Tham luận tại Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng

Thứ năm - 30/05/2024 10:59 42 0
Ban Biên tập trang Thông tin điện tử họ Mai Bình Định trân trọng giới thiệu tham luận tại Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng của PGS TS Đinh Quang Hải
Tham luận tại Hội thảo khoa học về Mai Xuân Thưởng
                                             MAI XUÂN THƯỞNG (1860-1887) TRONG SỰ NGHIỆP CHỐNG
                                                             THỰC DÂN PHÁP CUỐI THẾ KỶ XIX

                                                                                                                 PGS.TS. Đinh Quang Hải
                                                                                                  Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam

Hiện nay, khi hỏi về cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng, có rất nhiều người, nhất là giới trẻ, hiểu biết rất ít và trong các sách lịch sử cũng ghi chép rất ít về Mai Xuân Thưởng và vị trí của ông trong cuộc khởi nghĩa cũng như những đóng góp của cuộc khởi nghĩa đối với phong trào chống Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Trung Kỳ. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Mai Xuân Thưởng, ông là một sĩ phu yêu nước và là một trong những lãnh tụ nổi tiếng trong phong trào chống Pháp ở Bình Định vào cuối thế kỷ XIX.

pgs ts dinh quang hai 1

                                                          PGS.TS. Đinh Quang Hải

                                             Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam
 
  1. Bối cảnh tình hình Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược
Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà, đánh chiếm Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tháng 2/1859, quân Pháp kéo vào đánh chiếm Gia Định. Hướng về cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam, nhân dân ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái hưởng ứng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên trong khí thế chống Pháp của các sĩ phu, văn thân yêu nước và nhân dân đang ngày càng dâng cao thì triều đình nhà Nguyễn lại bạc nhược, không dám hành động, chủ trương hòa hoãn với Pháp, năm 1862 ký Hòa ước Nhâm Tuất cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp và chịu bồi thường chiến phí. Năm 1867, quân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược, kéo quân đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Tiếp sau đó, năm 1873 quân Pháp từ Nam Kỳ kéo quân ra Bắc Kỳ lần thứ nhất, đánh chiếm một số tỉnh ở Bắc Kỳ và đánh thành Hà Nội. Nhân dân Bắc Kỳ dưới sự chỉ huy của các sĩ phu, văn thân yêu nước đã anh dũng đứng lên chống Pháp rất quyết liệt.
Trước sức phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, nhưng triều đình nhà Nguyễn đã không tranh thủ sức mạnh đó mà đã bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt quân Pháp, lại ươn hèn, chủ động ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất (1874), cắt toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, công nhận cho Pháp quyền đi lại, buôn bán và kiểm soát tỉnh hình ở miền Bắc và trên toàn cõi Việt Nam. Cùng với đó triều đình nhà Nguyễn còn ký thêm Thương ước ngày 31/8/1874 cho Pháp nắm quyền thế quan và kiểm soát tàu thuyền của các nước đến buôn bán tại một số cảng biển của Việt Nam. Đây là hành động thể hiện rõ sự ươn hèn, nhu nhược và hành động bán nước của triều đình Huế.
Thực dân Pháp không thỏa mãn với những gì chúng đã chiếm được, mà còn âm mưu mở rộng hơn chiến tranh xâm lược, chúng lấy cớ triều đình Huế vi phạm Hiệp ước Giáp Tuất (năm 1874), tháng 4/1882 quân Pháp kéo quân từ Sài Gòn ra ngoài Bắc, tiến hành xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai. Trong bối cảnh đó, triều đình Huế không những đã không lãnh đạo nhân dân kháng cự quân Pháp, mà lại cầu viện nhà Thanh giúp chống Pháp. Đề nghị này thật đúng với dã tâm của nhà Thanh vốn từ lâu đã có âm mưu chiếm đóng Bắc Kỳ. Mượn cớ giúp đỡ triều đình nhà Nguyễn chống Pháp,  quân Thanh mở đợt xâm nhập lớn vào Bắc Kỳ, đóng quân rải rác trên một số tuyến kéo dài suốt từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Bắc Ninh.  Thực dân Pháp hiểu rõ ý định chống Pháp của triều đình Huế liên kết với quân Thanh, nên cho quân mở rộng đánh chiếm Hồng Gai, Quảng Yên, Nam Định, Sơn Tây , Hải Dương và uy hiếp của biển Thuận An ngay gần kinh thành Huế, làm cho triều đình Huế vô cùng lo sợ. Trước tình hình đó, năm 1883, triều đình Huế ký tiếp với Pháp Hiệp ước Harmand công nhận quyền bảo hộ của Pháp, cho Pháp nắm mọi công việc kinh tế, chính trị, ngoại giao. Nhưng không dừng lại ở đó, thực dân Pháp còn tiến xa hơn nữa khi buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước Giáp Thân ngày 6/6/1884 (hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre), chấp nhận sự thống trị của thực dân Pháp lên toàn cõi Việt Nam, chia Việt Nam thành 3 xứ với 3 chế độ khác nhau. Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ nhưng trên danh nghĩa nhà Nguyễn vẫn được quyền kiểm soát, Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp. Với Hiệp ước Patenôtre, nhà nguyễn đã hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp.
Mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp, nhưng một số vị quan to trong triều đình do Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đã lập thành phe chủ chiến đối lập với phe chủ hòa thân Pháp. Phe chủ chiến trong triều đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phan Đình Phùng, Ông Ích Khiêm, Tần Xuân Soạn…Phe chủ hòa có Trần Tiễn Thành, Nguyễn Hữu Độ, Gia Hưng quận vương…[1]. Ngày 5/7/1885, phe chủ chiến chủ động bất ngờ phản công quân Pháp ở kinh thành Huế. Cuộc phản công kinh thành Huế tuy không thành công, nhưng có ý nghĩa to lớn, khích lệ, cổ vũ mạnh mẽ tinh thân yêu nước, chống pháp của nhân dân đang dâng cao. Ngày 13/7/1885 Chiếu Cần Vương được ban ra từ Tân Sở (Quảng Trị), hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, một phong trào khởi nghĩa chống Pháp bùng nổ, phong trào “mở rộng trên phạm vi cả nước, phía Bắc từ Quảng Trị, Quảng Bình ra đến tận Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, phía Nam từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, Bình Định”[2].
Hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhiều quan lại cùng các sĩ phu, văn thân yêu nước nhất quyết không chịu đầu hàng giặc, một số đông quan lại của triều đình đã trả ấn tín, lui về các địa phương chiêu mộ nghĩa quân, kiên quyết chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Một trong những sĩ phu, văn thân yêu nước đó là cử nhân Mai Xuân Thưởng đã cùng các sĩ phu, văn thân hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm nghi, ông đã lãnh đạo phong trào chống Pháp của nhân dân Bình Định, góp phần ngăn chặn bước tiến của quân Pháp trong những năm từ 1885 đến cuối thế kỷ XIX .
  1. Cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng
Đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/7/1885 Kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết là Thượng thư bộ Binh xa giá vua Hàm Nghi và tam cung rút lên miền núi. Ngày 13/7/1885 từ Sơn Phòng, Quảng Trị, Vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương, hô hào nhân dân giúp vua cứu nước.
Khi nổ ra sự biến kinh thành Huế, khi ấy ở Bình Định đang diễn ra kỳ thi Hương. Sau khi Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương, mấy nghìn sĩ tử liền bỏ thi trơ về quê tụ nghĩa. Ở lại thi tiếp chỉ còn 8 người và tất cả đều trúng cử nhân, trong đó có Mai Xuân Thưởng[3].
Hưởng ứng Chiếu Cần Vương vị tân khoa trẻ tuổi - cử nhân Mai Xuân Thưởng mới vừa lĩnh áo mũ vinh quy đã trở về quê ở Phú Lạc, mang cả tiền của trong nhà ra chiêu mộ quân sĩ, lập căn cứ khởi nghĩa ở Hòn Sưng.
Trong buổi đầu, nghĩa quân Bình Định do nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch lãnh đạo, chiêu mộ khỏang 600 nghĩa quân đóng quân ở thôn Tùng Giản (nay là xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Năm 1885 Đoàn Doãn Địch tổ chức cho nghĩa quân đánh chiếm thành Bình Định, rồi đánh phá các làng theo đạo Công giáo. Từ Quy Nhơn quân Pháp kéo lên đàn áp, lực lượng của Đoàn Doãn Địch bị đánh tan, buộc phải chạy về căn cứ Hòn Sưng của Mai Xuân Thưởng tại Lộc Đổng (Đồng Hươu) ở thôn Phú Phong, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.
Cuối tháng 9 năm Ất Dậu (1885), Mai Xuân Thưởng làm lễ tế cờ ở Linh Đổng (Bình Khê) rồi chia quân phòng giữ ở những nơi hiểm yếu. Ông hiểu rõ giá trị chiến lược của cao nguyên, nên đã tuyển lựa những người tinh thông võ nghệ và can đảm để lập ra hai đội Sơn Phùng và Sơn Dũng. Chiến thuật của nghĩa quân chủ yếu dùng lối đánh mai phục và kỳ binh. Theo giúp sức Mai Xuân Thưởng có các ông Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Bùi Điền, Đặng Đề, Nguyễn Hóa, Lê Thượng Nghĩa, Hồ Tá Quốc, Võ Đại cùng hàng nghìn sĩ phu và nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận…[4] Họ đều là những người tài giỏi, yêu nước nhiệt thành và rất có uy tín trước dân chúng.
Cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng được nhân dân tham gia rất đông đảo, nghĩa quân còn tự chế được vũ khí để tự trang bị đánh Pháp. Trong một bản báo cáo của thiếu tá Dumas gửi Tổng Tư lệnh quân Pháp ngày 4/3/1887 viết: “Họ đã thành lập được một lò đúc súng…Trong thời gian này, gần như toàn bộ dân chúng và quan lại hai tỉnh Bình Định, Phú Yên đã tham gia nghĩa binh”[5].
Trước đây khi ứng nghĩa với Đoàn Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng được Đoàn Doãn Địch phong làm Tán tương quân vụ. Khi Đào Doãn Địch lâm bệnh nặng qua đời, Mai Xuân Thưởng được binh sĩ tôn lên làm Bình Tây Đại Nguyên soái.
Nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng đã mau chóng bắt liên lạc với các nghĩa quân của Trương Chính Đường ở Phú Yên, nghĩa quân Trịnh Phong, Trần Đường ở Khánh Hòa. Sau đó, Mai Xuân Thưởng đã cho quân vào hạ thành Bình Thuận. Đồng thời, cử một cánh quân khác ra Quảng Ngãi nhưng đã bị Nguyên Thân chặn đánh ở đèo Bến Đá. Thủ lĩnh nghĩa quân ở Quảng Ngãi là Lê Trung Đình bị Nguyễn Thân bắn chết.
Quân Pháp đã tổ chức đánh nhiều trận nhưng vẫn không dẹp được nghĩa quân và chúng nhận thấy lực lượng của Mai Xuân Thưởng ngày càng lớn mạnh và đã gây nhiều thiệt  hại cho quân Pháp nên chúng chuyển sang dùng chiến thuật mới, cử Công sứ Aymommier và thiếu tá De Lorme đem pháo thuyền Vipère án ngữ ở Quy Nhơn, đồng thời sai Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào và Trần Bá Lộc từ Khánh Hòa đánh ra, tạo thành thế vây ba mặt. Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc đàn áp dân chúng rất dã man, người nào bị tình nghi là chém đầu, những vị chỉ huy của nghĩa quân như Bùi Điền, Nguyễn Hóa, Nguyễn Cang đều anh dũng hy sinh.
Đến tháng 9/1886, những đồn lũy của nghĩa quân ở vùng đồng bằng Bình Thuận, Khánh Hòa đều đã bị giặc chiếm hết. Tháng 4/1887, Mai Xuân Thưởng cùng các tướng lĩnh rời khỏi căn cứ mật khu Hầm Hô theo đường rừng vào tỉnh Phú Yên. Bộ phận chủ lực của nghĩa quân rút về Linh Đỗng, lập thêm các hậu cứ ở cao nguyên, tiếp tục tổ chức kháng chiến.
Tháng 3/1887, sau trận chiến ác liệt ở Bàu Sấu (An Nhơn) Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, phải cho rút quân vào Linh Đổng (núi Phú Phong) ẩn náu để tính kế kháng chiến lâu dài. Quân Pháp và quân của Nguyễn Thân đã nhiều lầm tổ chức tấn công vào Linh Đổng nhưng đều bị thất bại trước sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân.
Ngày 21/4/1887, quân Pháp và quân của Trần Bá Lộc mở đợt tiến công vào Linh Đỗng, chúng bắt được bà Hoàng Thị Nguyệt mẹ của Mai Xuân Thưởng và một số dân của mấy làng ở vùng Phú Phong hạ ngục. Trần Bá Lộc còn bắt các thân hào, nhân sĩ ở Bình Phú, Khánh Thuận nộp phạt một số bạc 18 vạn nguyên (đơn vị tiền tệ thời đó)[6]. Mai Xuân Thưởng cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại của Trần Bá Lộc giải vây cho những người bị bắt. Sau khi giải vây. Mai Xuân Thưởng cùng 50 người trung thành với ông tìm đường sang Phú Yên để tiếp tục gây dựng phong trào, ngày 4/5/1887 khi đoàn đến chân đèo Phú Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thì bị phục binh của Trần Bá Lộc bắt[7]. Đoàn do Mai Xuân Thưởng cử sang Xiêm cầu viện khi đến Phú Yên cũng bị bắt, buộc làm đơn ra đầu thú[8] .
Sau khi Mai Xuân Thưởng bị bắt, phong trào thất bại hoàn toàn. Khi bắt được Mai Xuân Thưởng, Trần Bá Lộc cố gạn ép hỏi các bí mật quân sự và dụ hàng, nhưng Mai Xuân Thưởng đã đanh thép trả lời:
“Mang danh hiệu Bình Tây không lẽ hàng Tây? Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có thể làm đoạn đầu tướng quân chứ không thể làm hàng tướng quân “
Ngày 7 tháng 6 năm Đinh Hợi (1887) tại Gò Chàm, phía ngoài thành Đồ Bàn 4km, thực dân Pháp đã đem chém vị anh hùng Mai Xuân Thưởng giữa tuổi 22 cùng với Bùi Điền và người khác. Thi thể ông sau đó được đưa về an táng tại thôn Phú Lạc. Cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng tuy chấm dứt, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn còn sống mãi trong lịch sử dân tộc.dai bieu hoi dong ho mai bd tham du hoi thao
                                                                   Đại biểu Hội đồng họ Mai BĐ tham dự Hội thảo

 
  1. Kết luận
Cuộc khởi nghĩa do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo cùng với các cuộc khởi nghĩa khác hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, với sự tham gia hưởng ứng đông đảo của các sĩ phu, văn thân yêu nước và nhân dân nhiều tỉnh, thành từ Bắc tới Nam, với tinh thần chiến đấu hy sinh vô cùng anh dũng, kiên quyết chống cả triều đình nhà Nguyễn đầu hàng và chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào ngày càng được mở rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhưng cuối cùng đều thất bại. Tuy nhiên, những ảnh hưởng to lớn của các cuộc khởi nghĩa đó trong nhân dân rất sâu xa và bền vững, những ảnh hưởng tốt đẹp đó tiếp tục được phát huy và nâng cao trong những phong trào theo khuynh hướng mới - khuynh hướng dân chủ tư sản và khuynh hướng vô sản từ những năm đầu thế kỷ XX. Thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng cùng các đồng chí của ông và nghĩa quân tham gia khởi nghĩa đã chiến đấu vô cùng anh dũng, sự hy sinh và đóng góp của Mai Xuân Thưởng cùng các nghĩa quân là rất to lớn trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định nói riêng và trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam nói chung.
Hiện nay ở Hà Nội có đường phố mang tên Mai Xuân Thưởng là một trong những đoạn đường đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội, một vẻ đẹp rất “Hà Nội”. Một điểm khá độc đáo của đường phố mang tên Mai Xuân Thưởng lại chỉ là một đoạn đường rất ngắn, một bên là vườn hoa và bên kia chỉ có 2 số nhà đối diện ngay cổng đỏ là lối vào của Văn phòng Chính phủ. Bài viết này góp phần làm rõ thêm về thân thế và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng, một người con của Bình Định đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
                                                                                                          ĐQH















 
 
[1] Viện Sử học: Võ Kim Cương (chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập 6, từ năm 1858 đến năm 1896. Nxb KHXH, Hà Nội -2017, tr.225.
[2] Theo Đinh Xuân Lâm (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Tập III. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội-2016, tr.97.
[3] Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xax Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông lúc nhỏ tên là Mai Văn Siêu. Cha ông là Mai Xuân Tín, từng làm Bố chính tỉnh Cao Bằng, mẹ là bà Huỳnh Thị Nguyệt, con một nhà quyền quý trong thôn Phú lạc. Mai Xuân Thưởng mất năm 1887.
[4] Viện Sử học: Võ Kim Cương (chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập 6, từ năm 1858 đến năm 1896. Nxb KHXH, Hà Nội -2017, tr.301.
[5] Viện Sử học: Võ Kim Cương (chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập 6, từ năm 1858 đến năm 1896. Nxb KHXH, Hà Nội -2017, tr.301.
[6] Đinh Quang Hải: Thân thế và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng, Tạp chí Thị trường và Giá cả, năm 1989.
[7] Theo Phan Văn Cảnh: Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887). Nxb Đại học Sư phạm-2005, tr.106.
[8] Theo Phan Văn Cảnh: Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887). Nxb Đại học Sư phạm-2005, tr.106.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Truyền thông họ Mai Bình Định
kyyeu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay103
  • Tháng hiện tại2,648
  • Tổng lượt truy cập21,478
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây