VAI TRÒ CỦA MAI XUÂN THƯỞNG
ĐỒI VỚI PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CUỐI THẾ KỶ XIX
TS. Nguyễn Văn Phượng - TS. Trương Thị Dương
Trường Đại học Quy Nhơn
1. Dẫn nhập
Bình Định là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nơi được mệnh danh là “vùng đất võ, trời văn”, đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, và Mai Xuân Thưởng là một trong những số đó. Sinh ra tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, Mai Xuân Thưởng vừa rời trường thi với học vị cử nhân, đã hưởng ứng dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên chống Pháp. Với tư cách là một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định, Mai Xuân Thưởng đã góp phần mở rộng quy mô của phong trào Cần Vương chống Pháp ở tỉnh Bình Định, gắn kết với phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định với các tỉnh Nam Trung Kỳ, từ đó góp phần vào sự nghiệp Cần Vương
chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX.

Diễn giả - TS Trương Thị Dương
Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu hoạt động và vai trò của Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Trong đó, tập trung nhất là vai trò của ông đối với phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định. Gần đây, đã có những bài viết “mở rộng vài trò” của Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương ở khu vực Nam Trung Kỳ thông qua phân tích hoạt động của hai bộ tướng của ông là Bùi Điền và Bùi Đản ở các tỉnh Nam Trung Kỳ. Tuy nhiên, chưa có bài viết nào trình bày một cách có đầy đủ, có hệ thống và toàn diện vai trò của Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Xuất phát từ thực tiễn đó, dựa trên nguồn tư liệu thu thập được và với quan điểm tiếp cận hệ thống và toàn diện, lịch sử cụ thể, bài viết góp phần làm rõ vai trò của Mai Xuân Thưởng không chỉ đối với phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định, mà mở rộng ra toàn khu vực cũng như trên cả nước nói chung. Qua đó, góp phần “định vị” vị trí, vai trò của Mai Xuân Thưởng trên “bản đồ” phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.
2. Nội dung
2.1. Vai trò của Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định
Sau vụ biến kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (1871 – 1944) ra Tân Sở (Quảng Trị). Ngày 13/7/1885, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua ban dụ Cần Vương, ra lệnh toàn dân khởi nghĩa giúp vua cứu nước. Thực hiện mệnh lệnh đó của Hàm Nghi, cùng với các tỉnh khác, văn thân, sĩ phu Bình Định đã tập hợp, tổ chức lực lượng và lãnh đạo phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Thời điểm này (7/1885), Mai Xuân Thưởng đang tham gia kỳ thi Hương tại Trường thi Bình Định. Ông đã thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của một sĩ phu yêu nước trước vận mệnh của đất nước qua bài thơ “Vịnh sĩ tử trường thi Bình Định”[1]. Và ngay sau khi thi đậu Cử nhân, Mai Xuân Thưởng lập tức quay trở về thôn Phú Lạc, tổng Phú Phong, bỏ tiền của, chiêu mộ nghĩa dũng, chọn Hòn Sưng xây dựng căn cứ, cùng với Mai Xuân Vân, Mai Xuân Hòa, Mai Xuân Khánh, Mai Xuân Quang... tiến hành chống thực dân Pháp. Với hành động này, Mai Xuân Thưởng là một trong những thủ lĩnh đầu tiên ở tỉnh Bình Định, ở khu vực Nam Trung Kỳ và trên cả nước tham gia khởi nghĩa chống Pháp theo mệnh lệnh của vua Hàm Nghi trong dụ Cần Vương. Rõ ràng, nếu xét từ động cơ dựng cờ khởi nghĩa, Mai Xuân Thưởng tiến hành khởi nghĩa trước hết là vì tinh thần ái quốc trung quân, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, đả phá triều đình Đồng Khánh, thực hiện mệnh lệnh từ dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi. Do đó, nhận định của một số nhà nghiên cứu cho rằng Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa chống Pháp chỉ vì muốn khôi phục nhà Tây Sơn cần phải được nghiên cứu và xem xét thêm.
Trong giai đoạn đầu của phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định - giai đoạn bùng nổ (từ tháng 7/1885 đến giữa tháng 9/1885) - Mai Xuân Thưởng đã trở thành một trong những thủ lĩnh có uy tín và vai trò quan trọng. Dưới sự chỉ huy của ông, lực lượng nghĩa quân một mặt tiến hành xây dựng căn cứ và những căn cứ ban đầu đó sau này là cơ sở để lực lượng Cần Vương ở Bình Định xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, dựa vào đó để tiến hành cuộc chiến đầu lâu dài. Không những thế, lực lượng nghĩa quân do Mai Xuân Thưởng chỉ huy còn tham gia cuộc bao vây đánh chiếm tỉnh thành Bình Định và các trận đánh lớn ở Cầu Đôi, cầu Trường Úc, góp phần làm chậm bước tiến của quân Pháp trong cuộc hành quân đánh chiếm tỉnh thành.
Sang giai đoạn tiếp theo của phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định - giai đoạn phát triển (từ giữa tháng 9/1885 đến đầu năm 1887) - Mai Xuân Thưởng trở thành thủ lĩnh tối cao và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phong trào.
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong giai đoạn đầu của phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định là tính thiếu sự thống nhất thực sự của lực lượng nghĩa quân trên toàn tỉnh. Trong giai đoạn này, Đào Doãn Địch là người có “tính chính danh” và uy tín nhất bởi phẩm hàm, chức vụ của ông và với tư cách là người nhận “mật lệnh” của vua Hàm Nghi trở về các tỉnh phía Nam Thừa Thiên Huế, trong đó có tỉnh Bình Định truyền lệnh kháng chiến. Nhờ đó, khi Đào Doãn Địch dựng cờ khởi nghĩa, có một số thủ lĩnh đưa lực lượng tụ nghĩa dưới cờ của ông, trong đó có cả Mai Xuân Thưởng. Tuy nhiên, do mới dựng cờ khởi nghĩa tại một làng (Tùng Giản, xã Phước Hòa, Tuy Phước), liền sau đó tiến hành một số trận đánh với quân Pháp, Đào Doãn Địch chưa thể thống nhất các lực lượng trên toàn tỉnh lại và tổ chức một cách chặt chẽ, chưa xây dựng và kết nối căn cứ khởi nghĩa trên toàn tỉnh thành một hệ thống liên hoàn. Đó cũng là lí do giải thích vì sao chỉ sau một vài trận đụng độ với quân Pháp, Đào Doãn Địch buộc phải tổ chức một cuộc rút lui khỏi thành Bình Định, di chuyển lực lượng về căn cứ khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở huyện Tây Sơn. Và khi Đào Doãn Địch mất, nguy cơ phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định bị đàn áp và tan rã hiện rõ. Trước tình thế đó, Mai Xuân Thưởng đã trở thành thủ lĩnh tối cao, đứng ra tập hợp, thống nhất thực sự lực lượng kháng chiến trên địa bàn toàn tỉnh về một mối, đưa phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định chuyển sang giai đoạn mới.
Với uy tín của mình, Mai Xuân Thưởng đã quy tụ nhiều thủ lĩnh đứng đầu các nhóm nghĩa quân ở các địa phương trong tỉnh Bình Định về dưới cờ nghĩa của mình. Đặc biệt, việc các thủ lĩnh Bùi Điền (thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương ở huyện Phù Mỹ), Tăng Doãn Văn (thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương ở huyện Hoài Ân), Võ Đạt (thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương ở thị xã Hoài Nhơn)... quy tụ và trở thành những bộ tướng dưới trướng của Mai Xuân Thưởng đã chứng tỏ phong trào Cần Vương Bắc và Nam Bình Định đã thống nhất về một mối. Đây là tiền đề tiên quyết để nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động ra toàn tỉnh và sang các tỉnh khác ở khu vực Nam Trung Kỳ.
Đồng thời với đó, Mai Xuân Thưởng cũng đã cùng với các thủ lĩnh khác phát triển lực lượng và mở rộng thành phần dân tộc trong nghĩa quân[2]. Chính Charles Fourniau đã dẫn số liệu từ báo cáo của Công sứ Quy Nhơn có đến 6.000 nghĩa quân đánh chiếm đất Phù Mỹ. Đấy là số lượng nghĩa quân hoạt động trên một huyện, còn nếu tính tổng của các phủ, huyện của tỉnh Bình Định lúc bấy giờ, số lượng nghĩa quân lên đến hàng chục nghìn người. Chính vì thế, Charles Fourniau mới đi đến nhận định: “Toàn thể hay gần như là toàn thể các quan lại địa phương đã gia nhập phong trào và kể cả một số người ở tỉnh khác đến lánh nạn ở Bình Định cũng tham gia nữa. Chúng khẳng định một số lượng lớn lao là có hàng chục ngàn người đã cầm vũ khí... Việc tính toán số lượng các làng khởi nghĩa sau ra đầu thú vào năm 1887 cũng đưa đến những kết luận tương tự”[3]. Cùng với đó, Mai Xuân Thưởng và các thủ lĩnh phong trào tìm cách chính quy hóa lực lượng bằng việc hướng tới trang bị vũ khí và quân phục giống như binh lính triều Nguyễn cho nghĩa quân.
Nếu dựa trên con số thống kê của người Pháp và Trần Bá Lộc về số lượng thủ lĩnh và lực lượng nghĩa quân tại tỉnh Bình Định quy tụ dưới cờ nghĩa của Mai Xuân Thưởng[4] và diễn biến của phong trào giai đoạn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông, cho thấy phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định phát triển mạnh nhất ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Bình Định là một trong những “trung tâm” của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.
Khi đã thống nhất được lực lượng và trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định, Mai Xuân Thưởng tổ chức lễ tế cờ, lễ trời đất, viết “Hịch văn thân” truyền đi khắp trong và ngoài tỉnh. Liền sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân tiến hành xây dựng hệ thống căn cứ. Mai Xuân Thưởng đã biết cách phát huy tài năng của các bộ tướng dưới trướng của mình trong việc xây dựng căn cứ, chuẩn bị vũ khí, luyện tập binh võ,… Một hệ thống căn cứ trải dài từ Bắc đến Nam tỉnh Bình Định đã được hình thành, với đại bản doanh Lộc Động nằm ở phía Nam và Tây Nam làng Phú Mỹ, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn). Điểm đáng chú ý là, hệ thống căn cứ này đã được Mai Xuân Thưởng và các thủ lĩnh phong trào kết nối với nhau thành một thế liên hoàn. Mỗi căn cứ đều được xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của nó. Tùy theo vị trí, tầm quan trọng của mỗi căn cứ mà Mai Xuân Thưởng giao nhiệm vụ chỉ huy căn cứ cho từng thủ lĩnh cụ thể. Thực tế chứng minh, chính hệ thống căn cứ này đã góp phần làm cho sức chiến đấu của nghĩa quân lớn hơn trước nhiều lần và nghĩa quân của Mai Xuân thưởng đã gần như làm chủ toàn tỉnh Bình Định trong suốt thời gian từ cuối năm 1885 đến đầu năm 1887. Vì thế, thực dân Pháp phải tốn nhiều công sức mới có thể đàn áp được phong trào chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng.
Một điều cần phải nói thêm ở đây là xuất phát từ cơ sở nào mà Mai Xuân Thưởng có thể trở thành thủ lĩnh tối cao và từ đó thống nhất lực lượng kháng chiến trên toàn tỉnh Bình Định về một mối. Điều này, theo chúng tôi xuất phát từ mấy lí do. Trước hết đó là “tính chính danh” của ông, khi ông được Đào Doãn Địch giao lại toàn bộ binh quyền vào cuối tháng 9/1885. Thứ hai là uy tín và tài năng của Mai Xuân Thưởng đối với giới sĩ phu và nhân dân trên toàn tỉnh, thậm chí là đối với các tỉnh lân cận. Bằng uy tín đó, khi tiếp nhận binh quyền từ Đào Doãn Địch, rất nhiều thủ lĩnh trước đó dù có theo Đoàn Doãn Địch hay không cũng đưa lực lượng của mình về dưới cờ nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Sự kiện nghĩa quân suy tôn Mai Xuân Thưởng là “Bình Tây Đại Nguyên soái” tại buổi lễ tế cờ ở vùng núi đồi Lộc Động là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.
2.2. Vai trò của Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ và cả nước
Từ trước đến nay, có nhiều công trình mô tả hoạt động của lực lượng Cần Vương Bình Định dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng ở những địa bàn ngoài phạm vi tỉnh Bình Định. Sự mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng sang các tỉnh khác ở khu vực Nam Trung Kỳ, thậm chí là vào tận khu vực Nam Kỳ bắt đầu từ việc Mai Xuân Thưởng thống nhất các lực lượng, đẩy phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định phát triển lên bước mới.
Theo mô tả của các các công trình nghiên cứu trước đây[5], lực lượng Cần Vương Bình Định dưới sự chỉ huy của Nguyễn Trọng Trì đã tiến vào các tỉnh phía Nam Bình Định. Chính đoàn quân của Nguyễn Trọng Trì đã cùng với quân của Bùi Đản tiến đánh, hạ tỉnh thành Bình Thuận tại Phan Rí, giao lại cho Dinh điền sứ Trà Quý Bình. Sau đó, Nguyễn Trọng Trì và Bùi Đản đưa lực lượng Cần Vương Bình Định ra phối hợp chiến đấu với lực lượng Cần Vương tỉnh Khánh Hòa, hạ tỉnh thành Khánh Hòa tại Diên Khánh. Không dừng lại ở đó, lực lượng Cần Vương Bình Định tiếp tục kéo ra phối hợp với văn thân, sĩ phu tỉnh Phú Yên nổi dậy, bao vây và chiếm tỉnh thành, bắt giam Bố Chánh Phạm Như Xương. Các quan Án sát Hoàng Cân, Lãnh binh Nguyễn Văn Hanh... đều bỏ thành chạy trốn. Trong khi đó, thể theo yêu cầu của Nguyễn Bá Loan - thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở tỉnh Quảng Ngãi, Mai Xuân Thưởng đã lệnh cho Bùi Điền, Tăng Doãn Văn, Đặng Đề... chỉ huy lực lượng Cần Vương Bình Định phối hợp cùng với nghĩa quân của Nguyễn Bá Loan liên tục tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng phản động của Nguyễn Thân trên địa bàn Bắc Bình Định và Quảng Ngãi. Sự phối hợp chiến đấu này diễn ra trong hơn một năm, với nhiều cuộc tấn công như: tấn công đánh chiếm đồn Lỗ Thục (đồn Lão Thuộc) - sở chỉ huy Sơn phòng Nghĩa Định (nay thuộc xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn) (12/1885); tấn công đánh chiếm huyện lỵ Mộ Đức (2/1886); đánh đồn Thanh Thủy; đánh chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi (8/1886);... Và nếu không có sự ngăn chặn của Nguyễn Thân, có lẽ lực lượng Cần Vương Bình Định dưới sự chỉ huy của Bùi Điền còn tiếp tục tấn công ra tỉnh Quảng Nam.
Còn đối với khu vực Nam Kỳ, đầu năm 1886, Mai Xuân Thưởng đã cử Lê Công Chánh cùng 4 người khác vào Nam Kỳ liên lạc với các lãnh tụ chống Pháp ở đây. Họ đã gặp Năm Thiếp và Nguyễn Xuân Phong ở An Giang, họp với nhau tại Núi Dùm bàn kế sách chống Pháp. Lê Công Chánh được văn thân ở Nam kỳ bầu làm “Nam Kỳ chánh hội” và đứng ra thảo “Mật lệnh” kêu gọi nhân dân Nam Kỳ nổi dậy. Ngoài ra Lê Công Chánh còn liên lạc với nghĩa quân của Đào Công Bửu, Đào Công Thoại tiến hành kháng chiến chống Pháp ở Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam Kỳ...
Từ những mô tả trên, một kết luận dễ rút ra là lực lượng Cần Vương Bình Định đã đưa quân vào chiến đấu, đã cổ vũ, tạo điều kiện cho lực lượng Cần Vương ở các tỉnh Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ nổi dậy đánh Pháp. Những hoạt động này của lực lượng Cần Vương Bình Định xuất phát từ chủ trương, quyết định và chỉ đạo trực tiếp của Mai Xuân Thưởng. Điều đó phần nào phản ánh vai trò và đóng góp của cá nhân Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ và trên cả nước. Một cách cẩn thận nhất, chúng ta cũng có quyền suy luận rằng, Mai Xuân Thưởng đã thể hiện rõ ý đồ của ông là không chỉ giới hạn cuộc khởi nghĩa Cần Vương trên địa bàn tỉnh Bình Định, mà mở rộng ra khắp các tỉnh Nam Trung Kỳ và thậm chí là cả Nam Kỳ. Liên kết lực lượng Cần Vương với các địa phương khác để từ đó tạo nên một phong trào chống Pháp rộng lớn như lời tuyên ngôn trong “Hịch văn thân” không chỉ dừng lại ở ý tưởng nữa, mà đã được Mai Xuân Thưởng hành động để hiện thực hóa nó.
Một điều đáng lưu tâm là qua một số tư liệu cho thấy, việc mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng Cần Vương Bình Định không chỉ dừng lại ở việc phản ánh vai trò của Mai Xuân Thưởng về việc liên kết lực lượng và góp phần thúc đẩy phong trào Cần Vương ở các tỉnh Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ phát triển. Trong báo cáo của Trần Bá Lộc gửi Giám đốc Nha Nội chính Nam Kỳ ngày 17/5/1887 nêu rõ “Mai Xuân Thưởng, thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa ở Nam Trung Kỳ kéo dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận”[6]. Báo cáo của Công sứ Bình Định Lemire ngày 15/1/1887 cho biết Mai Xuân Thưởng là “thủ lĩnh quân nổi loạn ở Bình Định và Phú Yên”[7]. Thậm chí, khi Mai Xuân Thưởng bị giam giữ tại thành Bình Định để chờ ngày hành hình, ông được người Pháp mô tả như một huyền thoại có sức ảnh hưởng khắp vùng Nam Trung Kỳ: “Việc hành hình một thủ lĩnh nổi loạn, kẻ đã từng là linh hồn của cuộc nổi dậy, đã gây ra một tiếng vang trong vùng. Các quan lại từ các tỉnh đổ về Bình Định để thỏa mãn sự ngưỡng mộ của mình và chiêm ngưỡng dung nhan người đã từng làm cho họ run sợ”[8]. Theo như mô tả của những tài liệu này thì tầm ảnh hưởng của Mai Xuân Thưởng rất lớn, ông không chỉ là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định, mà là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ, kéo dài một dải từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Bình Thuận. Dựa trên những tư liệu này và từ việc suy luận về án lăng trì mà chính quyền thực dân phong kiến kết tội cho Mai Xuân Thưởng, tác giả Võ Nguyên Phong đã khẳng định Mai Xuân Thưởng có tầm ảnh hưởng khắp khu vực Nam Trung Kỳ và đảm nhận vai trò là “thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương phía nam Trung Kỳ, kéo dài từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận ở những năm 1885 - 1887”[9].
Chúng tôi cho rằng những tài liệu trên khá tin cậy, bởi đó là những báo cáo của những con người tham gia trực tiếp vào việc đàn áp phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ và tỉnh Bình Định. Đặc biệt là báo cáo của Trần Bá Lộc, người trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định và vây bắt Mai Xuân Thưởng. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu và thu thập thêm những tài liệu khác để minh chứng rõ cho nhận định này. Bởi vì một khi đi đến khẳng định vai trò “thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ” của Mai Xuân Thưởng, việc “định vị” vị trí, vai trò của nhân vật lịch sử này trên “bản đồ” Cần Vương cuối thế kỷ XIX sẽ có sự thay đổi lớn. Hơn nữa, qua nghiên cứu, chúng ta thấy rõ được mối liên hệ giữa cá nhân Mai Xuân Thưởng và lực lượng Cần Vương Bình Định với các tỉnh khác ở Nam Trung Kỳ. Thế nhưng, mối liên hệ giữa Mai Xuân Thưởng với các thủ lĩnh Cần Vương ở các tỉnh Nam Trung Kỳ như Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam), Lê Trung Đình, Nguyễn Bá Loan (Quảng Ngãi), Lê Thành Phương (Phú Yên), Trịnh Phong, Trần Đường (Khánh Hòa), Cao Hành, Hương Xương (Bình Thuận)... có phải là mối quan hệ giữa thủ lĩnh tối cao của cả khu vực với thủ lĩnh địa phương, giữa người chỉ huy tối cao với một thuộc tướng hay không? Điều này cần được nghiên cứu thêm và cần có sự trao đổi với nhà nghiên cứu về phong trào Cần Vương ở các địa phương thuộc khu vực Nam Trung Kỳ.

Chủ tịch HĐ họ Mai BĐ Mai Thanh Thắng (người đeo cà vạt) đón tiếp đại biểu dự Hội thảo
3. Kết luận
Từ những phân tích trên đã có thể khẳng định được rằng, Mai Xuân Thưởng không chỉ có vai trò to lớn đối với phong trào Cần Vương ở tỉnh Bình Định, mà còn có vai trò, đóng góp cho phong trào Cần Vương ở khu vực Nam Trung Kỳ và cả nước. Sẽ không quá nếu chúng ta khẳng định rằng, Mai Xuân Thưởng là một trong những thủ lĩnh tiêu biểu trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của Mai Xuân Thưởng đối với lịch sử địa phương, lịch sử khu vực và lịch sử dân tộc tộc sẽ luôn được khắc ghi bởi các thế hệ sau này.
Dầu vậy, để làm sáng rõ hơn nữa vai trò của Mai Xuân Thưởng đối với phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ và cả nước, cần phải tiếp tục hoạt động thu thập và đối sánh tư liệu, làm rõ mối quan hệ giữa ông với các thủ lĩnh cùng thời ở các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Kỳ.
NVP &TTD
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo ngày 15/5/1887 của Trần Bá Lộc, Hồ sơ số 24697, Phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II.
2. Báo cáo ngày 15/1/1887 của Công sứ Bình Định Lemire, Hồ sơ số 24697, Phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II.
3. Phan Văn Cảnh (1994), “Các dân tộc thiểu số với phong trào Cần Vương ở Bình Định 91885 - 1887), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4 (275), tr.60 - 63.
4. Phan Văn Cảnh (2005), Phong trào Cần vương ở Bình Định (1885 -1887), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. George Durrwell (1911), EM. Tran Ba Loc Tong doc de Thuan Khanh, Machère Cochinchne, trente années d’impressions et de souve-nirs, fevrier 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris.
6. Charles Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên từ 1885 – 1887 (Theo những nguồn tài liệu Pháp)”, Tạp chí NCLS, số 6 (207), tr.33 - 50.
7. Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định - Phú Yên - Quảng Ngãi năm 1887 của Tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc, Hồ sơ số 24697, Phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II.
8. Vũ Thanh Sơn (2013), Nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
9. Võ Nguyên Phong (2023), “Anh hùng Mai Xuân Thưởng (1859-1887) với phong trào Cần vương Nam Trung Kỳ”, Tạp chí Xưa và Nay, số 549, tr.13-20.
10. Nguyễn Phan Quang (1995), Việt Nam cận đại - Những sử liệu mới, Tập I, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó có câu: “Đạo trạng vua tôi mình dám quản, Oán hờn người Pháp có đâu vơi”.
Thực tế lịch sử cho thấy, ngoài các đội quân người Kinh, còn có một số đội quân người Ba Na, H’rê ... được mang tên “Sơn hùng”, “Sơn dũng” đã trở thành lực lượng xung kích trong các trận chiến đấu với thực dân Pháp ở cả tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi. Xem thêm Phan Văn Cảnh, “Các dân tộc thiểu số với phong trào Cần Vương ở Bình Định 91885 - 1887), Tạp chí NCLS, số 4 (275), tháng 7-8, 1994, tr.60-63.
Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên từ 1885 – 1887 (Theo những nguồn tài liệu Pháp)”, Tạp chí NCLS, số 6 (207), tháng 11-12, 1982, tr.33-50.
Theo số liệu thống kê của người Pháp, tại tỉnh Bình Định có đến 1.723 thủ lĩnh nghĩa quân (1.341 thủ lĩnh quân sự và 382 thủ lĩnh dân sự). Còn theo con số của Trần Bá Lộc nêu trong Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định - Phú Yên - Quảng Ngãi năm 1887 tại tỉnh Bình Định có 167/264 thủ lĩnh, phần lớn trong đó là các hương hào, kỳ mục, lý trưởng, chánh tổng, tri huyện. Xem Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên từ 1885 – 1887 (Theo những nguồn tài liệu Pháp)”, Tạp chí NCLS, số 6 (207), tháng 11-12, 1982, tr.33-50 và Sổ đầu mục quân ngụy Bình Định - Phú Yên - Quảng Ngãi năm 1887 của Tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc, Hồ sơ số 24697, Phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II.
Những sự kiện liên quan đến việc Mai Xuân Thưởng chỉ đạo lực lượng nghĩa quân Cần vương Bình Định mở rộng hoạt động sang các tỉnh khác thuộc khu vực Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ được mô tả trong các công trình nghiên cứu của các tác giả Charles Fourniau, Dương Kinh Quốc, Nguyễn Phan Quang, Phan Văn Cảnh, Võ Nguyên Phong...
Báo cáo ngày 15/5/1887 của Trần Bá Lộc, Hồ sơ số 24697, Phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II.
Báo cáo ngày 15/1/1887 của Công sứ Bình Định Lemire, Hồ sơ số 24697, Phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II.
George Durrwell, EM. Tran Ba Loc Tong doc de Thuan Khanh, Machère Cochinchne, trente années d’impressions et de souve-nirs, fevrier 1881-1910, La Renaissance du livre, Paris, 1911, tr.277.
Võ Nguyên Phong, “Anh hùng Mai Xuân Thưởng (1859-1887) với phong trào Cần vương Nam Trung Kỳ”, Tạp chí Xưa và Nay, số 549, 2023, tr.13-20.