alsace và Lorraine cho Phổ. Lúc này trong chính giới Pháp đã xuất hiện hai luồng ý kiến: một phe thì phải chấp nhận và đáp ứng yêu sách của Phổ. Phe kia thì đàm phán với Phổ xin dâng cho Phổ vùng Nam Kỳ Lục tỉnh để đổi lấy hai tỉnh Alsace và Lorraine. Cuối cùng, chính Otto von Bismarkc, Thủ tướng Phổ, đã quyết định từ chối đánh đổi, kiên quyết đòi chiếm Alsace và Lorraine.[9]
Khi thực dân Pháp đánh ra Bắc Kỳ lần thứ I (1873) chính giới Pháp ở Paris phản đối kịch liệt, khiến cho chính phủ Pháp phải tuyên bố với thực dân Pháp ở Việt Nam, rằng họ không thể ủng hộ. Chỉ huy quân Pháp ở Nam Kỳ phải cam kết: họ tự hành động với những phương tiện của họ, và tự gánh chịu mọi trách nhiệm.[10]
Tương tự như vậy, việc De Courcy gây sức ép để dẫn đến việc nổ ra sự biến ở Kinh thành Huế (1885) rồi phong trào Cần Vương bùng phát, tiếp theo là những cuộc hành quân đánh dẹp liên miên của thực dân Pháp và tay sai ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ vừa gây ra muôn vàn chết chóc, phẫn uất của người dân bản xứ, vừa gây ra những phí tổn khổng lồ cho ngân sách chính quốc. Điều này đã làm cho Nghị viện Pháp nổi gió dậy sóng, tranh cãi gay gắt và chia rẽ nghiêm trọng. Chính phủ Pháp xin Nghị viện Pháp 75 triệu francs để trang trải cho quân đội thực dân ở Việt Nam, nhưng Nghị viện chỉ phê chuẩn 18 triệu francs. De Courcy cũng bị triệu hồi, trao lại quyền chỉ huy cho tướng Warnel. Đồng thời, đầu năm 1886, Paul Bert, một quan chức dân sự đầu tiên đươc cử sang làm Thống sứ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.[11]
Việc chính giới Pháp, cho đến tận năm 1945, chia rẽ và có những phe cánh, chính đảng hay cá nhân phản đối chính sách này hay hành vi nọ của thực dân Pháp ở Việt Nam, cần phải nói rõ, là không phải vì họ ủng hộ nền độc lập, tự chủ của Việt Nam và phản đối chủ nghĩa thực dân Pháp. Họ chỉ là đại diện cho những tính toán lợi ích vị kỷ khác nhau của họ mà thôi. Sau này, cá biệt có một số phe, đảng, cá nhân thuộc xu hướng cấp tiến, như Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Xã hội Pháp vv thì họ phản đối chính sách tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương trước hết cũng là để bảo vệ danh dự và uy tín của nước Pháp và dân tộc Pháp. Và vì vậy, những người như Marius Moutet, Léon Blum vv có thể tuyên bố những câu rất đanh thép tại Nghị viện Pháp, như: “Chúng tôi tuyên bố to lên rằng: Nếu nước Pháp chỉ còn một cách là phải giết, phải chém, phải dùng vũ lực mới có thể ở lại trong đất Đông Dương được, thì thà cuốn gói về ngay đi là hơn.”[12] Và: “Nếu Chính phủ cứ khăng khăng một mực dùng vũ lực, dùng sự khủng bố mà giữ được xứ Đông Dương, thì tôi sẽ tán đồng ý kiến bỏ hết cả các thuộc địa”.[13]
Trong bối cảnh như thế, việc thực dân Pháp ở Việt Nam, một mặt vừa lu loa chuyện họ “chiêu hàng” được nhiều thủ lĩnh kháng chiến và nhân dân, đồng thời cũng thổi phồng uy danh của đội quân viễn chính với những chiến công đàn áp dã man dân chúng, hành quyết, đày đọa “thẳng tay” những thủ lĩnh “nổi loạn” là nhằm tác động đến các phe cánh khác nhau trong chính giới Pháp, bằng những cách khác nhau. Với nhóm “diều hâu”, “dân tộc thượng đẳng” thì chúng dùng tin tức, hình ảnh của những cuộc đàn áp để thỏa mãn tham vọng thực dân, cực đoan và bất chấp đạo lý. Còn đối với các nhóm, phe cánh “cấp tiến”, “khai hóa văn minh” thì chúng khoe khoang thành tích “chiêu hàng” để vuốt ve tinh thần dân tộc thượng đẳng, cũng không kém phần cực đoan của họ.
Vì vậy, ngày nay, trong nghiên cứu lịch sử, nếu không tỉnh táo, không có đủ thông tin sử liệu đa chiều, thì rất dễ bị sa vào luận điệu tuyên truyền thâm độc của thực dân Pháp hồi đó.
Riêng với trường hợp Mai Xuân Thưởng, trong hầu hết những công trình nghiên cứu của giới sử gia chuyên nghiệp ở cả Việt Nam, Pháp và một số nước khác, người ta đều thống nhất ghi nhận, rằng ông đã kiên quyết chiến đấu đến cùng, khi bị sa vào thế cùng đường cũng không nao núng. Rồi ông bị sa vào ổ phục kích và bị bắt sống. Sau khi bị bắt, thực dân Pháp và tay sai tìm cách dụ hàng ông, nhưng Mai Xuân Thưởng đã kiên quyết từ chối. Ông đã chọn cái chết để bảo tồn khí tiết, và thực dân Pháp và tay sai đã hành quyết ông một cách dã man và hèn hạ.
Chỉ có ý kiến của một số tác giả như Quách Tấn (1967) dẫn lại ý kiến của tờ  L’Écho annamite (Tiếng vọng An Nam, 1927), rồi sau này được Đặng Quý Địch dẫn lại, là cho rằng ông đã “tự nộp mình”, hay là “ra hàng” quân Pháp và tay sai.[14]
Những ý kiến trên đây không được minh chứng bởi những cơ sở sử liệu chắc chắn và đã được TS. Đinh Bá Hòa bác bỏ một cách thuyết phục, với những thông tin đáng tin cậy.[15]
Ở đây tôi chỉ xin bổ sung thêm, rằng ngay trong công trình Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, một trí thức thân Pháp, biên soạn từ năm 1919, xuất bản lần đầu vào năm 1920, cũng ghi nhận: “Ở mạn Bình Thuận, Phú Yên thì thiếu tá De Lorme và viên Công sứ Aymonier cùng với Trần Bá Lộc đem lính Tây và lính Nam Kỳ ra đánh dẹp. Trần Bá Lộc dùng cách đánh dữ dội, chém giết rất nhiều, bởi vậy đất Bình Thuận không bao lâu mà yên; rồi đem quân ra dẹp đảng văn thân ở Phú Yên và Bình Định, bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền và Nguyễn Đức Nhuận đem chém”.[16]
Những dòng ghi chép sắc lạnh như trên của một sử gia nổi tiếng cẩn trọng, đứng ở lập trường thân thực dân Pháp, như thế là đã rõ ràng. Việc Quách Tấn, Bùi Đăng Địch và một số người khác có ý kiến khác biệt như trên hẳn là do chưa có sự suy xét thấu đáo, dựa trên những sử liệu đáng tin cậy và đầy đủ. Tuy nhiên, đó chỉ thuần túy là sự thiếu hụt, nhầm lẫn thông tin, không có dụng ý xấu, muốn xuyên tạc lịch sử hay làm lu mờ tấm gương oanh liệt, sáng ngời của vị anh hùng Mai Xuân Thưởng.
 
   















 
 
[1] http://www.baobinhdinh.com.vn/642/2004/2/8790/. Có tài liệu cho biết cụ Mai Xuân Tín còn làm Bố Chính tỉnh Thái Nguyên. Xem: Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Ca Văn Thỉnh, Hướng Tân, Tài liệu tham khảo Cách mạng cận đại Việt Nam, tập I, Ban Nghiên cứu Sử Địa xuất bản, 1955, tr. 26.
[2] Khi chưa thi đỗ, chưa có tiếng tăm, danh vọng gì, Phan Bội Châu đã thử sức mấy lần tập hợp lực lượng, tổ chức hoạt động chống thực dân Pháp ở quê hương nhưng đều thất bại. Về sau, Cụ nhớ lại: “Nhưng khốn thay, thân còn ti tiện, hơi tiếng còn bé, một tờ giấy văn suông chẳng lấy gì làm ảnh hưởng (…) Lúc đó mới biết rằng “thời danh” cần phải cố lập mới xong.” Vì vậy, trong suốt mấy năm liền Phan Bội Châu đã “… hết sức trau dồi văn nghiệp theo thời thượng, lo cướp một món hư danh để cho đời trông ngó”. Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2000, tr. 112-113.
[3] Phan Bội Châu, “Việt Nam vong quốc sử”, in trong: Toàn tập, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2000, tr. 41-43.
[4] Phan Bội Châu, “Việt Nam vong quốc sử”, sđd, tr. 43.
[5] Ngay cả trong áng văn bất hủ của Nguyễn Đình Chiểu “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” cũng có những câu bộc lộ rõ tinh thần này. “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia.”; “Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn”.
[6] Đội quân này có khoảng 1300 sĩ quan và binh lính do Trần Bá Lộc, trung tá Cheuvreux và Công sứ Tirant cùng chỉ huy. Võ Kim Cương (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập 6, Nxb. Khoa học Xã hội, 2017, tr. 299-300.
[7] Võ Kim Cương (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập 6, Nxb. Khoa học Xã hội, 2017, tr. 299-300.
[8] Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Tập 1), Sài Gòn, 1966, tr. 733.
[9] Xem: Phạm Hồng Tung, “Tìm hiểu vị trí của nước Đức trong bối cảnh của phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20”, Nghiên cứu Châu Âu, 1999, số. 1, tr. 53-60.
[10] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 541.
[11] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, sđd, tr. 585.
[12] Tiếng Dân, số 392, ngày 13-6-1931.
[13] Tiếng Dân, số 392, ngày 13-6-1931. Xem: Phạm Hồng Tung, “Cao trào cách mạng 1930-1931 ở Việt Nam và cơn “đại địa chấn” của chính trường nước Pháp”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 10 – 2020, tr.13-19.
[16] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, sđd, tr. 588. PHT nhấn mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Truyền thông họ Mai Bình Định
kyyeu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay107
  • Tháng hiện tại2,652
  • Tổng lượt truy cập21,482
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây