PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ ANH HÙNG DÂN TỘC MAI XUÂN THƯỞNG

Thứ năm - 23/05/2024 11:30 50 0
Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX” do sở Khoa học và Công nghệ phối hợp sở Văn hóa - Thể thao, Trường Đại học Quy Nhơn, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Hội đồng họ Mai tỉnh tổ chức vào ngày 20.5.2024. Ban Biên tập trang TTĐT họ Mai Bình Định trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG HỘI THẢO KHOA HỌC “MAI XUÂN THƯỞNG VỚI PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CUỐI THẾ KỶ XIX” CỦA CHỦ TỊCH HĐHM BÌNH ĐỊNH MAI THANH THẮNG
Chủ tịch HĐHM Bình Định Mai Thanh Thắng đón tiếp GS-TSKH Vũ Minh Giang
Chủ tịch HĐHM Bình Định Mai Thanh Thắng đón tiếp GS-TSKH Vũ Minh Giang

 Lời đầu tiên, thay mặt HĐHM Bình Định tôi xin gởi đến lãnh đạo UBND tỉnh, các học giả, các nhà nghiên cứu, quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa quý vị!
Đến với hội thảo khoa học: “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX” tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) – địa chỉ nổi tiếng được nhiều nhà khoa học trên thế giới biết đến – chúng tôi, hậu duệ Mai tộc Bình Định rất vui mừng, xúc động và xin gởi đến lãnh đạo tỉnh Bình Định, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan đã tổ chức hội thảo và mời chúng tôi tham dự lời cảm ơn chân thành. Hội thảo được tổ chức trang trọng, có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triểntham gia thể hiện sự kính ngưỡng, lòng biết ơn đối với nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng và tôi tin rằng qua hội thảo này vai trò của Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp sẽ được làm sâu sắc hơn cũng như những tồn nghi về Ông sẽ được sáng rõ!
Kính thưa quý vị!
Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860, trên vùng đất địa linh nhân kiệt – quê hương Tây Sơn tam kiệt, người họ Mai ưu tú thuộc chi họ làng Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn), thân phụ ông là cụ Mai Xuân Tín đỗ cử nhân năm 1847, từng làm quan Bố Chánh tỉnh Cao Bằng. Thuở nhỏ Ông thông minh, ham học, năm lên 6 tuổi, cha mất sớm, Ông lớn lên với sự nuôi dạy của mẹ và của tú tài Lê Duy Cung cùng sự yêu thương của gia đình và dòng tộc.chu tich hdhm binh dinh mai thanh thang phat bieu chao mung hoi thao 2
                                Chủ tịch HĐHM Bình Định Mai Thawnh Thắng -phát biểu chào mừng Hội thảo

Sau khi đỗ tú tài năm 18 tuổi (1878), Mai Xuân Thưởng tham dự và đỗ cử nhân kỳ thi Hương ở trường thi Bình Định vào đầu tháng 7 năm 1885 lúc ông 25 tuổi, trong bối cảnh rất đặc biệt: Tại kinh thành Huế nổ ra khởi nghĩa của vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường. Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, công nông thương trong nước đứng lên phò vua chống thực dân Pháp! Giữa hai con đường: Quan trường, Danh lợi và ứng nghĩa theo chiếu Cần Vương, Mai Xuân Thưởng không chọn con đường Danh lợi! Ngay sau khi thi đỗ cử nhân, Ông về quê nhà cùng với các bạn tâm giao chiêu mộ nghĩa binh lập căn cứ chống thực dân Pháp, chỉ sau một thời gian ngắn đội nghĩa quân do ông tập hợp và chỉ huy đã có đến hàng trăm người, tuy chỉ trang bị thô sơ nhưng ai cũng một lòng quyết chiến đấu chống giặc Pháp, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa cứu nước bảo vệ quê hương. Sau đó Mai Xuân Thưởng ứng nghĩa cùng Đào Doãn Địch - một cựu quan triều đình Huế, người làng Tùng Giảng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay, nhận “mật lệnh” của vua Hàm Nghi trở về các tỉnh phía Nam truyền lệnh kháng chiến và được nguyên soái Đào Doãn Địch giao giữ chức Tán tương quân vụ. Đầu tháng 9 năm 1885, Đào Doãn Địch qua đời, trước khi mất Ông đã giao lại chức nguyên soái cho Mai Xuân Thưởng. Kể từ đây Mai Xuân Thưởng trở thành thủ lĩnh cao nhất của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định.

Với lực lượng ngày càng lớn mạnh và với tài thao lược Mai Xuân Thưởng vừa xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng cùng các thủ lĩnh liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các cứ điểm của quân Pháp và tay sai, uy hiếp thành Bình Định. Bình Định trở thành trung tâm kháng chiến lớn nhất và Bình tây đại nguyên soái Mai Xuân Thưởng trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương chống Pháp ở vùng Nam Trung Kỳ!
Nhận thấy thế và lực của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng ngày càng lớn mạnh, thực dân Pháp quyết tâm đàn áp! Họ huy động nhiều lực lượng với quy mô lớn: quân đội viễn chinh Pháp và hai đội quân tay sai do Trần Bá Lộc và Nguyễn Thân chỉ huy để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên quân Pháp và tay sai đã vấp phải sự chiến đấu ngoan cường với ý chí sắt đá và lòng quả cảm hy sinh của hàng ngàn nghĩa binh và các vị chỉ huy, đứng đầu là Mai Xuân Thưởng. Tháng 3 năm 1887 ông bị thương nặng và do sự bao vây chặt, kết hợp tấn công và mua chuộc của quân Pháp và tay sai lực lượng nghĩa quân của ông suy yếu và phong trào đã bị đàn áp. Bằng nhiều cách dụ hàng của thực dân Pháp và tay sai nhưng Mai Xuân Thưởng khẳng khái đáp: “Chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không có đầu hàng tướng quân” và ngày 07 tháng 6 năm 1887 anh hùng Mai Xuân Thưởng cùng 11 nghĩa binh can trường nhất của ông bị thực dân Pháp và tay sai hành quyết tại Gò Chàm (thị xã An Nhơn ngày nay).
doan db ho mai bd tham du hoi thao

                                                        Đoàn đại biểu HĐHM Bình Định tham dự Hội thảo
Kính thưa quý vị!

Nhà yêu nước, anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam cách đây tròn 137 năm nhưng tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, tấm lòng yêu nước, thương dân của ông luôn là tấm gương cho hậu thế noi theo và lòng yêu mến, kính ngưỡng của người dân Việt Nam đối với Ông mãi mãi trường tồn cùng với non sông đất nước. Mai Xuân Thưởng là niềm tự hào của Mai tộc chúng tôi!
Nhân dịp này, thay mặt Hội đồng họ Mai Bình Định chúng tôi xin có một số kiến nghị:
1. Trên cơ sở những nhận định, kết luận của chủ trì Hội thảo nếu những tồn nghi về Mai Xuân Thưởng được sáng rõ, đề nghị các sở ngành có liên quan làm thủ tục trình các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.
2. Hiện nay lăng mộ Mai Xuân Thưởng tọa lạc trên ngọn đồi cao của dãy núi Ngang thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 20/4/1995 và UBND tỉnh đã cho trùng tu tôn tạo rất khang trang. Tuy nhiên những tư liệu về Ông hiện có rất ít, kính đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao có kế hoạch sưu tầm làm cho tư liệu về Mai Xuân Thưởng dồi dào hơn để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận một nhân vật lịch sử đầy tự hào của nhân dân Bình Định đồng thời sớm hoàn tất việc đúc tượng Mai Xuân Thưởng an vị thờ tại Lăng của Ông theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Một lần nữa, tôi xin gởi đến quý lãnh đạo, các vị khách quý, quý đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Xin cảm ơn !
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Truyền thông họ Mai Bình Định
kyyeu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay97
  • Tháng hiện tại2,642
  • Tổng lượt truy cập21,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây