Họ Mai Bình Địnhhttp://homaibinhdinh.vn/uploads/icon-homai.png
Thứ sáu - 14/06/2024 14:151240
Ông Mai Thành Đông- Phó Chủ tịch Hội đồng họ Mai Bình Định đến với Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX” với tư cách là đại biểu họ Mai tỉnh. Tại Hội thảo, ông có bài phát biểu thảo luận “ Nhận định, Mai Xuân Thưởng bị bắt hay nộp mình”, Ban biên tập xin giới thiệu cùng bạn đọc
Ông Mai Thành Đông phát biểu thảo luận
Kính thưa quý vị đại biểu các nhà khoa học,nhà nghiên cứu, cùng tất cả quý vị Tôi tên: Mai Thành Đông- thành viên HĐ họ Mai tỉnh Bình Định. Hôm nay, tôi vô cùng vinh hạnh được tham dự cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc về anh hùng Mai Xuân Thưởng tổ chức tại thành phố Quy Nhơn-Bình Định. Tôi chỉ là một người yêu thích chuyện sử ký nên hay tìm hiểu nhất là chuyện những người anh hùng đánh giặc cứu nước. Là người họ Mai ở Hoài Nhơn tuy đã tìm kiếm không thấy cùng gốc họ Mai ở Tây Sơn nhưng luôn tự hào họ Mai có người anh hùng ứng hịch Cần Vương. Thời gian qua tôi có đọc được một số tư liệu, sách, báo, bài viết của các nhà báo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu…có liên quan đến Ông để giải đáp mối băn khoăn lâu nay của mình về trường hợp Ông bị bắt hay đầu hàng để cứu mẹ và dân. Bởi, tôi nghĩ rằng Lịch sử phải đúng sự thật, khoa học biện chứng, khách quan vô tư, không tô vẽ, bẻ cong. Hôm nay, xin quí vị cho tôi trình bày nhận định cá nhân về việc này qua tìm hiểu của mình mong quý vị xem xét và tha thứ cho nếu có điều gì sai sót. Theo tài liệu chính thống lâu nay: Giặc Pháp và lũ tay sai đắc lực đứng đầu là tên Trần Bá Lộc đã bắt mẹ ông và dân làng tra tấn, đàn áp dã man nên Ông phải ra nộp mình để cứu mẹ và dân. Nhưng, tôi nghĩ rằng điều đó không đúng bởi ông tự mình đứng lên chống giặc lại là thủ lĩnh phong trào Cần Vương thì không thể như thế bởi căn cứ mấy điều sau: A/ Về thân thế và hoàn cảnh: 1/ Cha ông là Mai Xuân Tín (huý Phẩm) năm 1847 đỗ cử nhân mãi đến năm 1856 mới ra làm quan chức Thừa biện ở bộ Công, hàm Tòng bát phẩm, chưa đầy 10 năm đã thăng lên chức Bố chánh sứ ở tỉnh Cao Bằng, bệnh mất được triều đình truy phong hàm Trung thuận đại phu, chức Án sát sứ bậc Chánh tứ phẩm, đưa vế quê an táng ở Phú Lạc (Bình Khê) khi ông mới lên sáu (1866). Mẹ ông là Hoàng Thị Nguyệt, con nhà quyền quý, thầy dạy là Lê Duy Cung (Tây Sơn thuở ấy có 3 dòng họ nổi danh là họ Mai, họ Lê và họ Nguyễn - Tây Sơn). Cha ông có 3 vợ, 12 con mất 7 còn 5, trai 3 gái 2. Trưởng nam Mai Văn Chấn, trưởng nữ Mai Thị Dương (con bà chánh thất Nguyễn Thị Bính), thứ nam Mai Văn Siêu ( tức Mai Xuân Thưởng), Mai Văn Việt ( con kế thất Hoàng Thị Nguyệt), gái Mai Thị Thiên (Con bà thiếp là người Hoàng tộc- không rõ họ tên) (1) Phân thư của nhà ông Mai Xuân Tín lập năm Mậu Thìn Tự Đức 21-1868- do Đàm Đình Tâm- GV Hán-Nôm ĐHQN dịch-Phan Văn Cảnh/Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 11-1995.Năm 18 tuổi (1878) ông đỗ tú tài và 25 tuổi (1885) đỗ cử nhân. Sống trong một gia đình quan quyền, gia giáo từ nhỏ đến lớn thì việc giáo dục “ Trai thời TRUNG HIẾU làm đầu”, trung là trung với vua, vua là đất nước, hiếu là hiếu kính với cha mẹ nhưng trung luôn trước hiếu và chuẩn mực đạo đức dành cho nam giới là “Tam cương:quân-sư-phụ, ngũ thường: nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”; trong 3 bậc: vua, thầy, cha mẹ thì vua là số một. Một tú tài, một cử nhân, một văn thân và danh dự gia thế như vậy lẽ nào ông không biết những truyện xưa tích cũ từng có tình huống nầy và những gương anh dũng chống giặc Pháp từ 1858 đến 1885 như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực…. Ông đứng lên dựng cờ chống giặc mẹ ông đồng tình không ngăn cản, nay ông hàng giặc thì mẹ ông có đồng ý không, ông là người hiểu rõ tính khí của mẹ ông nhất. Là sĩ phu mà làm điều sai trái cha mẹ không ưng là can tội bất hiếu. Lẽ nào ông ra nộp mình thì có khác gì hàng giặc để thành kẻ bất trung bất hiếu ! Vậy, ông có tròn chữ hiếu không? Theo tôi là ông đã làm được. Phàm làm cha mẹ ai cũng mong nuôi dạy con khôn lớn nên người, ăn học thành tài, thời đó hẵn bà mong muốn ông học hành đỗ đạt ra làm quan như cha ông. Sinh ra và lớn lên khi đất nước suy vong, vua tôi nhu nhược, triều đình mềm yếu từng bước đầu hàng giặc ngoại xâm nên trong bài Vịnh sĩ tử trường thi, ông từng đau đớn viết: “…Cửa trường tiếng dạ vẫn còn hơi/ Cờ nghĩa treo lên đã ngất trời/ Đạo trung vua tôi mình dám quản/ Oán hờn người Pháp có đâu vơi….” (Bài thơ thất lạc chỉ còn một đoạn Người dịch Khuyết danh). Nhưng, thấu hiểu lòng mẹ nên sau khi đậu tú tài năm 1878 ông vẫn tiếp tục dùi mài kinh sử đến năm Ất Dậu 1885 kì thi Hương ở trường thi Bình Định ônglại lều chỏng ứng thí. Kỳ thi đang diễn ra, có tin “ Vua Hàm Nghi chống Pháp, kinh thành thất thủ, nhà vua xuất bôn” làm nức lòng người, nhiều sĩ tử đang thi dang dở bỏ về nhưng ông kiên định ở lại tiếp tục thi và đỗ thứ 7 trong 8 vị cử nhân, được vinh quy bái tổ làm rạng rỡ tông môn, mát dạ mẹ hiền bao năm dưỡng dục, hạnh phúc cho người vợ trẻ. Ông đã phần nào báo hiếu mẹ cha, trả nghĩa vợ chồng. Đến đây, ông phải: “ Đã mang tiếng đứng trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” Nguyễn Công Trứ Ông không ra làm quan mà về quê Phú Lạc tập hợp bà con, dân làng, thu nạp nghĩa sĩ tổ chức chống giặc giúp ông vua yêu nước kháng Pháp hiện nay 2/ Phong trào Cần Vương mấy năm đầu ở các tỉnh miền Trung nổi lên sôi nổi tiêu biểu như: Thanh Hoá có Đinh Công Tráng,Tống Duy Tân, Phạm Bình; Nghệ An có quan hưu-Án sát sứ cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, quan Sơn phòng Lê Doãn Nhạ; Hà Tĩnh có Lê Ninh; Quảng Bình có quan Tri phủ cử nhân Nguyễn Phạm Tuân, Đề đốc tiến sĩ võ Lê Trực; Quảng Trị có Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như; Quảng Nam có quan Sơn phòng Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu; Quãng Ngãi có cử nhân Lê Trung Đình, tú tài Nguyễn Tự Tân; Bình Định có quan Phụng nghị đại phu tú tài Đào Doãn Địch, quan Án sát tỉnh Bình Định giải Á nguyên cử nhân Nguyễn Duy Cung, cử nhân Mai Xuân Thưởng; Phú Yên có tú tài Lê Đình Phương; Khánh Hoà có quan Đề đốc cử nhân Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, Trần Đường (2) trích Luận án PTS Phan Văn Cảnh 1997-ĐH Quy Nhơn; Bình Thuận có Ung Chiếm, Cao Hành… Tại Bình Định và Phú Yên các đội quân đã từng chiếm và giữ tỉnh thành nhiều ngày. Trường thi Hương ở Bình Định (lập năm 1851 Tự Đức thứ 2) thông thường cứ 3 năm tổ chức một kì thi cử nhân văn, cứ lấy đỗ 1 cử nhân thì lấy đỗ 2 tú tài, nhưng từ năm 1883(Kiến Phúc thứ 1) quy định đỗ 1 cử nhân thì lấy đỗ 3 tú tài. Ngoài ra, trường còn tổ chức các kì thi cử nhân võ nữa. Do đó phong trào Cần Vương ở Bình Định hầu hết do các quan lại,văn thân,sĩ phu tổ chức lãnh đạo khắp nơi như: An Nhơn có Tú tài Nguyễn Bá Huân, quan hưu-Tư vụ nội các cử nhân Nguyễn Trọng Trì (em Nguyễn Bá Huân); Phù Mỹ có:cử nhân võ Nguyễn Đức Nhuận, quan Quản thuộc lính thần cơ hậu vệ võ sư Bùi Điền; Tây Sơn có: quan hưu-đề đốc cử nhân võ Nguyễn Hào ( tức Nguyễn Công Bình),cử nhân Võ Phong Mậu; Tuy Phước có: Nho sĩ lý trưởng Lê Tuyên, nho sĩ Võ Trứ; Hoài Ân có: nho sĩ- Cai cơ võ sư Tăng Doãn Vân (tức Tăng Bạt Hổ); Hoài Nhơn có: quan Kiêm lương kho lương An Dũ Võ Đạt, đề đốc Đinh Hội, lãnh binh Vũ Lân . v…v… Nghe tin Đào Doãn Địch khởi xướng Cần Vương một số nơi tụ về theo ông hợp sức đánh chiếm thành Bình Định, giặc Pháp phản công, thế trận vỡ, ông lui về Lộc Đồng (Tây Sơn) bản doanh của Mai Xuân Thưởng. Nơi đây, ông phong Mai Xuân Thưởng làm Nguyên soái và trao trọn binh quyền. Nguyên soái liên hệ các nhóm khởi nghĩa trong tỉnh và tất cả đồng lòng tập hợp dưới trướng của ông. Mưu sĩ,văn võ tướng binh có đủ, nghĩa binh xây dựng các căn cứ chống giặc lâu dài và đi liên kết phối hợp các đội quân Cần Vương ngoài tỉnh và đều thống nhất chịu sự lãnh đạo tối cao của ông. Ông là ngọn cờ hiệu triệu Cần Vương ở các tỉnh Nam Huế.Tiến sĩCharles Fourniau (Nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp -Việt 1961-2002; Luận án Tiến sĩ: Cuộc chinh phục Trung Kỳ và Bắc Kỳ 1885-1896) đã khẳng định: “ Ở Bình Định, những lực lượng kháng chiến ở tỉnh đã được tổ chức tốt và có từ trước” (3) như (2). Soái phủ Sài Gòn thấy lực lượng Cần Vương ở đây ngày càng lớn mạnh và gây nhiều thiệt hại nên cần phải bằng mọi giá tiêu diệt gấp mới yên nên vội điều thiếu tá De Lorme đem pháo thuyền dàn trận ở biển Quy Nhơn đưa quân Pháp từ biển đánh lên. Sai những tên tay sai đắc lực Trần Bá Lộc ở Khánh Hòa, Nguyễn Thân ở Quảng Ngãiđem quân trong đánh ra, ngoài đánh vào. Ba cánh hợp tại Bình Định mấy ngàn tên, trang bị đầy đủ súng đạn cùng tấn công lên Phú Phong mặc sức tàn sát. Nhìn những người quy tụ chịu sự lãnh đạo của ông so về phẩm trật, chức quyền, kinh nghiệm… có người văn, võ hay tuổi tác hơn ông, trong khi ông chỉ là một cử nhân mới tốt nghiệp. Bởi vì họ trọng đạo đức của ông, kính trọng ông, tin tưởng ở ông một lòng một dạ yêu nước đánh giặc cứu vua cứu nước dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không lay chuyển. Vị thế ấy, lòng tin ấy lẽ nào ông phụ bạc? Ông là tổng chỉ huy, linh hồn của đoàn quân Cần Vương lẽ nào không rõ Tướng ngã thì binh tan ư? Nói ông ra nộp mình để cứu mẹ và dân mấy làng quê ông thì ông vì việc riêng mà quên việc chung rồi! Bởi còn thân nhân và dân làng của bao nhiêu tướng sĩ khác khắp nơi thì sao, có cứu được hết không, giặc có tha không? Lẽ nào ông và bao người không nghĩ đến? 3/ Trong lời Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp của ông có câu: “ …Trên dù có nghiêm trừng phép nước, để đem đồ ngọc thạch thế can qua Dưới cũng nguyền sống chết với vua, quyết giữ dạ đá vàng thu thổ vũ…” thì có lẽ nào ông bội lời thề của toàn quân do ông làm thủ lĩnh ? và làm sao một số tướng lĩnh và nghĩa binh giữ vững ý chí tiếp tục sự nghiệp chống giặc như Bá Sự mãi đến năm 1892 mới bị bắt ? B/ Những điểm mâu thuẫn trong chuyện kể sau khi ông nộp mình: a- Trần Bá Lộc tiếp đãi dụ hàng, ông khẳng khái nói: Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân. Câu nói này gần giống câu “ Ta thà làm quỷ nước Nam chứ khôg thèm làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng ở thế kỷ 13 khi Thoát Hoan dụ hàng. Nhưng Trần Bình Trọng chiến đấu tận cùng, bị địch bắt trói giữa trận tiền, câu nói của ông ấy tỏ rõ khí phách, uy dũng, kiên trung vì nước. Ông là một thống soái, một cử nhân ở thế kỉ 19, lẽ nào một câu uy dũng như vậy chỉ cho tên tay sai này nghe! Thủ đoạn dùng mẹ và dân mấy làng uy hiếp thì đã nộp mình rồi,ông đang trong tay chúng, nếu không hàng chúng dùng các thủ đoạn độc ác hơn thì sao? Vậy, chỉ có thể câu này ông trả lời việc dụ hàng của giặc khi đôi bên đang giao tranh, thể hiện ý chí của mình, nâng cao sĩ khí tướng sĩ. b- Bài thơ: “Chết nào có sợ, chết như chơi,/Chết bởi vì dân, chết bởi thời./Chết hiếu chi nài xương thịt nát,/Chết trung bao quản cổ đầu rơi./Chết nhân tiếng để vang nghìn thủa,/Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời./Thà chịu chết vinh hơn sống nhục,/Chết nào có sợ, chết như chơi.” Hoàn cảnh ra đời của bài thơ có bài viết ông đọc khi từ biệt mọi người để đi nộp mình, có bài viết là ông cảm khái khi ở trong ngục, có bài viết ông đọc khi ra pháp trường…theo tôi đều không phù hợp với hào khí của bài thơ. Đọc khi từ biệt hay khi ra pháp trường thì có nghĩa mình không sợ chết, cái chết lưu danh tốt; còn nếu đọc khi ở trong nhà giam có khác nào tự an ủi mình. Nhưng nếu ông đọc trong lúc gian nan đói khổ, trước bao nghĩa sĩ, địch vây tứ bề thì sẽ động viên tinh thần chiến đấu của tướng sĩ vô cùng to lớn. Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc từ năm1861 Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã viết có đoạn nói về việc không sợ chết của người nông dân xông pha giết giặc cướp nước: “…Chi nhọc quan quản trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có…” đã truyền khắp nơi lẽ nào ông không biết. Lẽ nào Nguyên soái không nghĩ bao chiến sĩ đã hy sinh, cho nên hoàn cảnh ra đời của bài thơ không như các bài viết trênmà phải ra đời khi ông đang ở trong toàn quân ! Suy luận từ các điểm trên tôi tự khảng định: Ông bị bắt chứ không nộp mình! C/Một số tư liệu minh chứng ông bị bắt: 1/ Cụ Phó bảng Hiệp tá đại học sĩ Biểu Xuyên Đào Phan Duân (1865-1947 quê Tuy Phước- Nguyên Tuần phủ Khánh Hoà) khi Vãn Cần Vương Nguyên soái Mai công có đôi câu đối:“ Gặp lúc trổ kinh luân, người khen ông, người chê ông, vào cuộc tơ vò, há lại lên đài bày kệch cỡm ? Ở đời như bào ảnh, hoặc trước ta, hoặc sau ta, đậy hòm chuyện hết, sao bằng chuốc chén viếng âm thầm!”, Đoạn: há lại lên đài bày kệch cỡm, phải chăng Cụ ám chỉ Phủ Lộc bắt được ông rồi bày trò phao tin ông nạp mình để hạ uy vũ của ông?. Ngày 16/6 Bảo Đại 20 (28/7/1945)tại Văn chỉ Bình Khêông tổ chứclễ truy điệu Mai công trong bài Cáo ông soạn có đoạn: “… Từ xưa ai mà chẳng chết, chết vì nước lại càng đáng chết, chết mà khiến người trong nước quá đỗi đau xót, thì chỉ có cái chết lẫm liệt vì nghĩa mới cảm động lòng người đương thời đến thế,,,,”.Và đoạn cuối có câu: “… Cho nên nói ông là bậc quân tử làm rõ cái chí của mình mà không khuất phục trước uy vũ của kẻ địch là bậc hào kiệt biết xem danh tiết nặng như núi Thái mà coi thân mình nhẹ như mảy lông…” Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (1939-..) dịch nguyên thể-(4) Báo Bình Định 7/9/93 tr 4 Văn hoá-xã hội. Cụ Lộc Xuyên nghi ngờ câu đối Cụ Phó bảng viết không lâu sau khi Nguyên soái thọ hình.? 2/ “ Theo báo cáo gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 10 tháng 5 năm 1887, đã cho chúng ta biết khá tường tận về trường hợp bị bắt của Mai Xuân Thưởng như sau: Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Ngày 4 tháng 4, cả nhóm bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể là Vân Canh), nhưng sau đó chạy thoát. Ngày 21 tháng 4 gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông Thưởng lại giải thoát được. Nhưng, đêm 30 tháng 4 rạng ngày 1 tháng 5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh, đã chịu hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn. Trần Bá Lộc và Bùi Giảng (6)Tên này trước theo Cần Vương sau phản bội là con nuôi Trần Bá Lộc-đã bắt được Mai Xuân Thưởng ngày 4 tháng 5 khi ông đang trốn trong một cái hang núi Hòn Nhên ở làng Thang Ót, ở gần chỗ giáp giới Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn. Ngày hôm sau, gia đình ông bị bắt. Sau ông, những thủ lĩnh cuối cùng hầu như cũng bị bắt hết.” ( 5) Bài viết của TS Đinh Bá Hoà -Báo Bình Định. 3/ “ Suốt một tháng trời truy đuổi quyết liệt nhằm bắt những kẻ không chịu đầu hàng, đặc biệt là Mai Xuân Thưởng, thủ lĩnh tối cao. Sau nhiều ngày truy lùng, ông bị Lộc và Bùi Giảng bắt vào ngày 4 tháng 5, ngày hôm sau gia đình ông bị bắt, sau đó gần như lần lượt các nhà lãnh đạo khác cũng dần thất thủ. Tất cả bị xử tử vào tháng 6, thành ba đợt, tổng cộng là 27 người” (6)An Nam Tokin 1885-1896 trg 12- Charles Fourniou. Vậy, phải khẳng định Nguyên soái bị bắt vì có kẻ phản bội do mưu kế thâm độc của những tên phản quốc tay sai cho ngoại bang, rồi chúng lại phủ lên Người kiểu anh hùng kiếm hiệp thật là gian giảo. Tìm hiểu lịch sử cho ta những bài học quý giá, như qua đây nhắc nhở chúng ta luôn cảnh giác với mọi âm mưu những kẻ thù luôn muốn phá hoại độc lập hoà bình của đất nước ta hôm nay ! Kính chúc toàn thể quí vị vui khoẻ, an lành, hạnh phúc.Xin trân trọng cảm ơn .
MTĐ ?1/ Căn cứ đâu mà có bài viết nói lúc nhỏ Mai Xuân Thưởng có tên Phạm Văn Siêu, tại sao có họ Phạm ở đây vì cha họ Mai, mẹ họ Hoàng, thầy học họ Lê, Phân thư là Mai Van Siêu?Tên: Xuân Thưởng có lúc nào? ?2/ 1961 cải táng mộ ông, có tài liệu in hình ghi con của ông Mai Xuân Thưởng tên là Mai Xuân Chấn vậy thì trùng tên anh trưởng của ông cũng tên là Mai Văn Chấn , do đâu ?