Họ Mai Bình Địnhhttp://homaibinhdinh.vn/uploads/icon-homai.png
Thứ sáu - 31/05/2024 20:18690
Hội thảo Khoa học về Mai Xuân Thưởng, nhà nghiên cứu Cù Thị Dung trình bày tham luận do Cù Thị Dung và Trường Thành (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II) biên soạn. Ban Biên tập trang Thông tin điện tử họ Mai Bình Định xin trân trọng giới thiệu đến độc giả
Diễn giả Cù Thị Dung
MỘT VÀI VẤN ĐỀ CỦA PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG (1885-1887) TẠI BÌNH ĐỊNH
QUA NGUỒN TÀI LIỆU ĐƯƠNG THỜI Cù Thị Dung – Trường Thành
Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Cuộc khởi đầu của phong trào Cần Vương Bình Định Qua biến cố kinh thành Huế vào ngày 05.7.1885, vua Hàm Nghi cùng quần thần đã rời bỏ kinh thành Huế để kháng chiến. Đoàn xa giá đến Sơn phòng Tân Sở ở Quảng Trị, tại đây vua Hàm Nghi đã ban dụ Cần Vương lần thứ nhất (13/7/1885).[1] Hưởng ứng lời kêu gọi, suốt một dải Trung Kỳ, làn sóng kháng Pháp do lực lượng Văn thân lãnh đạo ở các tỉnh ngày càng dâng cao. Ở địa phương, phong trào Cần Vương được nổ ra đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 13.7.1885, lực lượng Văn thân chiếm tòa thành tỉnh và lan rộng ra khắp Quảng Ngãi với phương châm bình Tây sát Tả. Tỉnh Bình Định kế bên, phong trào có lẽ bắt đầu từ ngày 20.7.1885[2] ở huyện Phù Mỹ và cũng lan ra toàn tỉnh,[3] nhiều giáo xứ bị tấn công và hủy diệt, các cơ sở công giáo lớn như Làng Sông, Gò Thị bị phá hủy vào ngày 03-04.8.1885. Ngày 02.8.1885,[4] giáo dân vùng Phù Mỹ cùng linh mục Hamon chạy đến thành tỉnh Bình Định, quan tổng đốc Lê Thận đã đón đoàn vào trước khi cho họ lên đường về Quy Nhơn, nơi hàng ngàn giáo dân đang tập trung dưới sự bảo vệ của lãnh sự Pháp tại đây. Nói thêm về khu lãnh sự Pháp tại Quy Nhơn, đó là một vùng nhượng địa có diện tích khoảng 2,5ha nằm sát bờ biển, được lập theo hiệp ước năm 1874. Người Pháp chính thức có mặt vào ngày 01.11.1876 và xây dựng nhiều công trình tại đó, nổi bật là tòa công sứ xây dựng vào năm 1878 và có thể là công trình xây dựng của Pháp thuộc nhóm sớm nhất ở Trung Kỳ.[5] Theo một bức điện tín vào ngày 08.8.1885, thông tin được cung cấp bởi J. M. Geffroy, người vừa đến Sài Gòn cho biết tình hình tại đây: “Vài giờ sau (ngày 5.8), chúng tôi vào cảng Quy Nhơn, Tòa giám mục và chủng viện Làng Sông trở thành một biển lửa mênh mông, một số giáo xứ xung quanh bị đốt cháy cùng lúc. Trên đất liền, bãi biển đầy rẫy những người theo đạo Thiên chúa, hơn 8.000 người đã trú ẩn xung quanh vùng nhượng địa”.[6] Ngày 03.8.1885, đoàn Văn Thân của huyện Phù Mỹ lên đến con số 2.000 người, tuần hành đến tòa thành Bình Định và án sát sứ Nguyễn Duy Cung đã gia nhập đoàn. Khi các Văn Thân bao vây tòa thành Bình Định, tổng đốc Bình Phú là Lê Thận đã xuất hiện dùng lời lẽ đầy mưu mẹo nhưng vẫn ẩn ý dọa nạt, đã làm nao núng tinh thần các Văn Thân. Nghĩa quân Cần Vương nằm trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khi tổng đốc Lê Thận cho rằng ông ta đang bảo vệ tài sản vua Hàm Nghi, người đang lánh nạn quân Pháp.[7] Chính vì vậy mà quân Cần Vương đã không tấn công tòa thành do tổng đốc Lê Thận cầm đầu, hãy nghe những thông tin từ Bình Định mà triều đình được báo cáo từ chính tổng đốc Lê Thận: “Đến đây Tổng đốc là Lê Thận tâu nói: Đã họp văn thân quan viên trong hạt ấy hiểu dụ. Bọn ấy đều đã tản về, xin nên rộng tha, cho yên sự phản trắc”.[8] Tuy nhiên theo thời gian sau đó, nghĩa quân đã nhận ra bộ mặt thật của tổng đốc Lê Thận, ông ta có tư tưởng thân Pháp và quân Cần Vương đã tấn công tòa thành về sau. Quãng thời gian này, phong trào Cần Vương tại Bình Định ngày càng lớn mạnh, nhiều đoàn nghĩa quân tham gia, nhiều thủ lĩnh Văn Thân xuất hiện. Với quy mô ngày càng lớn và dần kiểm soát các cấp chính quyền bên dưới toàn tỉnh, lực lượng Cần Vương ở Bình Định đã ra chỉ thị cho toàn dân tại tỉnh Bình Định: “Ở xa cũng như ở gần, mọi người đều nên trang bị cho mình một cây giáo tre. Các thôn ven đường phải chuẩn bị sẵn muối và nước cho quân đội. Vào ngày 26 âm lịch, các chiến binh phải lên đường không được chậm trễ. Hãy mang theo trống lớn trống nhỏ”.[9] Như vậy vào ngày 26.6 âm lịch (06.8.1885), lực lượng Cần Vương được huy động với hàng chục nghìn người, đã tổ chức vây thành và yêu cầu quan lại nộp thành. Chỉ huy lực lượng là một quan võ (chef militaire Huong-lô),[10] đó chính là quan Đào Doãn Địch, với hàm Hường Lô Tự Thiếu Khanh.[11] Vì lo sợ quân Cần Vương chiếm tòa thành, tổng đốc Lê Thận đã viết thư cầu cứu quân Pháp ở Quy Nhơn và xin ứng cứu vào lúc 8 giờ sáng ngày 07.8.1885. Đến giờ hẹn hoàn toàn không thấy bóng dáng quân Pháp, lá thư đã bị quân Cần Vương bắt giữ, Lê Thận lúc này lo sợ bị bắt. Quả đúng vậy, dưới sức ép của quân Cần Vương bao vây tòa thành càng chặt, tổng đốc Lê Thận đã ra lệnh cho lính bắn vào đoàn biểu tình. Lúc này án sát sứ Nguyễn Duy Cung từ bên ngoài đã kêu gọi binh lính buông bỏ vũ khí, không bắn vào đoàn biểu tình và mở cửa thành. Quân Cần Vương ào vào bắt tổng đốc và giam lỏng vào Quan xá phía cổng Đông và chờ vua xét xử.[12] Lúc này quân Cần Vương đã ra chỉ thị ban bố khắp toàn tỉnh Bình Định: “Một cáo thị của các văn thân được gửi đi khắp nơi, ở miền Bắc và miền Nam, ra lệnh chuẩn bị những thẻ bài để mọi người mang theo bên mình. Tất cả các làng sẽ phải tuân thủ. Mỗi thẻ bài sẽ được đánh dấu bằng một con dấu. Tại các đồn, trên đường, khi bị thẩm vấn, chiếc thẻ bài được đưa ra sẽ dùng làm thẻ thông hành. Bất cứ ai không có dấu trên thẻ bài sẽ bị coi là người ủng hộ những người theo đạo Thiên chúa và bị trừng phạt bằng cái chết”.[13] Thông tin từ Bình Định đến triều đình vẫn đúng như vậy, triều chính đang do hoàng thân Thọ Xuân Vương Miên Định nhiếp chính, chính quyền tỉnh Bình Định hoàn toàn tan rã và lực lượng quân Cần Vương đang làm chủ: “Tháng trước thân hào tỉnh ấy cũng nghe hành tại có dụ Cần vương, mưu dấy quân, bèn họp đem những lính Kinh tan về và lính dõng ở dân, đốt phá nhà đạo, dìm giết giáo dân, rồi đem binh dân ước hơn vạn người, quanh tới tỉnh thành, yêu cầu cấp cho khí giới (đã bách giám Đốc thần là Lê Thận lại cho về dinh), ngụy đặt những danh mục đề đốc, tham tán, lại đi khắp trong hạt giết dân giáo, mộ lính dõng, nói phao lên tiến đánh quân Pháp ở cửa Thi Nại”.[14] Trước tình hình quân Cần Vương tại Bình Định ngày càng lớn mạnh và có nguy cơ sớm đánh chiếm khu nhượng địa Quy Nhơn, tướng De Courcy đã quyết định dừng tổ chức lễ đăng quang[15] cho vua Đồng Khánh ở Huế vào ngày 25.8.1885 và khẩn cấp lập một quân đoàn viễn chinh để tấn công, thu hồi thành Bình Định, nhằm kiểm soát tình hình.[16] Trước đó vào khoảng giữa tháng 8, người Pháp đã gửi 100 quân tiếp viện đến khu nhượng địa Quy Nhơn, tuy nhiên số quân tại Quy Nhơn là quá ít để chống lại phong trào khởi nghĩa ngày càng lan rộng.[17] Ngày 28.8.1885, tướng Prudhomme lên đường cùng khâm sứ De Champeaux, 3 vị thượng thư Nam triều và quân đoàn viễn chinh trên các tàu chiến Lutin, Hugon, Lion, Lutin, Brandon và Plurier. Thậm chí tướng tổng tư lệnh De Courcy đã cùng tùy tùng đi trên tàu chiến La Clochetterie cũng đến Quy Nhơn.[18] Sự quan trọng của Quy Nhơn và phong trào mạnh mẽ ở Bình Định buộc người Pháp dồn nhiều công sức vào, hai tướng chỉ huy cao nhất của Trung Kỳ và Bắc Kỳ đều đến Quy Nhơn cùng với một lực lượng hơn 600 quân.[19] Ngày 29.8.1885, toàn bộ quân đoàn viễn chinh tập trung tại vịnh Quy Nhơn, sẵng sàng tấn công và thu hồi tòa thành tỉnh Bình Định, nơi quân Cần Vương đang làm chủ và cách Quy Nhơn khoảng 20km về phía tây bắc. Trước tình hình đó, quân Cần Vương do Đào Doãn Địch chỉ huy gấp rút tổ chức xây dựng các phòng tuyến đánh chặn địch trên tuyến đường quan dẫn từ Quy Nhơn về tòa thành, nay là tuyến đường Đào Tấn – Nguyễn Huệ ở huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Phòng tuyến thứ nhất nằm ở khu vực làng Phong Đăng, tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, ngày nay là thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Đây là vị trí khá chiến lược chặn đường quan lộ, với quả đồi cao khoảng 90m nằm bên sông Lò Vôi tại cầu Trường Úc, điểm đặc biệt ở đây là có nhiều lò vôi, nên các ghi chép mô tả đương thời đều nhắc đến. Thậm chí đến năm 1887, khi Paris Camile vào xây dựng tuyến điện báo dọc đường quan, ông ta vẫn còn nhìn thấy nhiều lò vôi tồn tại và cả toà đồn trên mỏm ngọn đồi này.[20] Vì xây dựng gấp gáp nên các công trình phòng thủ khá tạm bợ, chủ yếu là các công sự có đặt trọng pháo. Phòng tuyến thứ 2 nằm ở khu vực thôn Đại Lộc, tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, nay là thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Đây là vị trí nơi tuyến đường quan tách ra từ đường thiên lý để đi về Quy Nhơn, vị trí đường băng qua Cầu Đỏ trên sông nhỏ trước đồi Tam Tháp. Đây là ngọn đồi cao khoảng 90m có vị trí chiến lược, án ngữ lối về thành Bình Định và khống chế cả hai cây cầu: Cầu Bà Gi và Cầu Đỏ, vị trí này quân Cần Vương chỉ bố trí một khẩu pháo. Ngày 01.9.1885, quân viễn chinh quyết định đổ bộ từ hạm đội và chia làm 2 cánh quân. Tướng De Courcy dẫn một cánh quân đi về phía đông bắc núi Khố Sơn (nay là núi Bà Hỏa trong thành phố Quy Nhơn), tướng Prudhomme dẫn một cánh quân đi về phía tây nam núi Khố Sơn và băng qua núi Công (montagne des Paons) có đầm nước cạn (nay là đầm Phú Hòa).[21] Hai cánh quân Pháp gặp nhau tại vị trí Cầu Đôi, tại đây quân Cần Vương đã anh dũng dùng gươm giáo tấn công quân Pháp. Dưới sức mạnh khí tài của quân Pháp, quân Cần Vương nhanh chóng thất bại: “Quả thật, cách Qui Nhơn 6km, chúng tấn công vào hai cánh quân của chúng tôi, tuy nhiên cuộc tấn công chỉ kéo dài tầm 20 phút đã gặp phải đạn bắn đáp trả tàn khốc, quân địch chạy trốn bỏ lại người chết và bị thương”.[22] Như đã biết, nghĩa quân Cần Vương chủ yếu họ sử dụng giáo tre, loại vũ khí phổ biến lúc này, họ chưa kịp rèn vũ khí khác. Quân Pháp tiếp tục hành quân và họ đang đứng trước làng Phong Đăng, nơi có nhiều lò vôi đến mức con sông được gọi là sông Lò Vôi, có ngọn đồi cao án ngữ phía đông với nhiều công sự dã chiến: “Đội quân sớm dừng lại trước một ngôi làng lớn có nhiều công trình dã chiến, với những khẩu pháo lạc hậu và được bảo vệ bởi một lực lượng được trang bị giáo mác, súng bắn đá, các khẩu súng trường hiếm hoi là quà tặng của nước Pháp cho vua Tự Đức. Các vị trí chiến đấu nhanh chóng được thiết lập, pháo binh bắn phá vào ngôi làng, trong khi một tốp lính thủy đánh bộ tủa ra từ những con đường mòn, mở một đợt tấn công bọc hậu. Người An Nam bị bao vây giữa hai làn đạn, chạy tán loạn, để lại hàng trăm xác người dưới đất. Tuy nhiên trong lúc chạy trốn, họ đã ném hàng trăm hỏa tiễn đang cháy, nổ tung ra như một chùm pháo hoa trên không trung. Bên phía chúng ta không có người nào bị trúng đạn”.[23] Ở diễn biến này, theo hồi ký của tướng Prudhomme đã nhầm, ông ta cho rằng quân Pháp bắt gặp phòng tuyến nằm ở ba ngọn tháp Khmer trước rồi mới đến phòng tuyến có lò vôi và gần huyện lỵ Chui-phuoc (Tuy Phước). Thực tế như hành trình chúng ta đã biết, họ phải qua khu vực có lò vôi trước khi đến đồi Tam Tháp nằm ở gần tòa thành. Có vẻ sau 15 năm, những ký ức của tướng Prudhomme không thể chuẩn xác bằng những tài liệu đương thời và chi tiết này là ví dụ, cho dù tướng Prudhomme là người trực tiếp chỉ huy đoàn quân. Tại đây một trận chiến nổ ra khốc liệt, thế mạnh của phân đội pháo binh với những khẩu sơn pháo 80mm, quân Pháp cày nát khu vực trước khi bộ binh đổ bộ và cùng kết hợp chiến thuật đánh bọc hậu nổi tiếng. Quân Cần Vương nhanh chóng thất thủ sau 2 giờ chiến đấu, tướng chỉ huy trưởng cho biết khí tài quân Cần Vương rất kém: “Trong số hàng ngàn phiến quân linh-tap chủ yếu dùng giáo, mác, đinh ba, kiếm và dao, có một số lượng rất ít được trang bị súng trường loại kém. Sự vượt trội về vũ khí của chúng ta nhanh chóng mang lại cho chúng ta lợi thế”.[24] Có vẻ quân Pháp qua đêm ngay ở làng này và rạng sáng ngày 02.9.1885, họ lên đường hướng về tòa thành Bình Định. Dọc đường nhiều toán nhỏ nghĩa quân Cần Vương tấn công nhưng như đã biết, khí tài quá lạc hậu đã nhường chỗ cho quân Pháp. Và trước mặt chúng là cụm phòng ngự Tam Tháp, chốt chặn vị trí cây cầu đi về tòa thành Bình Định : “Vào sáng ngày 2 tháng 9, đội quân rời trại và tiếp tục hành quân đến tòa thành Bình Định, mục tiêu của họ. Quân tiên phong bắn súng để đẩy lùi vài toán lính, vốn đang chạy tán loạn. Chúng tôi bắn đại bác trong vòng 15 phút vào một đội pháo không được trang bị nhiều vũ khí, nằm trên núi Tour, nơi mà không lâu sau đó đã xảy ra một cuộc chạm trán nhỏ”.[25] Trận chiến kết thúc lúc 10 giờ ngày 02.9.1885, quân Pháp dừng nghỉ để trọn ngày 03.9.1885 sẽ tấn công thành Bình Định, vị trí chỉ cách đó khoảng 4km về phía tây bắc. Ngay trong đêm, các nghĩa quân Cần Vương đã tổ chức tấn công các toán quân tiên phong là lính tập Bắc Kỳ, những đội quân bản địa chuyên làm nhiệm vụ dọn đường của người Pháp, tuy nhiên hiệu quả tấn công của nghĩa quân không có vì sức mạnh vũ khí hiện đại vẫn chiếm ưu thế. Rạng sáng lúc 5 giờ ngày 03.9.1885, quân Pháp tiếp tục hành quân về tòa thành với nhiều thiết bị công thành của lực lượng công binh như thang, giàn leo, cầu vượt,… được đưa lên trước. Tuy nhiên lúc này tổng đốc Lê Thận đã mở toang cửa đầu hàng và đón quân Pháp vào thành. Có vẻ vì tòa thành phòng thủ rất yếu và quân Cần Vương lại không nhiều người biết tác chiến nên tòa thành hầu như không có sự kháng cự nào: “Quân đội đóng trong thành, nơi được canh gác bằng những khẩu đại bác tồi tàn, hư hỏng và không còn sử dụng được, bị hất nhào xuống dưới hào thành đầy nước và bị thay thế bằng những khẩu đại pháo của chúng ta trên tường thành, số lượng ít hơn nhiều nhưng rất hiệu quả”.[26] Quân Pháp vì lực lượng không mạnh nên không dám truy đuổi xa mà chỉ ở gần khu vực tòa thành. Quân Cần Vương của thủ lĩnh Đào Doãn Địch rút về phía tây và chiếm lĩnh vùng núi Bình Định. Sau quãng thời gian 5 ngày lưu lại thành, quân Pháp tổ chức đàn áp và giết hại các thủ lĩnh Cần Vương mà chúng bắt được, đến ngày 09.9.1885 quân Pháp để lại một phân đội giữ thành Bình Định, phần chính còn lại rút về Huế. Từ đó quân Cần Vương ngày càng mở rộng vùng kiểm soát và vươn ra toàn tỉnh, nhiều cuộc chiến lớn đã xảy ra giữa nghĩa quân Cần Vương và chính quyền thân Pháp. Điển hình như trận đánh vào tháng 11 âm lịch (06.12.1885-04.01.1886) vào đồn Lỗ Thục (mà chính sử gọi là Lão Thuộc) thuộc Định Phòng của hệ thống Nghĩa Định Sơn phòng.[27] Đây là cứ điểm mạnh nhất của quân đội triều Nguyễn tại Bình Định với nhiều cơ quân trú đóng, bắt viên đề đốc Đinh Hội cùng tùy tùng gia nhập nghĩa quân với các hàm tổng đốc, đề đốc và lãnh binh.[28] Về phần các nhân vật chính tham gia cuộc phòng giữ và tấn công tòa thành Bình Định, khá nhiều số phận khác nhau. Với viên tổng đốc Lê Thận, tuy một lòng phục tùng như vậy nhưng người Pháp lại hoàn toàn không tin tưởng ông ta, một mô tả của chính tướng Prudhomme: “Vị tướng ở lại đó năm ngày, từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 9, nhằm tái lập trật tự trong tỉnh với sự hỗ trợ của ông Ranchot, người từng cư trú ở đó, các quan thượng thư từ Huế về và viên tổng đốc, mặc dù vai trò của người này cũng hơi khả nghi”.[29] Đến tháng 9 âm lịch (08.10-06.11.1885), vì không được người Pháp tin cậy, tổng đốc Lê Thận đã bị triều đình bãi chức tổng đốc: “Bấy giờ, Khâm sứ Pháp bàn rằng thự đốc Bình Định là Lê Thận, trước đã bị bọn giặc bức giam; gần đây ở lại lỵ sở cũ, quý quan hiện đóng ở tỉnh ấy, cũng không bằng lòng. Lê Tiến Thông từng làm Tuần phủ Hải Dương, giao thiệp rất quen, nên cho viên ấy quyền lĩnh Tổng đốc tỉnh ấy, còn Lê Thận thì nên rút về, để khỏi ngại khác. Cho nên vua chuẩn cho theo lời bàn ấy”.[30] Thậm chí sau đó 3 tháng, đến tháng 12 âm lịch ông ta đã bị cho hồi hưu sau khi kỷ luật giáng 2 cấp: “Chuẩn cho Thị lang nguyên lĩnh Tổng đốc Bình Định, Phú Yên là Lê Thận giáng 2 cấp, mang theo hàm mới về quê hưu dưỡng”.[31] Sau khi bình định xong tòa thành, quân Pháp tổ chức truy sát các thủ lĩnh Văn Thân tham gia phong trào và chúng đã hành hình 3 thủ lĩnh Văn Thân mà chúng bắt được: “Đại thủ lĩnh Pháp sai lính đến đốt cháy huyện Phù Mĩ, bắt lấy quan huyện Phù Cát, quan thanh tra Văn sĩ,[32] Quan án. Ông ta nói: Cả ba người sẽ bị xử bắn, chúng ta hãy đào lỗ và chôn họ”.[33] Trong ba người thủ lĩnh Văn Thân bị hành quyết, chúng ta chưa biết quan huyện Phù Cát và thanh tra Văn sĩ, cần tiếp tục nghiên cứu sâu về thân thế hai người anh hùng này. Vị thủ lĩnh còn lại là Quan án, đó chính là án sát sứ Nguyễn Duy Cung (1839-1885). Ông là người làng Vạn Tượng, tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nay thuộc xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi. Nguyễn Duy Cung cùng em trai Nguyễn Tấn Phó thi đỗ cử nhân khoa thi năm Mậu Thìn (1868),[34] là một trong những danh sĩ đất Quảng. Trong quá trình bị tạm giam chờ ngày hành hình, Nguyễn Duy Cung đã cắn ngón tay, lấy máu viết bài hịch Huyết lệ tâm thư (còn có tên gọi khác là Bình thành cáo thị, Hịch kêu gọi chống Pháp) bằng chữ Hán trên vạt áo trắng. Đó là một hình ảnh một thủ lĩnh Văn Thân đầy tiết tháo và can trường, oai phong và lẫm liệt của kẻ sĩ trước bạo quyền, sẵng sàng xả thân vì nghĩa lớn, bài hịch có những câu: “Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa; Không làm người đeo mặt ngựa đầu trâu”.[35] Căn cứ ngày kỷ niệm giỗ của gia tộc Nguyễn Duy ở làng Vạn Tượng, được cháu đích tôn đời thứ 6 của Nguyễn Duy Cung cho biết vào ngày 12.8 âm lịch hàng năm, cho chúng ta một suy luận, ba người anh hùng đã hy sinh vào ngày 13.8 âm lịch (21.9.1885). Như vậy có thể kết luận vào ngày 21.9.1885, quân Pháp đã hành quyết 3 thủ lĩnh Văn Thân đầu tiên tại thành Bình Định. Về phần thủ lĩnh Đào Doãn Địch, sau khi cùng nghĩa quân Cần Vương rút về phía tây, ông đã mất ngay sau đó. Căn cứ thông tin từ gia tộc họ Đào ở Phú Phong cho biết ngày mất của ông là 19 tháng 9 Ất Dậu (1885), có thể đây là ngày dương lịch, quy đổi theo âm lịch là ngày 11.8 năm Ất Dậu (1885). Thời gian thủ lĩnh Đào Doãn Địch mất là phải vào tháng 8 âm lịch, xác định điều này bởi căn cứ vào chính sử cho biết: “Sau phòng sứ ấy phái đi dò xét tỉnh Bình Định: Tên thủ xướng là Đào Doãn Địch đã ốm chết từ ngày tháng 8”.[36] Cũng cần biết thêm với người miền Trung, lễ kỷ niệm ngày mất thường tổ chức trước một ngày, mà trường hợp anh hùng Mai Xuân Thưởng với ngày giỗ trước một ngày mất là điển hình. Vì vậy ngày mất của thủ lĩnh Đào Doãn Địch cần thảo luận thêm để xác định chuẩn xác ngày ông mất. Sau khi thủ lĩnh Đào Doãn Địch mất, dường như quyền chỉ huy được trao cho Mai Xuân Thưởng, lúc này ông chỉ 26 tuổi nhưng đã rất nổi tiếng về tài năng và đầy uy quyền với nghĩa quân. Nhận xét điều này bởi căn cứ vào lời khai của thủ lĩnh Lê Khảnh về sau trong hồ sơ lưu trữ, cho thấy ngay trong tháng 11 năm 1885, thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng đã phong cho Lê Khảnh chức Nhiếp binh: “Trong tháng thứ 1 năm Ất Dậu (tháng 11 năm 1885) năm Đồng Khánh, Mai Xuân Thưởng là Tổng trấn quân nổi dậy, đã bổ nhiệm ông ta làm Nhiếp binh”.[37] Qua chi tiết này có thể nhận thấy ngay sau khi thủ lĩnh Đào Doãn Địch mất, thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng đã nắm quyền chỉ huy nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định, chỉ sau 2 tháng đã thấy Mai Xuân Thưởng phong chức cho thủ lĩnh Lê Khảnh (một thủ lĩnh của quân Cần Vương Bình Định về sau còn lên hàm lãnh binh). Một Mai Xuân Thưởng phục hưng triều đại Tây Sơn? Những cánh quân từ phía Nam của Trần Bá Lộc, từ phía Bắc của Nguyễn Thân cùng viên trung tá Dumas, chỉ huy quân sự vùng XV, đã bình định tỉnh Bình Định từ đầu năm 1887. Lần lượt các thủ lĩnh nghĩa quân bị bắt hoặc quy hàng, đặc biệt sau cuộc mít tinh quy phục vào ngày 12.4.1885 tại thành Bình Định,[38]gần như phong trào Cần Vương ở Bình Định hoàn toàn tan rã. Số ít các thủ lĩnh còn lại không chịu quy phục hoặc chưa bị bắt đã chống trả quyết liệt như Lê Khảnh, Bùi Điền và đặc biệt là Mai Xuân Thưởng. Anh hùng Mai Xuân Thưởng đã không từng nộp mình cho giặc như truyền thuyết lâu nay, thậm chí ông còn hiên ngang đối diện kẻ thù, hoặc chiến thắng hoặc bị bắt mà không hề trốn chạy. Hãy cùng xem một lời tường thuật của phóng viên Saint-Rodde:[39] “Mai Xuân Thưởng không muốn đầu hàng, cũng không muốn đến lánh nạn ở những ngôi làng nói trên. Với một tầm nhìn cao cả xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ, anh ta đã cân nhắc, và anh ta thường nói với tôi như vậy, rằng các thủ lĩnh cấp dưới có thể đầu hàng. Chính anh ta đã khuyên họ hãy quy hàng trong những ngày cuối cùng, nhưng anh ta, đại diện tối cao của chính nghĩa, anh ta phải chiến thắng hoặc bị bắt. Và anh ta chỉ quanh quẩn trong những ngôi làng gần với đồn bốt của chúng ta nhất, với sự ngoan cố của một kẻ theo chủ nghĩa định mệnh, thậm chí không còn muốn chiến đấu và chờ đợi đến giờ chết, điều mà anh ta đoán đã gần kề”.[40] Và sau một thời gian truy đuổi, Trần Bá Lộc đã bắt được Mai Xuân Thưởng. Có vẻ từ lúc này, những thông tin về một hậu duệ nhà Tây Sơn của họ Mai mới được hình thành, dù trước đó các mô tả về ông cũng nhuốm màu huyền thoại nhưng chỉ mang ý nghĩa của một tài năng lớn: “Mai Xuân Thưởng mới 28 tuổi; đối với một số người An Nam, anh ta chính là người được ông trời ban xuống và phải lên làm vua; đối với những người khác, anh ta chỉ được làm quan chính của triều nhà Lê (hoàng tộc cũ) ở Bắc Kỳ. Vì vậy, các quan đã cố gắng bằng mọi cách tạo ra một danh tiếng lớn về sự thánh thiện và khôn ngoan cho anh ta; ông trời, bằng nhiều điều kỳ diệu, đã chứng minh sự ưu ái của mình đối với anh ta. Một buổi sáng, người ta nhìn thấy trước cửa nhà anh ta một tổ kiến trắng; một ngày khác, những con người gan dạ đã nhìn thấy một vầng hào quang bao quanh phía trên đầu anh ta. Theo lời kể của người dân, Mai Xuân Thưởng là văn thân khéo léo nhất tỉnh; nhưng những người đáng tin cậy đã đảm bảo với tôi rằng anh ta đã dùng tiền để có được địa vị. Mặt khác, chúng ta không thể nghi ngờ những phẩm chất lỗi lạc, sự cương nghị, lòng dũng cảm, rất nhân văn và lòng yêu nước nồng nàn của anh ta”.[41] Các mô tả về mối liên hệ trực tiếp giữa Mai Xuân Thưởng và nhà Tây Sơn cho thấy mối liên hệ này là khá mờ. Theo thông tin từ gia tộc họ Mai hiện nay, cho biết người mẹ của ba anh em nhà Tây Sơn là một người họ Mai,[42]một mối quan hệ khá xa; một mô tả của Fanny Lemire (1894), con gái của Công sứ Charles Lemire, cho thấy mối liên hệ của Mai Xuân Thưởng với nhà Tây Sơn: “Một tháng sau, Mai Xuân Thưởng bị hành quyết cùng với 26 người trong số thủ lĩnh chính của anh ta. Đó là một thanh niên 28 tuổi, gương mặt thanh tú và thông minh, là một nhà trí thức giỏi, anh dũng và giàu có. Anh ta muốn phục hồi vai trò của dòng họ Nhạc mà anh ta nói đã bị sụp đổ, và đó là một đối thủ đáng gờm”;[43] theo thông tri của Tổng đốc Bình Phú gửi cho công sứ Phú Yên và chính quyền các tỉnh phía Nam thì: “Mai Xuân Thưởng bị giải ra nơi đã được chỉ định để hành quyết, đã được hỏi cung tiếp và đã khai rằng, anh ta là cháu của vua nổi loạn Nguyễn Nhạc (Tây Sơn)”.[44]Điều quan trọng này được Giáo sư Charles Fourniau dẫn lại, dựa vào những nguồn đương thời này mà Charles Fourniau (1982) cho rằng Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa vì tham vọng phục hồi nhà Tây Sơn chứ không vì phong trào Cần vương! Thậm chí Charles Fourniau (1982) còn giả thuyết về sự chia rẻ của phong trào Cần Vương tại Bình Định – Phú Yên, khi dựa trên thực tế phong trào nhanh chóng tan rã khi bị tấn công: “Từ đó người ta có thể phác thảo việc dựng lại bằng cách phỏng đoán những sự kiện. Từ tháng 8 năm 1885 Văn thân Bình Định đã nổi dậy chống lại người Pháp và giáo dân. Mai Xuân Thưởng là một trong những thủ lãnh chính và tất nhiên danh tiếng của ông đã tập hợp được đông đảo dân chúng trong vùng từ Quy Nhơn đến An Khê, những người vẫn còn trung thành với những kỷ niệm của Tây Sơn. Mặt khác, Văn thân ở các tỉnh khác đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hàm Nghi vì lòng trung thành với quân vương, lòng trung thành ấy nay hòa lẫn với chủ nghĩa yêu nước. Như vậy là có hai khuynh hướng ở trong phe kháng chiến ở Bình Định. Việc tách biệt này đã xuất hiện khá sớm chăng?”.[45] Ngoài ra Charles Fourniau (1982) còn dựa vào nguồn Đại Nam thực lục cho biết Mai Xuân Thưởng bị kết tội lăng trì,[46] trong khi các thủ lĩnh Cần vương khác không bị tội danh này, để suy đoán ý nghĩa cuộc kháng chiến của Mai Xuân Thưởng là phục hưng triều đại Tây Sơn. Hình : Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 10539, Tuy nhiên, các mô tả đương thời cho thấy tầm ảnh hưởng của Mai Xuân Thưởng đã quá rõ, ông chính là: “thủ lĩnh tối cao của quân khởi nghĩa nam Trung kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận”.[47] Theo Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Bình Định là Charles Lemire cho biết chức vụ ông là thủ lĩnh quân nổi loạn (Dong tran) ở Bình Định và Phú Yên,[48] đó là chức danh Tổng trấn mà không hề xưng vương như các phán đoán của Charles Fourniau (1982). Việc hai vị tướng lĩnh dưới quyền ông là Bùi Điền và Bùi Đản đưa quân Cần Vương tấn công chính quyền thân Pháp suốt một dải từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận, cho thấy tầm ảnh hưởng của Mai Xuân Thưởng với khu vực này là không thể phủ nhận. Chính vì là người thủ lĩnh lớn nhất của phong trào Cần Vương ở phía Nam mà Mai Xuân Thưởng đã bị xử tội lăng trì, một trọng tội bị kết án vì chống lại triều đại. Nó cũng giải thích được các thủ lĩnh ở các tỉnh khác như Hương Xương, Cao Hành (Bình Thuận), Đề Phong (Khánh Hòa), Tú Phương (Phú Yên), Cử Đình (Quảng Ngãi)… chỉ bị hành quyết mà không bị xử tội lăng trì. Thứ nữa, sự liên lạc của phong trào Cần Vương ở Bình Định với vua Hàm Nghi là thường xuyên, điều này được thể hiện qua các tài liệu đương thời. Theo lời khai của lãnh binh Lê Khảnh, ông được trao chức lãnh binh từ một quan khâm phái kinh lược của quân nổi dậy chứ không phải từ chỉ huy Mai Xuân Thưởng như chức Nhiếp binh trước đó: “vào tháng thứ 9 năm trước (10/1886), Bùi Ngọc Thọ, Khâm phái kinh lược của quân nổi loạn, đã cử ông ta đến đồn Hương Sơn để bổ nhiệm làm Lãnh binh”.[49] Một chứng cứ khác cho thấy sự liên hệ của phong trào Cần Vương ở Bình Định với vua Hàm Nghi. Đó là sự kiện Nguyễn Xuân Phong ở Nam Kỳ, ông được một người ở Bình Định mang vào trao bằng cấp và ấn triện với hàm Thống đốc Nam Kỳ Biện lý Phan vương phân ngãi Bình Tây Đại nguyên soái từ vua Hàm Nghi, qua chính lời khai của ông vào năm 1888: “Năm Bính Tuất (1886) tháng chạp ngày 20[50] có đốc binh Khoa là người ở Bình Định đem vô cho tôi một điếu sắc một cái thưởng dụ và một bộ ấn kiêng chữ Chinh tây Đại Nguyên soái quan phòng người ấy nói rằng sắc nầy của ông Tôn Thuất Thuyết lập tấu với vua Hàm Nghi cho tôi”.[51] Ngoài ra trong quãng thời gian trước khi bị hành quyết, cuộc trao đổi giữa trung tá Dumas với thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng cho thấy, sự liên lạc giữa Mai Xuân Thưởng và Tôn Thất Thuyết vẫn còn ít nhất đến đầu năm 1887, cuộc nói chuyện này được phóng viên Saint-Rodde ghi lại: “Dumas: Đã bao lâu rồi anh chưa gặp Thuyết? MXT: Khoảng bốn tháng, mọi người nói rằng ông ta đã chết, nhưng tôi không tin. Dumas: Các anh cứ tiếp tục không tin về ông ta đi”.[52] Qua những chứng cứ trên, có thể thấy phong trào Cần Vương ở Bình Định vẫn thường xuyên liên lạc với vua Hàm Nghi, và tính chính danh của phong trào Cần Vương tại Bình Định vẫn là điều không thể bàn cãi. Về việc tại sao phong trào Cần Vương ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên lại tan rã rất nhanh khi bị quân viễn chinh của Trần Bá Lộc tấn công, theo giả thuyết và sự giải thích của Charles Fourniau (1982) về việc có sự chia rẽ trong phong trào Cần Vương tại Bình Định, là đáng lưu tâm. Tuy nhiên, câu chuyện này có thể đã bị đẩy đi xa hơn thực tế rất nhiều. Chúng ta có dịp sẽ quay lại cuộc chinh phục Phú Yên và Bình Định, từ quân Nam Kỳ do Trần Bá Lộc và trung tá Chevreux chỉ huy, trong một chuyên khảo khác để làm rõ hơn. Tuy nhiên qua các tài liệu lưu trữ, chủ yếu từ Phông Thống đốc Nam Kỳ với các báo cáo, trao đổi giữa Thống đốc Nam Kỳ hoặc Giám đốc Nha Nội chính với các chỉ huy quân viễn chinh ở Bình Định và Phú Yên, cho thấy lực lượng Cần Vương ở hai tỉnh rất yếu về mặt quân sự. Đến tận thời điểm 1887 mà nghĩa quân vẫn chỉ sử dụng phần lớn các loại vũ khí thô sơ như gươm giáo, súng cá nhân rất ít và trọng pháo chỉ là những khẩu cổ lỗ sĩ lấy được từ chính quyền, cũng không loại trừ nghĩa quân là những người lính không chuyên và sự chỉ huy không tốt đã làm thực tế chiến đấu yếu hơn khả năng có thể.[53] Ngoài ra lực lượng bên quân viễn chinh, sự vượt trội về vũ khí và khả năng tác chiến đã làm cho mọi thứ trở nên đơn giản hơn với họ. Cũng không loại trừ yếu tố có sự chia rẻ từ lực lượng Cần Vương ở Bình Phú, tuy nhiên nếu có thì cũng không đáng kể, bởi sự chỉ huy cao nhất và xuyên suốt của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng ở vùng Bình Phú, thậm chí cả vùng Nam Trung Bộ, giúp chúng ta nhận thấy tính thống nhất của phong trào. Và cuối cùng, cái lý do chính để phong trào bị chia nhỏ ra, nếu có, đó là thông tin Mai Xuân Thưởng là hậu duệ nhà Tây Sơn, được hình thành như thế nào. Để tìm hiểu vì sao có thông tin, Mai Xuân Thưởng là hậu duệ của nhà Tây Sơn, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nội dung bản thông tri vụ Mai Xuân Thưởng của Tổng đốc Bình Phú vào năm 1887. Sau khi hành quyết xong các thủ lĩnh Cần Vương tại Bình Định ở đợt ngày 07.6.1887 với tổng cộng 12 người, trong đó có Đại nguyên soái Mai Xuân Thưởng, Chánh tướng Nguyễn Công Hóa, Thống chế Bùi Điền,… Tổng đốc Bình Phú là Nguyễn Hiệp đã ra một bản thông tri vào ngày 09.6.1887 và gửi cho công sứ Phú Yên và chính quyền các tỉnh phía Nam. Nội dung thông tri cho biết từ tháng 3.1887 tổng đốc Thuận Khánh là Trần Bá Lộc đã làm một bản tuyên cáo kêu gọi thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Bình Định quy hàng; thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng đã không quy hàng dù có cả sự tha thứ của hoàng thái hậu và vua ; sau khi bắt giữ và xét xử Mai Xuân Thưởng theo luật định, Mai Xuân Thưởng bị hành quyết ngày 07.6.1887 tại cửa Nam tòa thành. Trước khi ra pháp trường, được hỏi một lần nữa, Mai Xuân Thưởng đã xác nhận mình là cháu của Nguyễn Nhạc Tây Sơn. Bản thông tri cho biết thêm: “Giới cầm quyền quân sự và dân sự của hai chính quyền đã nghe thấy lời khai này. Vì vậy, lời khai này là xác thực. Từ lâu, chúng ta đã tin rằng Mai Xuân Thưởng bị Lê Thuyết[54] (Tôn Thất Thuyết) đánh lừa, người này đã tiếm quyền để làm hại dân chúng. Ngày hôm nay chúng ta đã nhận ra rằng, Mai Xuân Thưởng, giả vờ như làm mọi việc để ủng hộ Hàm Nghi, nhưng mà là hành động vì mục đích trả thù nước cho cậu của mình là quân nổi loạn Nguyễn Nhạc”.[55] Qua nội dung bản thông tri của tổng đốc Bình Phú, và đoạn trích dẫn quan trọng vừa nêu, cho thấy đó dường như là một âm mưu trong chính văn bản này. Việc áp đặt và thậm chí là bịa đặt một thông tin mới nhằm phục vụ ý đồ chính trị của nhà cầm quyền, tại sao không? Hầu như xuyên suốt các báo cáo đương thời của quân viễn chinh Nam Kỳ ở Bình Phú trước đó, chưa bắt gặp một thông tin nào về nội dung này. Trước đó, chính Trần Bá Lộc trong một thư đề ngày 22/11/1886, đã cho biết về tình hình phong trào Cần Vương tại Nam Trung Bộ: “Trong lúc này ở An Nhơn tỉnh Bình Định, các văn thân đã bầu Mai Xuân Thưởng, 27 tuổi, lên làm vua, lấy tên là Xướng Ngãi, đây là con trai của cố quan lại Bố chánh Tín; và trong tỉnh Quảng Nam, tên Phó bảng Hiệu đã tuyên bố là Tổng tư lệnh và hiện chỉ huy quân khởi nghĩa của tỉnh này”.[56] Cái tên Xướng Ngãi cho chúng ta thấy, đó là một danh xưng quy tập và kêu gọi chính nghĩa của giới Văn Thân ở Bình Định, thậm chí là Nam Trung Bộ (vì Mai Xuân Thưởng là thủ lĩnh tối cao của quân khởi nghĩa Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận). Dường như cái cách dùng từ của Trần Bá Lộc nhằm tăng thêm sự quan trọng của phong trào, mà ông ta đang muốn đến chinh phục để thỏa mãn tham vọng cá nhân,[57] đã làm Charles Fourniau (1982) và một số người khác cho rằng, Mai Xuân Thưởng xưng vương. Điều này không chỉ bắt gặp ở Mai Xuân Thưởng, mà còn được thấy ở thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu tại Quảng Nam.[58] Tuy nhiên các thông tin này hoàn toàn mang tính chủ quan của nguồn tin, đặc biệt các thông tin từ báo cáo đương thời từ Lemire, Tirant, Trần Bá Lộc đều không đề cập đến mối quan hệ này, một điều rất quan trọng. Thứ nữa, chính mối quan hệ xa với nhà Tây Sơn, là quá xa với quan điểm người Việt chúng ta, sẽ không bao giờ được đông đảo Văn Thân và nhân dân thừa nhận cho tính chính danh. Và cuối cùng, sự nhìn nhận là của chúng ta về nội dung thông tin này một cách trung thực và khách quan, sẽ làm cho góc nhìn về một phong trào chống quân xâm lược, chuẩn xác và đầy đủ hơn.
Đại biểu dự Hội thảo
Thay lời kết Qua nội dung chuyên khảo, các tác giả cố gắng đưa ra sự kiện khởi đầu của phong trào Cần Vương tại Bình Định qua các nguồn tài liệu đương thời. Hình ảnh những ngày đầu xuất hiện phong trào Cần Vương với các cuộc tuần hành nổ ra đầu tiên tại Phù Mỹ, rồi sự lớn mạnh của phong trào và sự nhận thức ngày càng cao để đến ngày 07.8.1885, thành Bình Định đã được những Văn Thân yêu nước thu phục. Cuộc chiến đấu ở những ngày đầu kháng Pháp của quân và dân Bình Định, kéo dài từ ngày 01-03.9.1885 đã đánh dấu những mốc quan trọng trong công cuộc kháng Pháp kéo dài đến tận về sau. Sự hy sinh của các thủ lĩnh Cần Vương như Nguyễn Duy Cung, các quan lại chưa biết tên tại thành Bình Định,… là những dấu hiệu lòng yêu nước ngày càng dâng cao, quân và dân Bình Định đã đáp lời hiệu triệu của vua Hàm Nghi ở ngay những ngày đầu kháng Pháp. Để đến giai đoạn cuối phong trào Cần Vương ở Bình Định, các thủ lĩnh Văn Thân tại Bình Định đã hiên ngang ra pháp trường. Đó là những sự hy sinh mang tư tưởng và ý nghĩa về lòng yêu nước trong một cuộc kháng chiến cứu nước. Cuộc kháng chiến được hình thành và phát triển từ những lời hiệu triệu của ông vua yêu nước Hàm Nghi, được tiếp nối bởi những sĩ phu và người dân yêu nước trên khắp dài đất hình chữ S, với những tấm gương cao cả tại Bình Định như Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền hay Nguyễn Công Hóa,... Đó là những sự hy sinh chưa bao giờ bị xem nhẹ. Hình ảnh một gia tộc họ Mai hiến dâng cho tổ quốc, chỉ riêng ngày 07.6.1887 với 4 người con ưu tú của họ, làm lay động bất cứ tâm can của người nào. Những cái tên như Mai Xuân Thưởng, Mai Xuân Quang, Mai Hòa, Mai Vân, Mai Ngọc Diêu, cho đến những thủ lĩnh Nguyễn Công Hóa, Nguyễn Đức Nhuận, Lê Quỳ, Nguyễn Văn Học, Bùi Điền hay Lê Văn Huyên,… Rộng hơn nữa, đó là Lê Trung Đình (Quảng Ngãi), Lê Thành Phương (Phú Yên), Trịnh Phong (Khánh Hòa), Hương Xương (Bình Thuận), Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam), Đinh Công Tráng (Thanh Hóa), Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Nguyễn Xuân Ôn (Nghệ An),... Họ là những người anh hùng đã đổ biết bao công sức và xương máu suốt một dải đất đầy nắng và gió để làm nên một Việt Nam hôm nay, can trường nhưng cũng đầy tình cảm, sẵng sàng xả thân vì nghĩa lớn. CTD-TT
Tài liệu tham khảo : 1. “Prise de la citadelle de Binh-Dinh (Relation d'un officier, qui a pris part avis opérations militaires qui ont amené l'occupation de cette ville”, Le Temps, 27/10/1885. 2. “Lettres de l’Indochine (Haiphong 17 Juin 1887)”, Le XIXe siècle, 27/7/1887. 3. “Lettre de M. J. M. Geffroy, Missionnaire apostolique de la Cochinchine Orientale”, Annales de la propagation de la foi pour la province de Quebec, Vingt-cinquième numéro, Fevrier 1885, Montréal, Cie. D'imprimerie Canadienne, 30, Rue St. Gabriel. 4. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.926, Thư ngày 22/11/1886 của Tổng đốc Thuận Khánh gửi Giám đốc Nha Nội chính. 5. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 01/6/1887 của Tuần phủ Nguyễn ở Trung Kỳ, đảm nhận chức vụ tổng đốc Bình Phú. 6. Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Thông tri ngày 09/6/1887 của Tổng đốc Bình Định và Phú Yên gửi cho công sứ Phú Yên và chính quyền các tỉnh phía Nam. 7. Camille Paris (1889), Voyage d'exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine, E. Leroux (Paris). 8. Charles Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tư liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử, số 6 (207), tháng 11-12, 1982. 9. Charles Lemire (1886), “La Prise de la citadelle de Binh-dinh”, l'Avenir de Tonkin, No24, Samedi 27 Novembre 1886. 10. Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin. 11. Charles Lemire (1887), “Les provinces de Binh-dinh et de Phu-yen”, Bulletin de la Société de géographie commerciale de Paris, Tome IX, 1er Octobre 1886 1er Octobre 1887, Paris, Au Siège D-E La Société. 12. Général X*** (1901), L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Paris, Librairie Militaire R. Chapelot et Cie. 13. Hoàng Chương và nnk (2006), Văn hiến Quảng Ngãi - Truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa Dân tộc. 14. Lucien Huard (1886), La guerre illustrée: Chine - Tonkin - Annam, L. Boulanger, éditeur, Paris. 15. Melle Fanny Lemire (1894), Voyage à travers le Binh-Dinh jusqu'aux Mois de Téh-Lakong (à l'Ouest de l’Annam central), Lille, Imprimerie L. Danel. 16. Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch (2011), Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao động. 17. Viện Sử học dịch (1976), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục, tập 36, NXB Khoa học xã hội. 18. Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục. 19. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 10539, Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc. 20. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Lemire. 21. Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 25520, Biên bản hỏi cung ngày 17.10.1888 của Nguyễn Xuân Phong. 22. Một số tư liệu điền dã của tác giả tại Quảng Ngãi và Bình Định vào tháng 4/2024.
[1] Viện Sử học dịch (1976), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam thực lục, tập 36, NXB Khoa học xã hội, tr.225-226.
[2] Charles Lemire (1887), “Les provinces de Binh-dinh et de Phu-yen”, Bulletin de la Société de géographie commerciale de Paris, Tome IX, 1er Octobre 1886 1er Octobre 1887, Paris, Au Siège D-E La Société, tr.581.
[3] Theo một thông tin sớm hơn, Charles Lemire (1886) cho biết sự kiện Văn thân Phù Mỹ khởi phát vào ngày 14.7.1885. Tuy nhiên mốc thời gian này dường như sớm hơn thực tế, cần tiếp tục nghiên cứu thêm mốc thời gian này. Xin xem thêm: Chales Lemire (1886), “La Prise de la citadelle de Binh-dinh”, l'Avenir de Tonkin, No24, Samedi 27 Novembre 1886.
[4] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.251.
[5] Charles Lemire (1887), “Les provinces de Binh-dinh et de Phu-yen”, Bulletin de la Société de géographie commerciale de Paris, Tome IX, 1er Octobre 1886 1er Octobre 1887, Paris, Au Siège D-E La Société, tr.580.
[6] “Lettre de M. J. M. Geffroy, Missionnaire apostolique de la Cochinchine Orientale”, Annales de la propagation de la foi pour la province de Quebec, Vingt-cinquième numéro, Fevrier 1885, Montréal, Cie. D'imprimerie Canadienne, 30, Rue St. Gabriel, tr.242.
[7] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.253.
[8] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.151.
[9] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.253.
[10] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.257.
[11] Theo bản sắc phong đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Đào ở Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), cho thấy chức vụ vào tháng 5.1885 của quan Đào Doãn Địch là hàm Hồng lô Tự thiếu khanh, trật chánh ngũ phẩm, sung chức Kiểm biện các Bảo thuộc dinh Kỳ Vũ. Theo sắc phong này còn cho thấy trước đó ông là hàm Hàn lâm viện Trước tác, trật tùng ngũ phẩm, sung chức Kiểm Biện ở dinh Long Vũ. Tra cứu chính sử, theo Đại Nam thực lục [Tập 9, tr.89], năm 1884 cho thấy ông ở hàm Trước tác sung Tán tương quân thứ Bắc Kỳ, là phù hợp với sắc phong đã nêu. Một số thông tin hiện nay cho rằng Đào Doãn Địch là quan ở hàm tổng đốc là chưa chuẩn xác.
[12] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.254-256.
[13] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.256.
[14] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.151.
[15] Vì lý do này mà lễ đăng quang vua Đồng Khánh phải lùi đến ngày 19.9.1885 mới tổ chức. Hãy nghe người Pháp mô tả về một hình ảnh cho ngày lễ trọng đại này: “Khi tướng De Courcy tiến vào tòa thành, pháo thuyền Rafale đã bắn 21 phát đại bác (21 phát cho tướng quân, 9 phát cho nhà vua, vậy ai là vua đích thực?)”, để hiểu hoàn cảnh chính quyền Đại Nam chìm sâu dưới bàn tay thực dân Pháp như thế nào.
[16] Lucien Huard (1886), La guerre illustrée: Chine - Tonkin - Annam, L. Boulanger, éditeur, Paris, tr.1020.
[17] “Prise de la citadelle de Binh-Dinh (Relation d'un officier, qui a pris part avis opérations militaires qui ont amené l'occupation de cette ville”, Le Temps, 27/10/1885.
[18] Général X*** (1901), L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Paris, Librairie Militaire R. Chapelot et Cie, tr.32,33.
[19] Lucien Huard (1886), La guerre illustrée: Chine - Tonkin - Annam, L. Boulanger, éditeur, Paris, tr.1022.
[20] Camille Paris (1889), Voyage d'exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine, E. Leroux (Paris), tr.100.
[21] Général X*** (1901), L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Paris, Librairie Militaire R. Chapelot et Cie, tr.34.
[22] “Prise de la citadelle de Binh-Dinh (Relation d'un officier, qui a pris part avis opérations militaires qui ont amené l'occupation de cette ville”, Le Temps, 27/10/1885.
[23] “Prise de la citadelle de Binh-Dinh (Relation d'un officier, qui a pris part avis opérations militaires qui ont amené l'occupation de cette ville”, Le Temps, 27/10/1885.
[24] Général X*** (1901), L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Paris, Librairie Militaire R. Chapelot et Cie, tr.36.
[25] “Prise de la citadelle de Binh-Dinh (Relation d'un officier, qui a pris part avis opérations militaires qui ont amené l'occupation de cette ville”, Le Temps, 27/10/1885.
[26] Général X*** (1901), L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Paris, Librairie Militaire R. Chapelot et Cie, tr.38.
[27] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.205.
[28] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.307.
[29] Général X*** (1901), L'Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Paris, Librairie Militaire R. Chapelot et Cie, tr.38.
[30] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.188.
[31] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.216.
[32] Nguyên văn: l’inspecteur des lettrés, có lẽ là quan đốc học.
[33] Charles Lemire (1886), “Le massacre des chrétiens et la prise de Binh-Dinh, (Juillet-Septembre 1885), Récit populaire Annamite”, Revue de L’anjou, 5e et 6e Livraisons. — Novembre et Décembre 1886, Angers Imprimerie-Librairie Germain et G. Grassin, tr.261.
[34] Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch (2011), Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao động, tr.396.
[35] Hoàng Chương và nnk (2006), Văn hiến Quảng Ngãi - Truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa Dân tộc, tr.233.
[36] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.204.
[37] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 01/6/1887 của Tuần phủ Nguyễn ở Trung Kỳ, đảm nhận chức vụ tổng đốc Bình Phú.
[38] Đây là một cuộc mít tinh rất lớn, do chính quyền Nam triều và Pháp đồng tổ chức tại cổng Nam tòa thành Bình Định. Nhiều thông tin tường thuật đương thời cho thấy, đó là sáng kiến của Trần Bá Lộc. Theo Pierre Jenny (1887) cho biết, buổi lễ nhỏ diễn ra ngày 12.4.1887 và buổi lễ chính diễn ra vào ngày 14.4.1887 với sự quy phục của 1.723 thủ lĩnh Văn thân, cùng sự tham dự của 2019 hương chức từ 673 làng tại Bình Định cùng 83 trưởng lão trên 80 tuổi làm chứng buổi quy phục, cùng chính quyền 2 chính thể và góp mặt của 20.000 dân quanh vùng [theo Bastia-Journal, 22/6/1887]; theo Fanny Lemire (1887) cho biết, buổi lễ diễn ra vào ngày 12.4.1887 với sự quy phục của 1.730 thủ lĩnh Văn thân cùng sự tham dự của 2.000 hương chức cùng 80 trưởng lão trên 80 tuổi làm chứng buổi quy phục, cùng chính quyền 2 chính thể và góp mặt của 40.000 người dân quanh vùng [theo Bulletin de la Société de géographie commerciale de Paris, Tome IX, 1er Octobre 1886 1er Octobre 1887]. Một dịp khác chúng ta sẽ quay lại nội dung này với Bản thông cáo hết sức đặc biệt ban hành ngày 12/4/1887. Chính vì sáng kiến này của Trần Bá Lộc đã rất thành công, khi phần lớn các thủ lĩnh Văn Thân ra quy hàng, để về sau rất có thể ông ta còn đạo diễn một câu chuyện khá quan trọng về thân thế Mai Xuân Thưởng gắn với nhà Tây Sơn mà chúng ta sẽ xem xét ở sau.
[39] Phóng viên Saint-Rodde của báo Le XIXe siècle, người đã về Bình Định trong thời gian giam giữ Mai Xuân Thưởng. Ông ta đã sống, gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng tại Bình Định và quan sát các sự kiện ở đây, và những mô tả thực của ông ta đối với từng nhân vật khá thú vị. Điển hình như Trần Bá Lộc rất hợm hĩnh nhưng nửa mùa, là giống với mô tả đương thời của Camille Paris [trong Voyage d'exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine, 1889]. Và nổi lên hơn tất cả, những mô tả này cho thấy một anh hùng Mai Xuân Thưởng đầy khí chất và anh hùng thượng mã, kiêu kỳ nhưng không kém phần gần gũi.
[40] “Lettres de l’Indochine (Haiphong 17 Juin 1887)”, Le XIXe siècle, 27/7/1887.
[41] “Lettres de l’Indochine (Haiphong 17 Juin 1887)”, Le XIXe siècle, 27/7/1887.
[42] Theo ông Mai Thanh Thắng (2024), hậu duệ dòng họ Mai của anh hùng Mai Xuân Thưởng.
[43] Melle Fanny Lemire (1894), Voyage à travers le Binh-Dinh jusqu'aux Mois de Téh-Lakong (à l'Ouest de l’Annam central), Lille, Imprimerie L. Danel, tr.7.
[44] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Thông tri ngày 09/6/1887 của Tổng đốc Bình Định và Phú Yên gửi cho công sứ Phú Yên và chính quyền các tỉnh phía Nam.
[45] Charles Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tư liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử, số 6 (207), tháng 11-12, 1982, tr.46.
[46] Viện Sử học dịch (2006), Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 9, NXB Giáo dục, tr.353.
[47] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 10539, Báo cáo ngày 17.5.1887 của Trần Bá Lộc.
[48] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 24697, Báo cáo ngày 15.01.1887 của Công sứ Lemire.
[49] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Báo cáo ngày 01/6/1887 của Tuần phủ Nguyễn ở Trung Kỳ, đảm nhận chức vụ tổng đốc Bình Phú.
[51] Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Thống đốc Nam Kỳ, Hồ sơ số 25520, Biên bản hỏi cung ngày 17.10.1888 của Nguyễn Xuân Phong.
[52] “Lettres de l’Indochine (Haiphong 17 Juin 1887)”, Le XIXe siècle, 27/7/1887.
[53] Cùng giai đoạn này, phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa và Nghệ An khá mạnh, có thể nhờ sự điều hành và chỉ huy tốt của các thủ lĩnh tại đây. Chỉ riêng căn cứ Ba Đình tại Thanh Hóa do thủ lĩnh Đinh Công Tráng lãnh đạo, đã làm quân Pháp hao tổn nhiều binh lực mới đánh dẹp được, cho dù khí tài của nghĩa quân không phải là quá hiện đại. Cần có những nghiên cứu tổng thể về phong trào Cần Vương ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thậm chí cả Nam Kỳ, và những kết quả đó sẽ giúp chúng ta có những góc nhìn chuẩn xác hơn về cuộc khởi nghĩa này. Với những kết quả nghiên cứu mang tính khu biệt của chúng ta hiện nay, sẽ rất khó có những cái nhìn chuẩn xác và mang tính khách quan trong một phong trào lớn và vĩ đại như phong trào Cần Vương.
[54] Ghi chú của Thông tri: Tôn Thất Thuyết, từ sau hành động nổi loạn của mình, đã không còn được tin tưởng trong gia đình hoàng tộc – Triều đình đã thay đổi họ của ông ta, từ Nguyễn sang Lê, theo họ mẹ.
[55] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.929, Thông tri ngày 09/6/1887 của Tổng đốc Bình Định và Phú Yên gửi cho công sứ Phú Yên và chính quyền các tỉnh phía Nam.
[56] Archives nationales d'Outre-Mer (Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại), Phông GGI, Hồ sơ số 11.926, Thư ngày 22/11/1886 của Tổng đốc Thuận Khánh gửi Giám đốc Nha Nội chính.
[57] Chúng ta dùng từ tham vọng cá nhân của Trần Bá Lộc, đó là một thực tế. Ông ta bị các thông tin đương thời đánh giá rất xấu xí qua hai cuộc chinh phục vùng Thuận Khánh và Bình Phú. Thậm chí có những mô tả còn cho thấy một hình ảnh thật tệ hại: “Tôi định đóng bức thư vốn đã dài này khi biết tin Tổng đốc Lộc trở về Sài Gòn cùng với các tình nguyện viên của ông ta. Bạn sẽ hiểu được thị hiếu chiến binh của vị quan này, họ được trả thù lao khá cao. Theo sau Lộc là 600 rương chiến lợi phẩm, mà ông ta sẽ phải trả hơn 36.000 franc, nếu bị áp thuế. Thuộc hạ của ông ta có thể đã dùng tiền của mình để thuê một chiếc tàu mang phần ăn cướp của họ đến Sài Gòn, bởi vì 600 rương là tài sản độc quyền của Tổng đốc Lộc. Người ta thấy những tên vô lại đeo 1, 2, 3 lon đi ngênh ngang trên đường phố Qui Nhơn, chúng được gọi là trung uý hoặc đại uý; ở Sài Gòn, cần phải vứt bỏ tất cả những thứ đồ bỏ của quân đội; nhưng lại để lại sự nghèo nàn và tệ hại, những người tình nguyện này, những kẻ sẽ được nhà cầm quyền Pháp tiếp nhận trong chiến thắng, trở về trong sự giàu có. Thật là xấu hổ. Cần phải cảnh báo những sự việc này ở Pháp và đánh động đến khi dư luận, rất quảng đại ở nước ta, thường cảm động trước rất nhiều vụ trộm và ám sát không bị trừng phạt và gần như được tôn vinh” [Theo Le XIXe siècle, 27/7/1887].
[58] Charles Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tư liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử, số 6 (207), tháng 11-12, 1982, tr.46.